Nhiều chiêu trò mới trong lừa đảo mua hàng qua không gian mạng

Chủ Nhật, 04/08/2024, 08:48

Gần đây, xuất hiện tình trạng đối tượng mạo danh là thủ quỹ, kế toán, người có nhu cầu xây nhà… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chủ các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ở Tây Ninh qua mạng. Đáng lưu ý, đối tượng đánh vào tâm lý hám lời trong kinh doanh khiến nạn nhân "sập bẫy".

Anh N.V.L. (SN 1979, ngụ thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu), chủ cửa hàng màn cửa cho biết, khi đang đi làm thì nhận được cuộc thoại của người phụ nữ tên Thanh. Đối tượng này tự giới thiệu là nhân viên kế toán của một trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện Tân Biên. Thanh biết cơ sở anh L. kinh doanh màn cửa nên nói nhà trường cần nhu cầu làm màn cửa cho hơn 40 phòng để đón năm học mới. Tin lời, anh L. nói cơ sở mình sẽ phân công nhân viên qua lắp màn cửa. Tiếp đó, L. nói Thanh kết bạn Zalo rồi đưa cho đối tượng các loại màu của cơ sở để Thanh lựa chọn.

Nhiều chiêu trò mới trong lừa đảo mua hàng qua không gian mạng -0
Cán bộ điều tra tiếp nhận thông tin từ một nạn nhân bị lừa đảo qua không gian mạng.

"Sau đó, tôi thông báo giá cả hơn 60 triệu đồng, bao gồm cả tiền công. Thanh nói tôi phải bớt chút tiền hoa hồng cho mình và gửi chút quà cho hiệu trưởng nhà trường. Tôi đồng ý cho khoảng 2% hoa hồng người giới thiệu. Lúc này, Thanh nói mình báo cáo ban giám hiệu để họp quyết định phương án, rồi thông báo lại. Khoảng 15 phút sau, Thanh nói tôi rằng, ban giám hiệu đã đồng ý chủ trương phê duyệt làm màn cửa mới với giá cả như tôi đã đưa cho đối tượng tham khảo. Bản thân tôi cũng từng hợp đồng mắc màn cửa với nhiều nhà trường, nên cũng khá quen thuộc với cách nói chuyện của Thanh. Tiếp đó, Thanh chuyển hóa đơn thanh toán giả qua tài khoản cho tôi và nói đang ngày cuối tuần chưa qua được".

Chưa dừng lại, đối tượng nói anh L. rằng, đang cần gấp lô hàng bàn ghế cho các lớp học. Do vậy, Thanh đề nghị tôi có quen biết ai thì giới thiệu công ty cung cấp mặt hàng này và đôi bên cùng được hoa hồng theo tỷ lệ "cưa đôi". Với thâm niên hơn 10 năm làm lĩnh vực màn cửa, nên anh L. cũng quen biết nhiều công ty ở Tây Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Do vậy, anh L. đã gọi điện ngay cho các bạn bè để gửi các mặt hàng qua Zalo để chuyển cho Thanh xem. Tuy nhiên, các mẫu mà anh L. gửi thì Thanh nói không phù hợp với loại mà hiệu trưởng yêu cầu. Tiếp đó, Thanh nói L. gọi cho công ty thiết bị trường học mà đối tượng biết được quảng cáo trên mạng ở Bình Dương. Cửa hàng này có loại bàn ghế mà nhà trường đang cần.

Khoảng 5 phút sau, người đàn ông giới thiệu tên Nam, giám đốc của công ty thiết bị trường học nói anh L. kết bạn Zalo để gửi mẫu bàn ghế cho nhà trường. Anh L. gửi cho Thanh thì đối tượng đồng ý ngay. Sau đó, Nam nói giá lô bàn ghế hơn 200 triệu đồng, nên anh L. phải gửi hơn 60 triệu đồng để đặt cọc. Đáng lưu ý, Nam luôn thúc giục anh L. chuyển tiền và sẽ cho hoa hồng theo quy định. Khi anh L. chuyển tiền thì gọi cho cả Thanh và Nam đều không liên lạc được. Lúc này, anh L. mới biết mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Trước đó, anh Đ.X.P. (SN 1978, ngụ thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng M.V) cũng bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tiền. Cụ thể, anh P. nhận được số điện của một người đàn ông tên Minh, zalo tên Minh Đăng. Minh nói đang cần đổ cho nhà máy cao su T.H (ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu) của anh ta 40m3 cát, 80m3 bê tông, 1.290m3 đá, 35 tấn gạch để lót 300m2. Tin lời, anh P. tính và báo giá khoảng 166 triệu đồng. Anh P. cũng yêu cầu đổ hàng đến đâu thì Minh phải thanh toán tiền tại đó. Khi tài xế của anh P. đến thì liên hệ với Minh trước để đối tượng gọi điện cho nhân viên bảo vệ công ty mở cửa nhận hàng.

Tuy nhiên, tài xế của anh P. liên lạc với Minh thì đối tượng lấy lý lo đang còn bận việc và hứa hẹn bồi dưỡng 300.000đ để uống nước trong thời gian chờ đợi đổ hàng. Sau đó, Minh tiếp tục gọi cho anh P. và nói còn thiếu sơn nước. Anh P. đưa ra nhiều mẫu sơn nhưng đối tượng đều không đồng ý, nói cần sơn Caporol và chỉ có ở Công ty sơn T.H (Bình Dương) mới có hàng. Minh đưa lý do từng làm ở công ty trên và xảy ra xích mích với lãnh đạo công ty, vì chiết khấu lợi nhuận bán hàng không cao. Do vậy, Minh cho số một nữ nhân viên đang làm ở công ty trên có quen biết với đối tượng và nhờ anh P. gọi điện đặt 42 thùng sơn. Tin tưởng, anh P. gọi điện, người phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên tiếp thị của công ty sơn T.H tổng đơn hàng  là hơn 92 triệu đồng.

Đối tượng giới thiệu là nhân viên công ty sơn gọi điện yêu cầu anh P. phải đặt cọc trước tiền. Anh P. chuyển tiền tạm ứng 10 triệu đồng vào số tài khoản của chúng nhưng đối tượng không đồng ý, yêu cầu phải chuyển hơn 100 triệu đồng. Bất ngờ, anh P. lại nhận thêm cuộc gọi của Minh về việc cần mua thêm 30 thùng sơn khác với giá hơn 70 triệu đồng để thúc ép. Nghi ngờ gặp phải kẻ lừa đảo, anh P. yêu cầu đối tượng nữ quay trực tiếp cuộc nói chuyện và xem hình ảnh công ty với mình. Biết bị lộ tẩy, đối tượng nữ dừng cuộc nói chuyện và chặn số nạn nhân. Một phút sau thì Minh cũng chặn số thuê bao của anh P.

Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đáng báo động. Các đối tượng hoạt động có tính chuyên nghiệp, xuyên quốc gia, có kịch bản sẵn, tấn công vào mọi thành phần, lứa tuổi. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn xảy ra hơn 20 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 12 tỷ đồng. Đây là loại tội phạm chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm về trật tự xã hội xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Tây Ninh…

Đức Mừng
.
.
.