Đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh tội phạm lợi dụng “Công nghệ Deepfake” để lừa đảo

Thứ Năm, 06/04/2023, 13:22

Ngày 6/4, Ban chỉ đạo 138 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã có văn bản gửi các cơ quan, sở ngành địa phương về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo Ban chỉ đạo 138 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp. Nắm được tâm lý người dùng mạng xã hội hiện nay, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đã sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn, lợi dụng “Công nghệ Deepfake” làm giả cuộc gọi “video call” nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Trong đó, các đối tượng đã sử dụng phương thức, thủ đoạn cụ thể như thông qua mạng Internet, các đối tượng thu thập hình ảnh, giọng nói của người dùng trên mạng xã hội, sử dụng “Công nghệ Deepfake” tạo ảnh động, “video call” giả mạo người dùng đang nói chuyện trực tuyến với cùng khuôn mặt, âm điệu giọng nói và cách xưng hô.

“Deepfake” là cụm từ được kết hợp từ “deep learning” và “fake”, là phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả (fake) dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là cả video, bởi trí tuệ nhân tạo (AI) tinh vi…

Đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh tội phạm lợi dụng “Công nghệ Deepfake” để lừa đảo -0
Cần cảnh giác với chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng “Công nghệ Deepfake” làm giả cuộc gọi “video call”. (hình minh họa)

Các đối tượng tạo lập tài khoản giả mạo trên mạng xã hội trùng thông tin và ảnh đại diện với người dùng, kết bạn với nạn nhân trong danh sách bạn bè và nhắn tin vay mượn tiền theo kịch bản sẵn có.

Trong một số trường hợp, đối tượng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Instagram...) của người dùng để trực tiếp nhắn tin cho nạn nhân trong danh sách bạn bè.

Để tạo lòng tin đối với nạn nhân, đối tượng truyền tải “Deepfake video” có sẵn lên kênh “video call”, khiến nạn nhân nhận ra hình ảnh và giọng nói của người quen và nhanh chóng chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng. Với “Công nghệ Deepfake”, “video call” giả mạo có độ chính xác cao, rất khó phân biệt thật giả.

Trước tình hình trên, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Công nghệ Deepfake), Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề nghị các đoàn thể, sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố thông báo phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng “Công nghệ Deepfake” giả mạo cuộc gọi “video call” đến từng đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình.

Khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác khi nhận được cuộc gọi “video call” bằng “Công nghệ Deepfake” cần kiểm chứng bằng cách liên hệ qua số điện thoại của các mạng viễn thông để xác thực hoặc liên hệ gặp trực tiếp để xác nhận hoặc giao nhận tiền, tránh bị các đối tượng lừa thiệt hại tài sản.

Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lưu ý một dấu hiệu để nhận biết và phòng tránh cuộc gọi “Công nghệ Deepfake”: “Video call” do đối tượng tạo sẵn thường có nội dung chung chung, không phù hợp hoàn toàn với ngữ cảnh thực tế giao tiếp với nạn nhân, có thể khiến nạn nhân nghi ngờ, phát hiện nên để che lấp khuyết điểm trên, các đối tượng thường tạo ra video âm thanh khó nghe, hình ảnh không rõ nét giống với cuộc gọi video có tín hiệu chập chờn được thực hiện trong khu vực phủ sóng di động/wifi yếu hoặc ngắt giữa chừng cuộc gọi.

Riêng với Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ban chỉ đạo 138 tỉnh đề nghị chủ động nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, lập hồ sơ quản lý, đấu tranh, xử lý các đối tượng có hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan…

Hoàng Anh
.
.
.