Sáng tạo robot leo tường, lau kính tự động cho nhà cao tầng
Nguyện và Tuân là hai sinh viên đến từ Khoa Điện tử - Viễn thông Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Khi được hỏi về đề tài sáng tạo trên, Tuân đại diện nhóm cho biết: “Ở Việt Nam ngày càng có nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng và sử dụng kính làm vật liệu chính ở bên ngoài.
Theo thời gian, kính bị bẩn nên nhu cầu vệ sinh kính ngày càng nhiều. Công việc lau chùi vệ sinh kính của các tòa nhà cao tầng hiện nay thuê công nhân treo mình trên không để làm việc, rất nguy hiểm đến tính mạng. Xuất phát từ thực tế đó, chúng em muốn chế tạo 1 robot thay thế cho con người làm việc để tránh những rủi ro; đồng thời cải thiện tốc độ, hiệu quả công việc nhanh hơn”.
Robot được chế tạo. |
Tuân kể rằng, để thực hiện đề tài, em và Nguyện phải tìm đọc nhiều tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh. Sau đó, cả hai lên kế hoạch phác thảo mô hình trên máy tính. Thách thức đặt ra là chọn lựa vật liệu, thiết bị, linh kiện ở trong nước gặp rất nhiều khó khăn, bởi gần như không có, nên họ phải thay đổi thiết kế nhiều lần. Đặc biệt, việc lập trình cho robot leo qua các vách ngăn giữa hai tấm kính khi làm việc là một thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, đã quyết tâm làm nên họ động viên nhau không được bỏ cuộc.
“Việc đầu tiên là chúng em lên các diễn đàn, trang mạng tìm đặt mua các thiết bị, linh kiện phù hợp. Đa số các vật liệu này được chuyển từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội về. Chúng em phân công công việc theo điểm mạnh của từng người, đó là em đảm nhận phần lập trình điều khiển cho robot hoạt động, còn Tuân thiết kế các môđun của robot”, Nguyện tâm sự.
Hồ Viết Tuân. |
Vừa tranh thủ việc học trên trường, vừa làm thử nghiệm, sau 4 tháng miệt mài Tuân và Nguyện cũng chế tạo thành công mô hình robot có thể bám dính và di chuyển ổn định trên mặt phẳng kính thẳng đứng, có khả năng vượt qua các vách ngăn cố định giữa hai tấm kính để thực hiện lau chùi trong nhiều ô kính liền kề. Chi phí để làm một robot hết 10 triệu đồng, mỗi người đóng vào 4 triệu đồng, còn lại 2 triệu đồng được hỗ trợ từ Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Mô hình robot gồm các bộ phận chính như: Bộ phận hút không tạo áp suất giữ robot bám tốt theo phương thẳng đứng; bộ phận di chuyển giúp robot bám tốt trên mặt kính, đồng thời giúp robot di chuyển, thực hiện quá trình vệ sinh; bộ phận điều khiển, thu phát tín hiệu giúp robot hoạt động ở chế độ tự động, hoặc điều khiển qua sóng rf…“Robot sử dụng nguyên lý hút dọc trục của quạt hút không để tạo áp suất âm trong buồng hút không của robot. Điều này giúp robot đứng yên, di chuyển tốt theo phương thẳng đứng. Còn bộ phận lau kính sẽ được điều khiển tự động để làm vệ sinh”, Nguyện giải thích với chúng tôi.
Tuân và Nguyện cho biết thêm, đề tài robot leo tường, lau kính tự động cho nhà cao tầng đã có nước Đức nghiên cứu, nhưng robot đó không thể vượt qua các vách ngăn của ô kính, chỉ có thể lau chùi 1 ô kính. Còn ở trong nước, ĐH Lạc Hồng đã nghiên cứu, nhưng sử dụng nguyên lý hoạt động khác.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, cả hai nói rằng, hy vọng có thể chế tạo được các môđun thiết kế như mong muốn để cải thiện khả năng hoạt động của robot, đưa robot thành sản phẩm thay thế con người vệ sinh cho các tòa nhà cao tầng. Để làm được điều này, họ rất cần sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân tài trợ về nguồn vốn…