60% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy
Thông tin trên được Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ tại Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm" diễn ra ngày 4, 5/11 tại Hà Nội. Hội thảo do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức.
Thông tin tới hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, phương tiện xe máy tại Việt Nam chiếm số lượng lớn, khoảng hơn 70 triệu xe; hàng năm trung bình tăng từ 10-15%.
Qua phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông (TNGT) cho thấy, 60% các vụ tai nạn trong 10 tháng đầu năm 2024 liên quan đến xe máy. Để phòng ngừa xe máy gây TNGT, lực lượng CSGT đã tập trung mở nhiều đợt cao điểm để xử lý; tuy nhiên, cái chính vẫn là ý thức tham gia giao thông của người điều khiển xe máy cần được cải thiện hơn.
Để khắc phục những hạn chế trong quản lý phương tiện xe máy, trong Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, cơ quan chủ trì đã đề xuất một số quy định mới.
Theo đó, hiện đại hóa trung tâm chỉ huy giao thông; bảo đảm kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Đây là một điểm mới trong chính sách của Nhà nước về đảm bảo TTATGT đường bộ.
Cùng đó là các quy định về xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước về an ninh, TTATGT đường bộ, từ quản lý an toàn kĩ thuật phương tiện, hoạt động của các phương tiện đến quản lý người điều khiển, đặc biệt là quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện, như điểm của giấy phép lái xe…
Chính sách phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, ưu tiên chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, hạ tầng cung cấp năng lượng sạch.
Chính sách giáo dục kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, cả nước có khoảng trên 4 triệu trẻ em, học sinh có độ tuổi từ 16-18 tuổi, điều kiện và thực tế các cháu sử dụng xe gắn máy rất phổ biến. Luật quy định cho lực lượng CSGT phối hợp với các cơ sở giáo dục để hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn là một chế định hướng tới sự an toàn cho thế hệ tương lai của đất nước và để quản lý các cháu chấp hành quy định về pháp luật TTATGT được tốt hơn.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung cho biết thêm, lực lượng CSGT đang tập trung đảm bảo an toàn cho học sinh, chỉ trong đợt cao điểm đã xử lý khoảng 80.000 trường hợp, cần tập trung xử lý vì đây là đối tượng dễ tổn thương, lấy hướng dẫn, giáo dục là chính khi xử lý. Những vấn đề này cần truyền thông, định hướng. Khi có giải pháp bài bản sẽ có thế hệ học sinh chấp hành luật giao thông tốt hơn, giảm tai nạn hơn.
Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh: "Các quy định này không chỉ hoàn thiện về mặt pháp lý mà còn là nền tảng xây dựng một xã hội giao thông an toàn, văn minh. Chúng ta cần sự đồng lòng và hợp tác từ tất cả các bên, từ lực lượng chức năng cho đến từng người dân, nhằm tạo ra môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu TNGT liên quan đến xe máy".
Thông tin thêm tại hội thảo, TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết, đảm bảo an toàn giao thông xe máy là vấn đề rất nóng bỏng hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn cầu.
Xe máy là phương tiện di chuyển chính, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi xe máy không chỉ là phương tiện cá nhân mà còn là công cụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, song hành với sự tiện lợi và phổ biến của xe máy là những thách thức không nhỏ, nhất là trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Tai nạn giao thông liên quan đến xe máy đã và đang để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và nền kinh tế của nhiều quốc gia.
"Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc cải thiện TTATGT, đặc biệt là đối với người đi xe máy. Chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình và chính sách quan trọng như bắt buộc đội mũ bảo hiểm, kiểm soát nồng độ cồn khi điều khiển xe máy, cải thiện hạ tầng giao thông và đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về ATGT. Những nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực", ông Khuất Việt Hùng cho biết.
Hội thảo lần này là cơ hội quý báu để cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thành công trong việc đảm bảo an toàn cho người đi xe máy ở nhiều quốc gia; đồng thời thảo luận về những khó khăn và thách thức đang tồn tại.