Áp dụng xử phạt nguội, ngăn việc “chống lưng” cho xe quá tải
- Xử phạt nguội “quái xế” bốc đầu xe máy, khoe “chiến tích” trên mạng xã hội
- Xử phạt nguội gần 350 phương tiện đi vào làn BRT
Ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, sau 6 tháng đưa 2 bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động vào hoạt động thí điểm đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác kiểm soát xe quá tải trên QL5. Số lượt xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn hơn 49 lần (từ 6,9% của 7 tháng đầu năm 2020 xuống còn 0,14%). Số lượt xe vi phạm theo ngày đã giảm bình quân gần 50 lần, từ 176 lượt xe/ngày xuống còn 3,6 lượt xe/ngày.
Hầu hết các chủ phương tiện nhận được thông báo vi phạm sau khi được lực lượng chức năng cung cấp các bằng chứng vi phạm đều chấp thuận về kết quả vi phạm và chấp hành quyết định xử phạt.
Cân xe quá tải tự động thí điểm trên QL 5. |
Theo ông Chung, đây là hệ thống cân tự động tốc độ cao đầu tiên của Việt Nam, có độ chính xác cao, ổn định, hệ thống cân hoạt động tự động hoàn toàn, không cần thao tác vận hành và can thiệp của con người, cho ra kết quả cân nhanh từ 3 - 15 giây và kiểm soát được 100% số lượt. Đặc biệt, hệ thống cân này sẽ loại bỏ được tình trạng “chống lưng” cho xe quá tải hoành hành do được áp dụng xử phạt “nguội”.
Lái xe, chủ xe không gặp được người trực tiếp xử lý do không có lực lượng chức năng không phải trực tiếp ra đường để dừng xe, kiểm tra và xử phạt vi phạm, tránh được tiếp xúc và va chạm với tổ chức, cá nhân vi phạm, lái xe muốn gặp lực lượng chức năng để xin cũng không thực hiện được. Hơn nữa, phần mềm do nhiều đơn vị kiểm soát, không thể can thiệp nên không có chuyện can thiệp vào kết quả xử lý.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho hay, nếu so sánh với trạm cân cố định tại Dầu Giây và Quảng Ninh, hệ thống cân tự động này giảm từ khoảng 70 người bao gồm nhân viên quản lý, vận hành, bảo vệ, lực lượng chức năng có thẩm quyền dừng xe, lập biên bản vi phạm hành chính… xuống còn từ 3-5 người chỉ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ; giảm khoảng 10 lần chi phí hoạt động hàng năm (từ khoảng 5 tỷ đồng/năm xuống còn khoảng dưới 1 tỷ đồng/năm); không cần nhân viên vận hành và lực lượng chức năng có thẩm quyền làm việc trực tiếp tại hiện trường (vị trí đặt thiết bị cân) nên không thể tiếp xúc trực tiếp, gặp gỡ đối tượng vi phạm, do đó loại bỏ hoàn toàn tiêu cực.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, từ kết quả đạt được trong quá trình thí điểm sẽ tiếp tục sử dụng mô hình công nghệ mới này với mục tiêu kiểm soát được xe quá tải, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ. Trên tinh thần đó, ông Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai, Tổng cục Đường bộ xây dựng kế hoạch cụ thể dự kiến lắp đặt ở các quốc lộ, ưu tiên khu vực có lưu lượng xe quá tải lớn; rà soát, sửa đổi hành lang pháp lý về nguồn vốn, quy chuẩn và mô hình tổ chức hoạt động của trạm cân tự động triển khai trong thực tế nhanh nhất.