Ngư dân chế tạo thành công tàu vỏ thép mô hình

Thứ Tư, 13/09/2017, 10:56
Với niềm đam mê vươn khơi bám biển, ngư dân 9X tại Hà Tĩnh đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc để chế tạo thành công con tàu vỏ thép mô hình. Điều đáng nói, đây là bản thu nhỏ của con tàu gia đình được đầu tư theo Nghị định 67/CP của Chính phủ, có thể lướt băng băng trên sóng nước bằng động cơ tự chế.

Ngư dân trẻ với niềm yêu biển đến cháy lòng ấy là anh Trần Quốc Bình (27 tuổi), trú tại xóm Hội Long, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Những ngày này, câu chuyện về việc anh Bình chế tạo thành công con tàu mô hình, là nguyên mẫu của tàu vỏ thép có giá trị 15 tỷ đồng của gia đình, được đầu tư theo Nghị định 67/CP của Chính phủ để đánh bắt xa bờ, luôn là đề tài của không chỉ ngư dân Xuân Hội, mà nhiều người biết đến còn liên hệ để mua, hoặc đặt làm những mô hình tương tự.

Ngư dân Trần Quốc Bình bên con tàu vỏ thép mô hình của mình.

Từ TP Vinh (Nghệ An), chúng tôi tìm về xóm Hội Long, xã Xuân Hội để tìm gặp ngư dân Trần Quốc Bình ngay sau khi anh cho chạy thử thành công mô hình tàu vỏ thép trên biển. Chia sẻ với chúng tôi, anh Bình cho biết, anh sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống đánh bắt cá xa bờ, nhưng từ trước đến nay không có điều kiện kinh tế nên chỉ ra khơi trên những con tàu có công suất cỡ nhỏ.

Bản thân anh Bình sau khi tốt nghiệp lớp 12 cũng định gác lại giấc mơ đèn sách để theo nghiệp ông cha vươn khơi bám biển. Thế nhưng, sau những chuyến lênh đênh gần bờ, nhận thấy hiệu suất công việc không cao, không có kinh nghiệm đi biển nên gặp không ít khó khăn, anh đã quay lại với đèn sách, thi đỗ vào Cao đẳng Hàng hải.

Chính những năm tháng trên giảng đường đã hun đúc tình yêu của Bình vào mô hình của những con tàu vượt biển ra khơi. Tốt nghiệp ra trường, Bình trở về tiếp tục công việc của cha. Khi Chính phủ có chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67, anh Bình đã mạnh dạn đề xuất cha mình tham gia để có tàu công suất lớn ra khơi.

Và con tàu HT 96729 TS mà ông Trần Quốc Rạng, bố của Bình đã đầu tư gần 15 tỷ đồng theo chương trình này chính là nguồn cảm hứng để Bình bỏ ra hơn nửa tháng hoàn thiện con tàu mô hình thu nhỏ.

Để hoàn thiện con tàu mô hình này, ngư dân Trần Quốc Bình chia sẻ, anh đã bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi các nguyên vật liệu, trang thiết bị, vừa làm sao copy được nguyên mẫu con tàu, vừa khiến nó di chuyển được như thật.

“Cái khó đầu tiên là tìm chất liệu, vừa nhẹ để tàu nổi nhưng phải bền theo thời gian và tôi đã chọn nhựa pomex chuyên dùng để làm quảng cáo để làm thân tàu. Các công đoạn của nó cũng giống như tuần tự đóng một con tàu thật sự, đầu tiên là hình thành khung tàu, tiếp đến làm những chi tiết nhỏ như khoang tàu, máy tời lưới, ra đa, cột đèn hàng hải, máy bơm nước và vòi rồng cứu hỏa”, anh Bình chia sẻ.

Sau khi hình thành bộ khung, quá trình kẻ, vẽ màu sơn làm thế nào cho giống với thực tế cũng là công việc mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, theo anh Bình, cái khó là làm thế nào để con tàu mô hình không bất động mới là vấn đề “đau đầu”, để nó có thể di chuyển được cần phải gắn động cơ.

Sau nhiều ngày nghiên cứu, mày mò, anh Bình đã thí nghiệm thành công việc lắp động cơ điều khiển từ xa lên thân tàu. Tuy nhiên, thiết bị này phải mua từ Hà Nội, với giá 3 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với một ngư dân như anh, nhưng niềm đam mê đã thôi thúc anh ra Hà Nội tìm bằng được. Để rồi, sau hơn 10 ngày miệt mài chế tạo, con tàu vỏ thép dài hơn 90cm, rộng gần 30cm với đầy đủ hệ thống thiết bị đã vận hành thành công dưới nước.

Ngư dân Trần Quốc Bình cho biết, đây không phải là lần đầu tiên anh chế tạo tàu mô hình. Với năng khiếu bẩm sinh, cộng với đam mê cháy bỏng, anh đã chế tạo thành công nhiều mô hình tàu gỗ để trang trí trong nhà và làm quà tặng người thân.

Sau thành công này, Bình cho biết sẽ nhận đóng tàu mô hình để trưng bày, cũng là cách vừa để thể hiện sự biết ơn của ngư dân với chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/CP của Chính phủ, vừa thể hiện tinh thần hết lòng vì biển đảo quê hương, sẵn sàng vươn khơi bám biển.

Thiên Thảo
.
.
.