Ở phố Trịnh có một dòng sông

Thứ Hai, 01/04/2019, 14:10

Đã 18 năm kể từ khi Trịnh Công Sơn giã từ xứ mà ông gọi là cõi tạm. Nhưng ở cõi tạm ấy, ông lại là thường hằng, khi mà mỗi dịp Cá tháng Tư, đây đó trên mạng xã hội vẫn có rất nhiều những sẻ chia về ông, nhớ ông, kính ông và cả lắng nghe ông…


Đầu ngày, trên trang cá nhân của một đồng nghiệp lớn tuổi mà tôi kính trọng có một dòng chia sẻ nhỏ, đại ý “2001, ngày cá tháng tư, có một cái tin mà mình cứ mong nó là lời nói dối”. Rồi anh nói về Trịnh Công Sơn, ngắn gọn, nhưng đủ tình, đủ để hiểu trong lòng anh, Trịnh vẫn thường hằng.

Giang Trang và hoạ sỹ Lê Thiết Cương ở buổi ra mắt 'Lênh đênh nhớ phố' tại quán Trịnh.

Có nhiều lần, tôi ngồi với bè bạn, họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, và đã có những tranh luận rất vui xoay quanh Trịnh Công Sơn. Người bạn đến từ Đà Lạt cứ khẳng định là chủ yếu ông viết về thành phố cao nguyên kia. Còn cô bạn ở Huế thì nhẹ nhàng nhưng kiên trì nói “anh Sơn là của Huế, anh Sơn viết về Huế”. Tôi đồng cảm hơn với người đồng hương quê ngoại, ở Đà Nẵng, rằng trong nhạc Trịnh vẫn có thể kiếm tìm hình hài thành phố biển ấy. Rồi có người lại viện dẫn “Em còn nhớ hay em đã quên” để nói về Sài Gòn trong nhạc Trịnh. Hình như nơi nào cũng cất giữ Trịnh cho riêng mình, cất giữ như thể họ nghĩ rằng ông đã và vẫn sẻ chia cùng vùng miền của họ.

Và đôi lần, tôi tự hỏi, Hà Nội có Trịnh hay không? Ca khúc của Trịnh viết về Hà Nội không nhiều nhưng hình bóng có lẽ cũng không thiếu. Người Hà Nội mê nhạc Trịnh thì khỏi nói, từ thuở chuyền tay nhau những cuốn băng cassette cũ cho tới tận sau này. Nhưng kiếm tìm những con phố ở Hà Nội thực sự lên màu trong nhạc Trịnh thì không dễ. Có lẽ, đó là lý do của lịch sử, một lịch sử kéo dài suốt tuổi trẻ của Trịnh Công Sơn, tuổi trẻ vắng Hà Nội.

Nhưng giờ đây, tôi đã gặp những con người dám đưa những con phố rất Hà Nội về gần với Trịnh. Ấy là Giang Trang, và Lê Thiết Cương, qua ấn bản đĩa than ‘Lênh đênh nhớ phố’. Nghe Giang Trang hát, Lê Thiết Cương đã lần đầu tiên trong đời nhận làm art director cho một album nhạc. Và anh ‘tối giản’ bằng hai màu: vàng và xám, cùng những thấp thoáng mái nhà rất ba sáu phố phường. Trên đó, Giang Trang lênh đênh nỗi nhớ phố bằng những ca khúc nhạc Trịnh quen thuộc nhất. Có lẽ, đây là một Trịnh Công Sơn kiểu Hà Nội nhất mà tôi đã từng được nghe, được cảm nhận, được chạm vào chính tuổi thơ của mình, thuở mới hơn mười tuổi, với cuốn băng cassette cũ ‘Sơn ca 7’.

Giang Trang hát nhạc Trịnh thuần thành với đúng bản chất của hội hoạ Lê Thiết Cương: tối giản. Chỉ có tiếng guitar acoustic cùng giọng vỹ cầm làm nền, giọng hát của Giang Trang như thủ thỉ kể câu chuyện phố. Phải thừa nhận, phát hành ấn bản này, Giang Trang đã dám đương đầu với những thách thức lớn nhất. Xưa nay, ca sỹ hát nhạc Trịnh hay bị so sánh với Khánh Ly và bản thân những bản ghi âm cũ đã nằm lòng ấy khiến người nghe bỗng trở nên định kiến đến vô cùng. Và cũng nhiều người cố gắng hát Trịnh khác đi, để minh chứng rằng không chỉ có một Trịnh Công Sơn ‘cổ điển’ cùng Khánh Ly. Có sự cố gắng tạm mang lại thành công. Có sự cố gắng bị nhận về quá nhiều chỉ trích. Và Giang Trang, cô chẳng cố gắng gì. Cô hát Trịnh như là cô cảm nhận Trịnh. Hoá ra, cái cách ấy lại là cách kéo gần người Hà Nội về với Trịnh của Hà Nội một cách hữu hiệu nhất. Tiếng hát bảng lảng của Trang khiến tôi trở lại như thời thiếu niên, ngồi bên dăm người bạn, đàn cho họ hát, hát tiếng Trịnh theo đúng lòng mình, lênh đênh giữa lòng phố xá.

Cái  bảng lảng của giọng hát Giang Trang đã kể lại câu chuyện Trịnh Công Sơn của mỗi người một cách dễ gần nhất. Nó lững lờ như dòng chảy của một con sông và thú vị thay, tên của cô cũng có nghĩa là sông. Và con-sông-giọng-hát ấy cứ chầm chậm, chầm chậm chảy trong huyết quản của người nghe, với bên bồi - để bồi đắp lại những cảm xúc mềm mại người ta dễ đánh mất do cuộc sống quá ồn ào; và bên lở - để xói mòn lại thời gian và kéo người nghe về với ký ức Trịnh-phố xá Hà Nội, của riêng mình.

Hôm nay, 1/4, mười tám năm sau ngày Trịnh Công Sơn ra đi. Vài đêm trước đó, ở nhiều đô thị đã có những đêm tưởng nhớ Trịnh được tổ chức. Còn ở đây, đường Phạm Ngọc Thạch, TPHCM, ngay con phố ngày xưa Trịnh Công Sơn đã sống, đã gắn bó, đã bạn bè, ngay con phố mà nhiều người gọi là phố Trịnh, có một dòng sông đã chào người nghe thành phố, lần đầu, tinh tuyền cảm xúc. Dòng sông ấy, tôi xin gọi tên là dòng Trịnh của Giang Trang.



Văn Đoàn
.
.
.