Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo giả danh cán bộ thuế, công an ngày càng tinh vi

Chủ Nhật, 12/05/2024, 15:55

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, chiêu trò lừa đảo giả danh cán bộ thuế, công an đã không còn xa lạ trên mạng. Tuy nhiên, do các đối tượng giả danh đã liên tục thay đổi kịch bản, thao túng tâm lý người dùng một cách tinh vi nên vẫn có không ít người dân bị "sập bẫy".

Theo Cục An toàn thông tin, mới đây, Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, các đối tượng lừa đảo còn làm giả cả giấy mời của đơn vị này để gửi cho các hộ kinh doanh trên địa bàn. Giấy mời giả mạo có nội dung cần liên lạc qua Zalo với một số điện thoại lạ, khi người dân liên hệ theo số này, đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển chi phí để được hỗ trợ hoàn thuế.

Trước thủ đoạn mạo danh cơ quan thuế đang có những biến tướng tinh vi, Cục An toàn thông tin  khuyến cáo người dân cẩn trọng không cung cấp thông tin cá nhân để tránh lộ lọt thông tin, dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi nhận được cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, người dân không nên giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính.

Cũng theo Cục An toàn thông tin, việc mạo danh cán bộ công an cũng đã và đang có những biến tướng mà người dân cần cảnh giác khi mới đây một phụ nữ 68 tuổi sống tại Hà Đông (Hà Nội) đã bị đối tượng giả danh công an lừa đảo, chiếm đoạt 15 tỷ đồng.

Cảnh giác với các chiêu trò mạo danh cán bộ thuế, Công an để lừa đảo chiếm đoạt tiền -0
Người dân không nên vội chuyển tiền khi chưa xác minh rõ đối tượng giao dịch.

Thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo sử dụng là gọi điện thoại tự xưng cán bộ công an, thông báo căn cước công dân của nạn nhân có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền và hướng dẫn cách xác minh. Do lo sợ, nạn nhân đã 32 lần chuyển khoản tổng số tiền 15 tỷ đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp.

Theo phân tích của Cục An toàn thông tin, các đối tượng thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người cao tuổi để "ra tay" lừa đảo. Do vậy, những người thân trong gia đình cần tuyên truyền để người cao tuổi nhận biết và có ý thức cảnh giác, phòng tránh hiệu quả "bẫy lừa đảo" của đối tượng xấu. Bên cạnh đó, người dân cũng cần lưu ý, thông thường để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cũng cảnh báo về thủ đoạn mạo danh phóng viên, cộng tác viên báo chí để lừa chiếm đoạt tiền tại một số địa phương. Sau khi làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí, các đối tượng đã dùng danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh… thu thập thông tin. Khi tìm ra sơ hở, thiếu sót của cơ sở kinh doanh, các đối tượng gây sức ép, gợi ý để các cơ sở biết rõ hoặc ngầm hiểu nếu không đưa tiền cho các đối tượng thì sẽ bị báo đến chính quyền địa phương và bị phản ánh lên báo. Do lo sợ ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, sản xuất nên một số cơ sở đã đưa tiền cho các đối tượng.

Cục An toàn thông tin khuyến nghị, hiện nay tình trạng làm giả giấy tờ, chứng chỉ, hồ sơ đang tràn lan trên mạng xã hội và được sử dụng vào những mục đích phi pháp. Vì thế, người dân cần nâng cao cảnh giác, nếu gặp trường hợp lừa đảo tương tự cần báo ngay cho cơ quan chức năng, cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.

Hùng Quân
.
.
.