Đồng bộ các giải pháp ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng

Thứ Hai, 13/05/2024, 14:44

Ngày 13/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Sự kiện do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công an.

Dự Hội thảo có Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long; Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi cùng gần 500 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, cơ quan Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp.

Đồng bộ các giải pháp ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng -0
Thứ trưởng Lương Tam Quang và các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh: Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến TTATXH, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.

Thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%. Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy, hoạt động của các đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, sử dụng công nghệ deepfake giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán.

Đồng bộ các giải pháp ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng -0
Thứ trưởng Lương Tam Quang và các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm, giải pháp công nghệ tại hội thảo.

Theo Thứ trưởng Lương Tam Quang, với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhất là sự chung tay của các doanh nghiệp trong Hiệp hội an ninh mạng quốc gia, công tác phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cấp thiết cần trao đổi, thảo luận thẳng thắn giữa các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, từ đó đánh giá toàn diện, làm rõ nguyên nhân, thống nhất xác định giải pháp nhằm tháo gỡ triệt để trong thời gian tới.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an khẳng định: Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an mà phải cần có sự tham gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Với quan điểm nêu trên, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an triển khai nhiều nhiệm vụ công tác nhằm huy động sức mạnh, hình thành thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Đồng bộ các giải pháp ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng -0
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát biểu tại hội thảo.

Cụ thể, đã tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 về “Chiến lược an ninh mạng quốc gia"; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 77/QĐ-TTg ngày 30/11/2022, phê duyệt Đề án “Xây dựng Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng"; tham mưu thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xây dựng cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp và giữa cơ quan quản lý Nhà nước với người dân triển khai các giải pháp, công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; chỉ đạo lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên toàn quốc triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện nghiệp vụ tiến hành rà soát, phát hiện các mục tiêu, đối tượng nghi vấn có hoạt động lửa đảo trên không gian mạng để đấu tranh, xử lý. Kết quả, trong năm 2023 các đơn vị đã đấu tranh, khởi tố hơn 1.500 vụ án, với hơn 500 bị can góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, răn đe trấn áp các loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Thời gian tới, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tập trung tham mưu xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng; phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia xây dựng các bộ phim ngắn về một số phương thức, thủ đoạn tội phạm công nghệ cao; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT, NHNN (NHNN) triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện tội phạm lừa đảo lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết: Từ góc độ ngân hàng, có một số hình thức lừa đảo phổ biến như: Một là thao thúng tâm lý để tự người dùng chuyển tiền đến các tài khoản do người ta chỉ định; hai là người ta chiếm dụng máy của người sử dụng và làm tiếp công việc chuyển tiền đi; ba là lấy thông tin đó cài sang thiết bị khác và tiếp tục chuyển tiền. 

Xác định an toàn thông tin với lĩnh vực ngân hàng là then chốt, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, Quyết định 2345/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/7 tới yêu cầu người chuyển khoản trên 10 triệu/ lần phải xác minh thông tin là rất cần thiết để góp phần ngăn chặn lừa đảo trực tuyến. Có ngân hàng đã yêu cầu khách hàng khi chuyển máy điện thoại khác thì phải cài ứng dụng ngân hàng có xác nhận của người dùng cũ, nhằm ngăn chặn việc chuyển tiền từ thiết bị khác. “Phải làm sạch dữ liệu khách hàng, tài khoản không chính chủ kết hợp với xác thực theo quyết định 2345, 24 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu cho Bộ Công an để làm sạch thông tin. Không có giải pháp hoàn chỉnh, chỉ có giải pháp phù hợp, trong đó mình ngân hàng sẽ không làm được mà cần sự phối hợp của Bộ Công an và Bộ TT-TT…”- ông Phạm Tiến Dũng khẳng định.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Tập đoàn VNPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng cho rằng, vai trò của các nhà mạng trong cuộc chiến chống lừa đảo rất quan trọng. Theo ông Tô Dũng Thái, các nhà mạng phải có trách nhiệm trong việc phát triển các công cụ, giải pháp phòng chống lừa đảo. Một trong những giải pháp quan trọng là phát triển, xây dựng các công cụ định danh (brandname) trên hạ tầng viễn thông, bao gồm SMS Brandname, Voice Brandname. Khi có cuộc gọi, tin nhắn đến, người dùng di động có thể định danh được rõ người liên lạc là ai, điều này sẽ góp phần làm giảm bớt hoạt động lừa đảo. Ngoài ra, các nhà mạng cũng cần phối hợp, chung tay triển khai đồng bộ việc định danh, xác thực người dùng và dịch vụ, cung cấp các dịch vụ viễn thông theo định danh, phát triển công cụ bảo vệ chủ động và sử dụng năng lực viễn thông, công nghệ số để tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về các hình thức lừa đảo, cách sử dụng không gian mạng an toàn.

Xuân Mai-Huyền Thanh
.
.
.