Người cao tuổi đang trở thành "mục tiêu" tấn công của tội phạm mạng

Thứ Tư, 05/07/2023, 19:23

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra vào chiều 5/7, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang tăng khoảng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, một trong những mục tiêu mà tội phạm mạng đang hướng tới chính là đối tượng người cao tuổi.

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết: Từ kết quả khảo sát và những tình huống diễn ra trong thực tế, các chuyên gia Cục An toàn thông tin đã "đúc kết", có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng khác nhau.

Người cao tuổi đang trở thành
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin chia sẻ thông tin tại buổi họp báo chiều 5/7.

Mỗi nhóm đối tượng ở từng độ tuổi, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Trong đó, người cao tuổi thường gặp 15 hình thức lừa đảo thường xuyên như: lừa đảo "combo du lịch" giá rẻ; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm ngân hàng; giả danh Công an, kiểm sát viên, cán bộ toà án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin CCCD đi vay tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dẫn dụ đầu tư, nhận bưu phẩm; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền; lừa đảo cho số đánh đề…

“Mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo hướng đến đang có sự dịch chuyển mạnh về nhóm người cao tuổi, trẻ em và người có thu nhập thấp… Trong đó, người cao tuổi là nhóm mà kỹ năng, khả năng nhận diện lừa đảo còn hạn chế nên các đối tượng lừa đảo tập trung chuyển hướng vào nhóm này. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo cũng đang hình thành tổ chức mạng lưới lừa đảo quốc tế tại các quốc gia lân cận Việt Nam như Lào, Campuchia với các hình thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi” - ông Hưng cho biết.

Về giải pháp, đại diện Cục An toàn thông tin cho rằng, bên cạnh việc phối hợp với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát động chiến dịch định danh tài khoản điện thoại, tài khoản ngân hàng thì Bộ TT&TT xác định việc cập nhật, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về các thức nhận diện hình thức lừa đảo trực tuyến là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.

Ngoài truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiện Bộ TT&TT đang kêu gọi các tổ chức, các công ty truyền thông, mạng xã hội xây dựng các hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp, có thể tác động mạnh đến người dân, từng nhóm đối tượng trên các nền tảng khác nhau...

Huyền Thanh
.
.
.