Cà phê đường tàu: Có nên xoá bỏ hoàn toàn?

Thứ Ba, 08/10/2019, 09:30
Ngay sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có ý kiến về việc “xoá bỏ” cà phê đường tàu trên địa bàn Hà Nội, một số chuyên gia du lịch và giao thông cho rằng Hà Nội nên giữ nét độc đáo “cà phê đường tàu” và có thêm các biện pháp đảm bảo an toàn thay vì ngăn cấm.


Tai nạn chưa xảy ra không có nghĩa là an toàn

Theo Bộ GTVT, 9 tháng đầu năm 2019, tình hình vi phạm trật tự giao thông đường sắt trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp. Trong đó, có nguyên nhân do người dân và du khách tụ tập đông người để chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt. Các hộ dân kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt họp chợ, kê bàn ghế buôn bán phục vụ du khách trong lòng đường sắt. Các vi phạm này gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. 

Trước thực trạng ngày, ngày 4-10, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị TP Hà Nội giải tán tụ điểm cà phê gần sát đường sắt, đe dọa mất an toàn; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn. Nếu để tình trạng tái lấn chiếm sẽ xử lý cán bộ địa phương quản lý.

Nhiều khách du lịch đến Việt Nam rất hào hứng với việc chụp ảnh đường tàu.

Lý giải nguyên nhân cần xóa tụ điểm cà phê đường tàu, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Bộ GTVT đề nghị UBND Hà Nội xóa tụ điểm cà phê đường tàu dựa trên đề xuất của Tổng Công ty Đường sắt. 

Ông Hoạch cho biết, các quán cà phê ven đường sắt từ đầu năm nay có chiều hướng gia tăng mạnh hơn các năm trước, trải dài khu vực đường tàu gần phố Điện Biên Phủ và Khâm Thiên. Việc du khách đi lại xung quanh đường tàu gây mất an toàn khi có tàu chạy qua và gây cản trở đến việc duy tu bảo trì đường sắt. Công nhân đường sắt khi bảo trì đường thường phải giải tỏa bàn ghế được đặt trên đường sắt và mất thời gian đưa máy móc vào khu vực này. Cùng với đó, môi trường dọc đường sắt bị ảnh hưởng bởi rác thải, một số hộ dân cải tạo lối đi làm ảnh hưởng thoát nước đường sắt. 

Cũng theo ông Đoàn Duy Hoạch, các đoàn tàu chạy hàng ngày qua lại đi phía Nam và phía Bắc Hà Nội khá nhiều. Khi đi qua tụ điểm cà phê, tàu thường phải chạy chậm hơn 30km/h và lái tàu phải cảnh báo từ xa và đi chậm để chờ du khách nhường đường, gây chậm tàu. Ngoài ra, nhiều đoàn tàu thay đổi giờ chạy nên có thể đi qua bất ngờ và không đảm bảo an toàn cho du khách đi lại khu vực này. 

"Đây là hành lang chạy tàu, chúng ta không nên suy nghĩ là nơi kinh doanh du lịch. Không có lý do gì để kinh doanh ở đó", ông Hoạch nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, thống kê từ Phòng CSGT Hà Nội cho thấy, từ ngày 15-12-2018 đến ngày 14-9-2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 12 người chết, 1 người bị thương. Đáng lưu ý, các vụ này chủ yếu xảy ra ở các địa bàn ngoại thành. 

Đại diện Đội CSGT Đường sắt (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết thêm, dù thời gian qua chưa có vụ tai nạn nào xảy ra tại khu vực “xóm đường tàu” thuộc địa bàn các phường nội thành, song không vì thế mà chủ quan.

Người dân mong giải pháp quản lý chứ không phải là “xoá hết”

Không phủ nhận việc người dân ngồi giữa đường tàu chụp ảnh, hay ngồi sát đường tàu để uống cà phê là mất an toàn giao thông, song theo ông Trần Văn Long - Giám đốc Du lịch Việt chúng ta nên có góc nhìn rộng hơn. 

Thực tế, không có quốc gia nào như ở Việt Nam giờ vẫn còn nhà dân san sát hai bên đường tàu. Trước kia đây là khu vực người ta rất ngại đến vì nó mất vệ sinh, song giờ theo xu hướng, người dân đã biết “biến” cái xấu thành nơi có nhiều quán xá đẹp, thu hút khách du lịch. Thậm chí nhiều khách Tây đến Việt Nam, kiểu gì cũng phải ra đây uống cà phê chụp ảnh “check in”.  

Song, theo ông Long nếu để nguyên thế mà phát triển thì rất nguy hiểm, vì thời đại công nghệ 4.0, nếu chỉ sơ suất 1 vụ tai nạn xảy ra thì hình ảnh Việt Nam trong mắt khách du lịch quốc tế là rất nguy hại. Do đó, cơ quan chức năng thay vì cấm hẳn nên tính đến việc làm hàng rào an toàn ngăn cách với đường ray để người dân vẫn có thể ngồi, chụp ảnh mà không gặp nguy hiểm. 

Mặt khác, cũng nên quy hoạch lại các hàng quán dọc hai bên đường tàu để phát triển du lịch, theo một phong cách màu sắc hơn. Ví dụ, chỉ nên quy định 3 màu sơn, rồi mỗi quán dùng các ô, các cốc theo màu sơn đó, hoặc màu sơn đối lập… để tạo ra một không gian thật chuyên biệt, chỉ có ở Hà Nội, Việt Nam.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty Du lịch Vietrantour cho biết, điểm cà phê đường tàu không nằm trong chương trình của các hãng lữ hành song nhiều du khách nước ngoài vẫn tự tìm đến đây, cho thấy sức hấp dẫn của tụ điểm này. Du khách đến không phải chỉ uống cà phê mà họ tìm hiểu về cuộc sống của người Hà Nội, nét độc đáo của tuyến đường sắt đi xuyên qua thành phố. 

"Du khách quốc tế muốn trải nghiệm những cảm giác lạ ở đoạn đường tàu độc đáo của thế giới, họ thích chụp ảnh cuộc sống Hà Nội đời thường, những đoàn tàu cũ kỹ chạy trên đoạn đường ray từ thời Pháp", bà Huyền nhận xét. 

Dưới góc nhìn giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng nhận xét, Hà Nội nên có giải pháp quản lý các quán cà phê đường tàu chứ không đơn giản là xóa hết. 

"Nhiều năm qua, người dân Hà Nội sống ven đường tàu vẫn đi lại, sinh hoạt trong hành lang đường sắt, họ vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân. Nếu phải xóa theo đúng quy định thì các hộ dân này cũng phải giải tỏa", ông Quyền nêu ý kiến.

Phạm Huyền
.
.
.