Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ Sáu, 28/12/2018, 09:23
Được sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan (gọi tắt là SNV) do Chính phủ Hà Lan tài trợ) để thực hiện Dự án nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp (FLOW), ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận đã triển khai xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả cao; trong đó đáng kể nhất là mô hình thâm canh lúa theo phương pháp cải tiến SRI.

Bình Thuận hiện có hơn 43.000ha đất lúa với diện tích gieo trồng ở ba vụ trên 120.000ha. Sản xuất lúa chia thành hai vùng chuyên canh: Phía Bắc (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc) và phía Nam (Đức Linh và Tánh Linh). Thực tế cho thấy sản xuất lúa những năm gần đây đã đạt nhiều thành tựu cả về năng suất lẫn chất lượng. Song do nhu cầu tăng năng suất, không ít nông dân canh tác thái quá bằng việc gieo cấy quá dày, lạm dụng phân đạm, chất kích thích sinh trưởng...

Thêm vào đó, Bình Thuận là địa phương chịu ảnh hưởng thường xuyên bởi những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất. Vì vậy, việc nhân rộng mô hình thâm canh theo phương pháp cải tiến trở nên hết sức cần thiết.

Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận đã xây dựng và nhân rộng mô hình thâm canh lúa nước theo phương pháp SRI tại các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh với diện tích 255ha của 295 hộ tham gia. Với cách làm mới này, người nông dân phải thay đổi nhận thức và thói quen canh tác truyền thống từ rất lâu đời.

Theo kiểu canh tác cũ, nông dân thường gieo sạ với mật độ dày từ 180 - 200 kg/ha, thường xuyên giữ nước ngập mặt ruộng và canh tác sử dụng nhiều phân đạm làm cho thân cây lúa mềm, dễ bị ngã đổ.

Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình mới, mật độ gieo sạ giảm còn 120kg/ha (giảm 40% lượng giống). Đồng thời, quy trình canh tác đảm bảo các nguyên tắc: Tưới tiêu theo phương pháp ướt khô xen kẽ, bón phân sớm và đúng thời điểm, quản lý dịch hại theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc, đúng kỹ thuật)...

Ông Võ Đầy, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình. Ông Đầy cho biết, việc tham gia mô hình đã giúp ông và mọi người thay đổi suy nghĩ rằng gieo sạ dày thì nhiều cây lúa và nhiều cây lúa sẽ cho năng suất cao. Khi tham gia, gia đình ông được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu làm đất, xử lý giống đến xử lý dịch bệnh...

Nông dân tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Thành, huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết ngoài việc giảm lượng giống, việc áp dụng phương pháp tưới tiêu ướt khô xen kẽ (tức là đưa nước vào mặt ruộng từ 3 - 5cm, tích nước từ 5 - 7 ngày rồi xả nước khỏi ruộng cho đất khô nứt chân chim, nhưng phải đảm bảo độ ẩm trong đất) và rút cạn nước trước khi thu hoạch 15 ngày, đã giúp nông dân tiết kiệm khoảng 30% lượng nước.

Đồng thời, với cách làm này, chi phí phân bón, tiền công... giảm 1 - 2 triệu đồng/ha và năng suất đạt từ 65 - 70 tạ/ha (tăng hơn trước 1 - 3 tạ/ha), lợi nhuận tăng khoảng 2 triệu đồng/ha so với trước đây.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, mô hình thâm canh lúa theo phương pháp cải tiến SRI không chỉ tăng thu nhập cho người nông dân, mà còn giúp họ tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Hơn hết, khi nói tới lợi ích của SRI không thể không nhắc đến lợi ích to lớn về mặt xã hội, tăng kết cấu cộng đồng. Do đặc thù về quản lý nguồn nước, sạ thưa và hạn chế dùng thuốc trừ sâu, việc canh tác SRI cần có sự thống nhất cao của cộng đồng.

Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nhân rộng cộng đồng ứng dụng canh tác lúa cải tiến theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển thương hiệu gạo chất lượng cao. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có hơn 3.300ha với 5.800 hộ canh tác lúa áp dụng quy trình thâm canh lúa theo phương pháp cải tiến SRI, ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thấy rõ lợi ích của mô hình, từ đó tự nguyện thực hiện tái canh, cải tạo.

Bên cạnh hoàn thiện quy trình canh tác, giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết địa phương, ngành Nông nghiệp chú trọng đến các giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng: sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương và khuyến khích người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư, mua sắm các loại máy để cơ giới hóa trong sản xuất lúa…

Hồng Hiếu
.
.
.