Người dùng cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ tài khoản mạng xã hội
Trong bối cảnh tài khoản mạng xã hội ngày càng phổ biến với nhiều chức năng, các chuyên gia khuyến cáo người dùng cần có trách nhiệm và ý thức bảo vệ tài khoản mạng xã hội như tài khoản ngân hàng, hạn chế việc chia sẻ hoặc dùng chung tài khoản. Khi tài khoản mạng xã hội bị "hack" hoặc bị chiếm quyền điều khiển, người dùng cần gửi báo cáo ngay cho các nền tảng, đồng thời tìm cách thông báo công khai về tình trạng của mình.
Nhiều hệ lụy từ tài khoản giả mạo, ẩn danh
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Việt Nam hiện có hàng trăm triệu tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube, TikTok, Instagram… Tuy nhiên, trong số này, số lượng tài khoản ảo, tài khoản giả mạo vẫn tràn lan. Sự tồn tại của các tài khoản mạng xã hội ảo, mang tính ẩn danh đã tạo cơ sở để các đối tượng thực hiện những hành vi phạm pháp cũng như gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc truy vết, đặc biệt là trong các vụ việc lừa đảo trực tuyến đang diễn ra tràn lan trên không gian mạng.
Theo các chuyên gia, điểm chung của các đối tượng lừa đảo hiện nay là đều sử dụng những tài khoản không thể xác thực được thông tin hoặc thông tin giả mạo tài khoản cá nhân, tài khoản mạo danh cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Bên cạnh những thiệt hại có thể đo đếm được, việc sử dụng tài khoản mạng xã hội ẩn danh hay giả danh còn tạo ra nhiều hệ lụy khó đo lường được như: Có người sử dụng các tài khoản này để xúc phạm người khác, bắt nạt trực tuyến, tung tin giả. Trong đó, tình trạng bắt nạt trực tuyến đã gây ra những hậu quả rất đau lòng, nhất là với trẻ em.
Để hạn chế những hệ lụy từ các tài khoản mạng xã hội chưa thực hiện định danh, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định số 72 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó quy định người sử dụng mạng xã hội sẽ phải cung cấp tên thật và số điện thoại chính chủ. Chỉ những tài khoản thực hiện định danh mới có thể đăng tải bài viết, bình luận và sử dụng tính năng phát trực tiếp.
Thông tin về sự cần thiết phải xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT cho biết: Việc bổ sung quy định cụ thể về xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại là cần thiết bởi tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang có xu hướng gia tăng.
Quy định này xuất phát từ yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như nhu cầu của người dân muốn quản lý chặt chẽ hơn các tài khoản mạng xã hội để hạn chế lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh đó, mạng xã hội rất rộng, việc xác thực bằng số điện thoại cá nhân sẽ góp phần để người dùng nâng cao trách nhiệm và ý thức khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm. Ngoài ra, người dùng hiện có xu hướng chuyển dịch từ máy tính sang điện thoại di động nên việc xác thực tài khoản bằng số điện thoại sẽ thuận lợi hơn cho người dùng, đồng thời quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với pháp luật hiện hành và cơ sở pháp lý quan trọng của việc này là Luật An ninh mạng…
Hạn chế chia sẻ và dùng chung tài khoản
Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do cho biết, Nghị định thay thế Nghị định 72 (2013) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã được Bộ TT&TT trình Chính phủ. Theo dự thảo Nghị định, tài khoản của người dùng trên mạng sẽ được xác thực theo thông tin cá nhân và có thể sẽ được sử dụng vào nhiều việc khác nhau, không chỉ là đăng tin, mà có thể là kinh doanh, buôn bán. Do trách nhiệm của người dùng gắn với chủ tài khoản rất nhiều, vì vậy người dùng cần có ý thức bảo vệ tài khoản này như tài khoản ngân hàng.
Cục PTTH&TTĐT khuyến nghị người dùng thận trọng và hạn chế chia sẻ hoặc dùng chung tài khoản. Trong trường hợp nếu buộc phải chia sẻ, cần có hợp đồng thỏa thuận làm rõ những người nào cùng tham gia sử dụng và chịu trách nhiệm về phát ngôn đăng tải trên tài khoản.
Trước tình trạng một số chủ tài khoản mạng xã hội lấy lý do "bị hack" hoặc giao người khác quản lý, sau khi có những hành vi vi phạm trên mạng, ông Lê Quang Tự Do cho rằng, khi có hành vi vi phạm xảy ra, chủ tài khoản vẫn là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Nếu tài khoản bị chiếm quyền điều khiển hoặc do nhiều người dùng chung, họ phải chứng minh mình không đăng tải nội dung đó. Nếu không vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Trong trường hợp phát ngôn vi phạm nghiêm trọng, họ có thể bị kiện ra tòa hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của Luật An ninh mạng.
Cũng theo lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT, trong trường hợp tài khoản bị chiếm quyền điều khiển, người dùng cần gửi báo cáo ngay cho nền tảng mảng xã hội. Những tài khoản có sức ảnh hưởng cần liên hệ ngay bằng email tới địa chỉ online.abei@mic.gov.vn, đồng thời tìm cách thông báo công khai về tình trạng của mình. Khi có vi phạm xảy ra, đây sẽ là bằng chứng để cơ quan chức năng xem xét xử lý.