Cảnh giác trước những cuộc gọi giả danh cán bộ Công an để lừa đảo

Thứ Sáu, 11/10/2024, 08:27

Thủ đoạn giả danh cán bộ Công an gọi điện để lừa đảo người dân nhằm chiếm đoạt tài sản đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Dù cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục thông tin cảnh báo về các chiêu trò, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo này song nhiều người dân vẫn “sập bẫy."

Công an phường Thanh Xuân Trung (Hà Nội) vừa phối hợp với ngân hàng, dừng ngay giao dịch chuyển tiền, giúp một cụ bà 80 tuổi không bị lừa mất 300 triệu đồng vì hình thức lừa đảo gọi điện thoại giả danh cán bộ Công an.

Nhận thấy bà  N.T.V, sinh năm 1948 đang yêu cầu chuyển 300 triệu đồng từ sổ tiết kiệm sang 1 tài khoản khác với nhiều biểu hiện lạ, nhân viên giao dịch của Ngân hàng BIDV chi nhánh Nguyễn Tuân (Thanh Xuân) đã trình báo với cơ quan Công an. Nhận được thông tin, Công an phường Thanh Xuân Trung lập tức có mặt để xác minh làm rõ sự việc.

Cảnh giác trước những cuộc gọi giả danh cán bộ Công an để lừa đảo -0
Đối tượng Trần Quốc Thái và tang vật vụ án  giả danh cán bộ Công an để lừa đảo. Ảnh minh hoạ.

Bà V cho biết, mình nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, một người đàn ông tự xưng là cán bộ Công an TP Hà Nội thông báo bà tham gia trong đường dây mua bán ma túy và rửa tiền. Viện KSND TP Hà Nội đã có lệnh tạm giam bà V.

Đối tượng sau đó yêu cầu bà chuyển 300 triệu đồng để xác minh việc có tham gia vào đường dây trên hay không, nếu không phải bà thì sẽ trả lại tiền và quan trọng là không được cho ai biết. Lo sợ sẽ bị bắt, bà V đã ra ngân hàng chuyển tiền theo hướng dẫn mặc dù số tiền trên là khoản tiết kiệm để bà an dưỡng tuổi già và điều trị bệnh ung thư phổi.

Không may mắn như bà V khi có sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của nhân viên ngân hàng và lực lượng Công an, bà L.T.C, sinh năm 1947 tại Long Biên (Hà Nội) đã bị mất 200 triệu đồng với thủ đoạn lừa đảo này. Theo lời kể của bà C, bà nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là Đại úy Công an. Qua gọi điện video Zalo, bà thấy một người mặc quần áo Công an. Đối tượng nói bà có liên quan đến vụ án ma túy và rửa tiền cần phải chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Do lo sợ, bà C đã đến ngân hàng chuyển hơn 200 triệu đồng cho đối tượng. Sau đó, bà phát hiện mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo…

Bà V.T.L ở TP Vinh (Nghệ An) cũng nhận được cuộc gọi của các đối tượng mạo danh cán bộ Công an, yêu cầu chuyển số tiền 100 triệu đồng. Người này nói nhận được túi hồ sơ và yêu cầu bà L đến Công an TP Vinh để làm việc và nhận tài liệu, nhưng bà L trả lời không biết các tài liệu đó.

Không dừng lại, để tạo dựng niềm tin, các đối tượng còn gọi video cho bà L để lộ trang phục CAND. Sau đó, các đối tượng yêu cầu bà L kê khai thông tin cá nhân, số tài khoản và yêu cầu đi vay 100 triệu đồng; trong vòng 72 giờ không được tiếp xúc với chồng, con, người lạ và không được tiết lộ bí mật nội dung trao đổi; nếu đi ra khỏi nhà sẽ bị theo dõi. Sau khi nhận các cuộc gọi trên, bà L rất lo sợ, tìm mọi cách vay tiền để chuyển tiền cho các đối tượng theo yêu cầu…

Đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an thừa nhận thủ đoạn giả danh Công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã xuất hiện từ lâu nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Một trong những lý do khiến loại hình tội phạm này vẫn tồn tại là do chúng có những sự chuyển biến, cập nhật phương thức lừa đảo rất nhanh, biến hóa liên tục nên dù đã được cảnh báo song nhiều người dân vẫn gặp lúng túng trong nhận diện.

Đơn cử như khi có chủ trương của Chính phủ thúc đẩy phổ biến ứng dụng VNeID phục vụ các tiện ích cho người dân, các đối tượng đã mạo danh cán bộ Công an cấp phường, xã yêu cầu người dân cập nhật định danh mức 2, lừa các nạn nhân cài các ứng dụng giả mạo, có chứa mã độc lên thiết bị, sau đó chiếm quyền điều khiển thiết bị và thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.

Vừa qua, lợi dụng việc Bộ Công an phối hợp Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch từ trên 10 triệu đồng, các đối tượng ngay lập tức chuyển sang phương thức giả mạo nhân viên ngân hàng yêu cầu người dân tải ứng dụng ngân hàng giả mạo để cập nhật dữ liệu sinh trắc học… Xác định đấu tranh với các hành vi này là nhiệm vụ lâu dài, Bộ Công an đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ từ kỹ thuật, pháp lý đến thông tin tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước trong việc phòng ngừa, ngăn chặn…

Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS) cho rằng, bên cạnh thủ đoạn lừa đảo liên tục được cập nhật, biến hóa thì yếu tố thao túng tâm lý nạn nhân trong các vụ lừa đảo  cũng là khía cạnh cần được lưu tâm.

Theo đó, lợi dụng tâm lý chung của người dân, đặc biệt là người lớn tuổi thường ngại dính líu đến pháp luật, cơ quan công quyền nên các đối tượng lừa đảo thường thao túng tâm lý bằng cách dọa dẫm nhằm tách nạn nhân ra khỏi người thân, bạn bè để không thể nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, đồng thời chúng tìm cách dồn ép nạn nhân phải chuyển tiền trong quãng thời gian ngắn mà chúng đặt ra…

Khi bị lạc vào “mê cung” mà các đối tượng đưa ra, người dân không còn đủ bình tĩnh để nhận ra những nguyên tắc cơ bản (như để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương), tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng…

Ông Sơn lưu ý, đối với các trường hợp mạo danh cán bộ Công an yêu cầu người dân cài đặt các phần mềm, ứng dụng giả mạo, nếu người dân làm theo yêu cầu của các đối tượng này sẽ có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng lừa đảo quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập tài khoản, chuyển tiền của bị hại…

Cũng theo ông Sơn, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới đều nhấn mạnh việc nâng cao ý thức cho người dân là điều kiện tiên quyết trong phòng, chống lừa đảo. Người dân nâng cao hiểu biết để có "kháng thể" phòng, chống lại các hình thức lừa đảo như: Cảnh giác, không cài ứng dụng lạ; không mở các đường link lạ; kiểm chứng lại thông tin khi nhận được qua kênh độc lập; không chuyển tiền đến các tài khoản lạ nếu được yêu cầu; thường xuyên cập nhật thông tin để nhận diện các thủ đoạn lừa đảo, tấn công mạng.

Ngoài ra, người dân còn có thể sử dụng ứng dụng nTrust do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cung cấp, hoàn toàn miễn phí. Ứng dụng nTrust sẽ giúp quét mã độc, cảnh báo khi có bất thường; có thể giúp người dùng kết nối và phân tích thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, xác định các số điện thoại, tài khoản ngân hàng và trang web có dấu hiệu lừa đảo.

Hùng Quân
.
.
.