Cảnh giác trước các chiêu thức mới của lừa đảo mạo danh
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chiêu trò lừa đảo giả danh, mạo danh đã không còn xa lạ đối với người dùng thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hình thức lừa đảo này đang tiếp tục diễn biến phức tạp với các chiêu thức mới.
Cục An toàn thông tin cho biết, thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện trong tuần qua là mạo danh lừa đảo tuyển dụng ngành hàng không. Theo phản ánh của chị N.T.N, nhân viên quầy thông tin sân bay quốc tế Nội Bài, hàng ngày chị và các đồng nghiệp nhận được nhiều cuộc gọi, email hỏi về các nội dung tuyển dụng của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, của sân bay... đăng trên các nền tảng website, mạng xã hội Facebook.
Theo đó, một số đối tượng đã tạo lập trang mạng xã hội, mạo danh thông tin tuyển dụng, sử dụng tên, logo, địa chỉ website, hình ảnh của doanh nghiệp/ tổ chức tạo lập Fanpage giả mạo, sao chép lại các bài viết, hình ảnh đã được đăng tải công khai trên website chính thống hoặc các báo điện tử nhằm tạo sự quen mắt, khiến nhiều người bỏ qua việc kiểm chứng, xác thực thông tin, làm theo lời dẫn dụ của các đối tượng lừa đảo và có thể trở thành nạn nhân của chiêu trò "lừa đảo tuyển dụng".
Thủ đoạn lừa đảo thứ hai là mạo danh cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam để đề nghị các đơn vị mua bộ sách về quản lý các đơn vị đăng kiểm, yêu cầu người dân và doanh nghiệp đổi tem kiểm định theo quy định của Thông tư mới hoặc yêu cầu cài đặt ứng dụng (App) có logo Cục Đăng kiểm Việt Nam. Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là giả danh nhân viên của cơ quan nhà nước, gọi điện hoặc gửi tin nhắn yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, hoặc yêu cầu thanh toán các khoản phí không rõ nguồn gốc.
Đối tượng còn gửi email từ địa chỉ giả mạo, yêu cầu người nhận cung cấp thông tin cá nhân hoặc nhấp vào liên kết dẫn đến các trang web giả mạo. Thậm chí, đối tượng tạo ra trang web giả mạo trông giống như trang web của cơ quan nhà nước, yêu cầu người dùng đăng nhập để cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán các khoản phí giả.
Thủ đoạn lừa đảo thứ ba là lợi dụng thời điểm các sinh viên vừa trúng tuyển đang làm thủ tục nhập học, một số đối tượng đã giả mạo là đầu mối của một số trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh để lừa chuyển tiền học phí, lệ phí nhập học. Thủ đoạn được các đối tượng lừa đảo sử dụng là tạo ra các trang web giả mạo trông giống như trang web chính thức của trường đại học.
Ngoài ra, đối tượng còn giả danh là nhân viên của trường đại học và gửi email hoặc gọi điện yêu cầu sinh viên cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán học phí qua các phương thức không chính thức. Đối tượng cũng có thể sẽ thông qua các phương thức lừa đảo như email giả mạo hoặc tin nhắn giả mạo để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng.
Ngoài ra, trong tuần qua còn xuất hiện một thủ đoạn lừa đảo khác là nhờ shipper mua hàng để chiếm đoạt tài sản. Anh T.T.L, một nạn nhân ở phường Bãi Cháy, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh làm nghề shipper cho biết, mới đây, anh nhận được yêu cầu từ một khách hàng lạ mặt nhờ mua giúp một thùng rượu vang tại một cửa hàng trên địa bàn phường Bãi Cháy. Khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về loại rượu và hứa sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền, kèm theo một khoản hoa hồng 200.000 đồng sau khi công việc hoàn thành. Tin tưởng vào lời hứa, anh T.T.L. đã đến cửa hàng và mua thùng rượu với giá 5 triệu đồng. Sau đó, anh mang thùng rượu đến địa điểm giao hàng theo chỉ dẫn, nhưng khi đến nơi, anh không thể liên lạc được với khách hàng…
Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết: Lừa đảo mạo danh qua điện thoại là một trong những phương thức tiếp cận nạn nhân khá phổ biến. Các đối tượng lừa đảo thường áp dụng các thủ đoạn tác động tâm lý để tiếp cận nạn nhân như: Tự nhận, giả mạo là cơ quan công quyền như Công an, Viện Kiểm sát, cán bộ đang làm việc tại các bộ, ngành; đơn vị cung cấp dịch vụ… để đánh vào nỗi sợ hãi, lòng tham, tình cảm, tính chủ quan của nạn nhân. Các chiêu trò lừa đảo giả danh này đã không còn quá xa lạ trên môi trường mạng, tuy nhiên, các đối tượng giả danh này lại luôn thay đổi hình thức để dẫn dụ người dùng.
Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để ra tay lừa đảo, sử dụng các cách thức đe dọa, tạo áp lực tâm lý như khống chế, hăm dọa hay những lời mời chào hấp dẫn. Đối tượng thường tạo áp lực thời gian cho nạn nhân, tuyên bố rằng hành động phải được thực hiện ngay lập tức. Chúng sẽ cố gắng thuyết phục nạn nhân rằng không có thời gian để suy nghĩ hay tham khảo người khác. Vì thế, để đối phó với các đối tượng lừa đảo mạo danh đòi hỏi người dân cần phải cảnh giác cao độ và trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh.