Gia tăng lừa đảo trực tuyến vào dịp cuối năm - người dân cần lưu ý gì?

Thứ Bảy, 04/01/2025, 15:05

Cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ghi nhận hơn 7.000 phản ánh của người dân về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua, đồng thời cảnh báo nguy cơ gia tăng số thiết bị có thể trở thành nguồn tấn công từ chối dịch vụ…

Trong tuần qua, hệ thống của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã ghi nhận 7.083 phản ánh lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet Việt Nam gửi về, tăng so với tuần kế trước. Trong đó, có 174 trường hợp phản ánh được tiếp nhận thông qua hệ thống trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn và 6.909 trường hợp phản ánh qua cuộc gọi, tin nhắn đến tổng đài 156/5656.

Cục An toàn thông tin cũng lưu ý các trang web giả mạo tổ chức, doanh nghiệp, người dân cần cẩn trọng khi truy cập để tránh bị lừa đảo. Trong đó, có 2 website giả mạo sàn thương mại điện tử Amazon; 2 trang web giả mạo Điện máy xanh; 3 trang web giả mạo sàn thương mại điện tử Taobao; 2 trang web giả mạo Kho bạc Nhà nước...

Gia tăng lừa đảo trực tuyến vào dịp cuối năm, người dân cần lưu ý gì? -0
Số cuộc gọi phản ánh về lừa đảo trực tuyến đang có dấu hiệu gia tăng vào dịp cuối năm.

Còn lại là các trang web giả mạo Cục An ninh mạng, Bộ Công an; Văn phòng Chính phủ; sàn thương mại điện tử Shopee; Aeon Việt Nam; Netflix; Giao hàng nhanh; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); TikTok; Traveloka; Vingroup...

Cũng trong tuần qua đã có có 34.860 thiết bị có khả năng bị huy động và trở thành nguồn tấn công DRDoS, tăng đáng kể so với tuần kế trước; có 37 trường hợp trang web, cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tấn công lừa đảo...

Dự báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng từ nay đến cuối năm, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi nhận được điện thoại, trước tiên phải xác minh thông tin, gọi lại trực tiếp cho người thân qua số điện thoại đã biết để kiểm tra thông tin; không vội vàng chuyển tiền theo yêu cầu trong cuộc gọi video hoặc tin nhắn trên mạng xã hội.

Cùng với đó, người dân cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, hạn chế đăng tải hình ảnh, video cá nhân và thông tin nhạy cảm; điều chỉnh quyền riêng tư để hạn chế người lạ truy cập tài khoản; cảnh giác với các tài khoản lạ hoặc dấu hiệu bất thường. Nếu tài khoản của người thân hoặc bạn bè có dấu hiệu bị hack, thông báo ngay cho họ và tránh tương tác; khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hùng Quân
.
.
.