Nữ sinh trường làng sáng chế giấy chống thấm từ bã mía

Thứ Hai, 15/04/2019, 07:29
Bằng những kiến thức được học và niềm đam mê sáng tạo khoa học, 2 nữ sinh Ngô Thị Diễm Thúy và Mai Cao Kỳ Duyên, học lớp 11B1, Trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã sáng chế thành công sản phẩm giấy chống thấm từ bã mía để thay thế túi nilon, hộp nhựa… góp phần bảo vệ môi trường…


Chúng tôi đến căn nhà nhỏ của gia đình em Duyên ở thị xã Hương Thủy. Bên trong nhà, từ túi xách đến các vật dụng như ly, cốc, hộp đựng thực phẩm… đều được làm từ giấy, với những họa tiết xinh xắn.

Duyên cho biết, ý tưởng tận dụng rơm rạ làm giấy được em và Thúy ấp ủ từ khi còn học THCS. Đến khi lên lớp 10, trong một lần vào quán nước mía ven đường, hai em bắt gặp hình ảnh bã mía được chủ quán chất cao thành đống bên vệ đường nên các em đã thử tìm hiểu xem có thể tận dụng được loại nguyên liệu bỏ đi này để làm giấy hay không.

Em Duyên bên các sản phẩm làm từ giấy chống thấm.

Duyên kể: “Khi biết được bã mía có chứa cellulose, là nguyên liệu có thể làm được giấy nên sau những buổi tan học, chúng em thường đạp xe đến các cửa hàng bán nước mía để xin bã mía. Có được nguyên liệu, em đem bã mía sấy khô, rồi làm tan lượng đường còn lại trong bã, tiếp đó xay nhuyễn bã mía để tạo ra bột giấy phục vụ cho công đoạn làm giấy”.

Nhận thấy tác hại từ túi nilon và vỏ hộp nhựa, ống hút nhựa sau khi sử dụng được nhiều người thải ra môi trường gây ô nhiễm, Duyên và Thúy tiếp tục bắt tay nghiên cứu làm nên sản phẩm giấy chống thấm với mục đích có thể thay thế những sản phẩm bằng nhựa, nilon. Với những kiến thức được học ở nhà trường, cùng với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo và những tài liệu bổ ích tìm kiếm được trên mạng Internet, hai em biết được rằng, vỏ tôm cua có thể tạo được hỗn hợp chitosan (màng tinh bột) vừa có độ bền cao lại có khả năng chống nước.

“Lúc ấy, chúng em như tìm được lời giải cho bài toán khó nên rất vui mừng. Bởi lẽ, nếu có thành phần màng tinh bột sẽ giúp giấy chống thấm được nước và từ đó giấy sẽ rất hữu ích. Nghĩ là làm, sau khi xin vỏ tôm cua về và khử sạch các thành phần khoáng, protein, chúng em điều chế thành hỗn hợp chitosan đặc dẻo. Hỗn hợp này được phủ lên lớp giấy làm từ bã mía tạo thành lớp chống thấm đặc biệt cho giấy”, em Thúy hớn hở kể lại.

Để sáng chế thành công giấy chống thấm từ bã mía, Duyên và Thúy phải mất gần 1 năm trời nghiên cứu cùng rất nhiều lần thử nghiệm thất bại. Tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, kết quả cuối cùng là các em đã sáng tạo nên loại giấy hữu dụng có thể làm túi giấy, ly giấy, hộp giấy đựng các vật dụng, thực phẩm, thức ăn và hoàn toàn có thể thay thế cho hộp nhựa, túi nilon mà ít ai ngờ đến.

Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế) đối với loại giấy do Duyên và Thúy sáng chế cho thấy, “giấy làm từ bã mía phủ màng tinh bột-PVAc-Na2B407” đạt được các chỉ tiêu về an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, có khả năng phân hủy tốt. Riêng loại “giấy làm từ bã mía phủ màng chitosan” còn có khả năng kháng khuẩn, nấm mốc, không phát hiện bào tử vi nấm, độc tố Aflatoxin nên sản phẩm rất an toàn và thân thiện với môi trường.

Nói về đề tài nghiên cứu của 2 em Duyên và Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, thầy giáo Hoàng Minh, phấn khởi: “Sản phẩm giấy chống thấm của 2 em Duyên và Thúy sáng chế không những thân thiện với môi trường mà còn có tính ứng dụng cao vào thực tiễn. Hiện đã có một số đơn vị liên hệ để xin chuyển giao đề tài và thương mại hóa sản phẩm có ích này để nhân rộng vào đời sống. Và hy vọng tương lai không xa, sản phẩm giấy chống thấm của các em sẽ được ứng dụng để sản xuất nhiều vật dụng hữu ích phục vụ đời sống con người”.

Với tính độc đáo và ứng dụng cao, góp phần bảo vệ môi trường sống, đề tài sản phẩm giấy chống thấm làm từ bã mía của Duyên và Thúy đã vinh dự đạt giải Tư, cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc năm 2018-2019 được tổ chức vào giữa tháng 3-2019 và giải Nhất cuộc thi Khoa học Kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2018.

Anh Khoa
.
.
.