Cảnh báo người dân và doanh nghiệp phòng tránh lừa đảo qua mạng

Thứ Sáu, 29/03/2024, 06:55

Gần đây, nhiều thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như, nhắn tin thông báo trúng thưởng và yêu cầu nộp phí nhận thưởng; hướng dẫn tìm việc làm, yêu cầu nộp phí rồi bỏ trốn... Đáng lưu ý, thủ đoạn lừa đảo mới, nhắm vào các cửa hàng kinh doanh mua bán sắt thép.

Anh T.V.N (nhân viên bán hàng Công ty TNHH H.D, tọa lạc phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh, Tây Ninh), nhớ lại: “Vào đầu tháng 3/2024, tôi được phân công tìm nguồn hàng sắt, thép để nhập vào cửa hàng. Sau khi tham khảo giá thị trường và vào hội nhóm sắt thép trên Facebook tìm kiếm hàng, thấy tài khoản Facebook đăng tải nội dung bán buôn hàng hoá sắt, thép giá rẻ, cùng số điện thoại liên hệ 0968796xxx nên gọi điện trao đổi. Người này tự xưng tên Trần Tuấn Kiệt, nhân viên Công ty TNHH Tôn thép H.M. Cả hai kết bạn Zalo trao đổi báo giá. Thấy Kiệt chào giá rẻ hơn thị trường, tôi báo lại công ty để mua”.

Cảnh báo người dân và doanh nghiệp phòng tránh lừa đảo qua mạng -0
Thủ đoạn lừa đảo qua mạng diễn ra ngày càng phức tạp. Ảnh minh họa

Theo đó, tổng số tiền thoả thuận mua hàng là 254 triệu đồng. Kiệt yêu cầu phía bên công ty của anh N. phải đặt cọc 25 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng tên Công ty TNHH Tôn thép H.M. Nhận được tiền cọc, Kiệt liên hệ một công ty khác đặt mua số lượng sắt thép mà bên công ty anh N. yêu cầu và dùng số tiền 20 triệu đồng của anh N. để đặt cọc.

Sau đó, công ty Kiệt đặt hàng chuyển đủ số lượng sắt thép đến cửa hàng của anh N. Kiểm tra đủ số lượng hàng đã đặt, công ty anh N. chuyển trả 229 triệu đồng vào tài khoản mà Kiệt cung cấp. Lúc này, tài xế điện thoại hỏi thì công ty thông báo chưa nhận được tiền. Nhân viên Công ty TNHH H.D liên hệ với Kiệt thì đối tượng đã xoá hết các thông tin giao dịch, chặn liên lạc. Biết đã bị lừa, công ty của anh N. nhanh chóng trình báo cơ quan Công an.

Trước đó, chị N.T.T (SN 1991, ngụ phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh) làm nghề mua bán sắt thép tại nhà cũng bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Chị T. đặt mua 7 tấn sắt qua Zalo của một người đàn ông tự xưng là Hùng, làm việc ở Công ty TNHH C.M.C với số tiền hơn 120 triệu đồng. Sau đó, Hùng liên lạc với công ty ở TP Bến Cát, Bình Dương (do chị H. làm chủ) đặt mua sắt, tổng số tiền là 132 triệu đồng.

Tiếp đó, Hùng chuyển khoản đặt cọc 15 triệu đồng cho chị H, số tiền còn lại sẽ thanh toán khi nhận hàng. Hùng gửi định vị và yêu cầu nhân viên giao đến cửa hàng của chị T. ở phường Ninh Sơn. Kiểm tra đủ hàng, chị T. chuyển khoản thanh toán vào tài khoản của Hùng với số tiền 124 triệu đồng. Phía công ty của chị H. không nhận được tiền thanh toán từ người mua nên tài xế không giao hàng.

Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, qua các vụ việc trên cho thấy thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm diễn ra ngày càng phức tạp. Do vậy, người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Đặc biệt, khi giao dịch, mua bán trên mạng xã hội cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hoá và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng; trao đổi trực tiếp và xác thực với chủ công ty bên bán hoặc bên mua.

Người mua khi nhận hàng cần kiểm tra, xác thực lại với nhân viên giao hàng số tài khoản, số điện thoại của công ty, Zalo của công ty rồi mới thực hiện giao dịch. Người dân khi phát hiện những vấn đề mua bán có dấu hiệu không bình thường, nghi vấn hoạt động phạm tội, cần nhanh chóng thông báo đến cơ quan chức năng, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Hà Thủy – Tấn Lực
.
.
.