Xử lý nghiêm hành vi phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội
- Xử phạt Giám đốc sử dụng rượu bia đăng thông tin sai sự thật lên Facebook
- Phạt 7,5 triệu đồng đối tượng đăng thông tin sai sự thật về dịch COVID-19
- Mạo danh Báo điện tử Lâm Đồng thông tin sai sự thật
Theo phản ánh của cử tri, thời gian gần đây, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu “like” trên các trang mạng xã hội, tạo tâm lý hoang mang và gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Cử tri kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan thực thi pháp luật tăng cường rà soát, xử lý nghiêm túc, cương quyết đối với những cá nhân cố tình phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều cá nhân phát tán tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội (ảnh minh họa). |
Về vấn đề cử tri nêu, Bộ TT&TT cho biết, thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.
Trong trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành thì tùy theo mức độ, Bộ TT&TT sẽ xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp kỹ thuật, áp dụng theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP; Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền. Đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển hồ sơ cơ quan công an điều tra, xem xét, xử lý theo quy định.
Cũng theo Bộ TT&TT, từ tháng 1/2021 đến nay, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (trực thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT) đã xác thực thông tin và công bố 33 tin giả, tin sai sự thật. Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ TT&TT gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38.
Chỉ tính riêng trong thời gian có dịch COVID-19, Bộ TT&TT đã đề nghị Google, Youtube, Facebook gỡ 11 tài khoản giả mạo Bộ Y tế, 152 bài viết đưa tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 (Tỷ lệ gỡ chặn đạt 100%).
Thanh tra Bộ TT&TT cũng đã xử lý vi phạm việc cung cấp thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 trên mạng xã hội tại một số địa phương, cụ thể: Năm 2020 đã xử lý 122 vụ việc tại 21 tỉnh/ thành phố; quý I/2021 xử lý 57 vụ việc tại 13 tỉnh/thành phố.
Cùng với đó, Bộ TT&TT đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử để phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ tập trung nghiên cứu bổ sung các nội dung sau: Mở rộng thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Y tế, Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lực lượng Công an nhằm tăng công tác thực thi, xử lý vi phạm; Bổ sung biện pháp tạm ngừng hoạt động tên miền của các trang thông tin điện tử quảng cáo sản phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh sai sự thật nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.