Lật tẩy nhiều chiêu lừa trên mạng xã hội năm 2014

Thứ Tư, 31/12/2014, 10:35
Ngày 30/12, Bkav đã công bố nhiều chiêu thức lừa đảo phổ biến người dùng mạng xã hội trong năm 2014. Những thủ đoạn lừa đảo trên đã được các chuyên gia và cộng đồng mạng cảnh báo song trên thực tế vẫn còn có nhiều người dùng“sập bẫy”.

Theo đó, “Người đàn ông có nhiều cháu nhất Việt Nam”, ông chú ở Viettel đã không còn xa lạ với nhiều người dùng Facebook trong năm 2014. Lợi dụng sự cả tin và lòng tham của người dùng, kẻ xấu tung tin về việc có ông chú làm ở Viettel tiết lộ thông tin về chương trình khuyến mãi đặc biệt với tài khoản cao gấp 10, 20 lần mệnh giá thẻ nạp...

Để nhận khuyến mại, người dùng được hướng dẫn cú pháp nạp thẻ, trong đó dãy số bí mật để xác thực là nhân viên của Viettel như “quảng cáo” chính là số điện thoại của kẻ xấu. Khi người dùng thao tác theo các thức kẻ xấu cung cấp, số tiền người dùng nạp được chuyển thẳng đến số điện thoại nói trên. Chiêu lừa này diễn ra công khai, thậm chí một số kẻ còn đăng cả tin nhắn lừa đảo vào các hội, nhóm có đông thành viên như Diễn đàn Xuất nhập khẩu, Diễn đàn nhà báo trẻ trên Facebook.

Trước sự phổ biến của hình thức lừa đảo này, nhà mạng Viettel đã phải đưa ra thông báo tới khách hàng khẳng định không có chương trình khuyến mãi đặc biệt nào như “các cháu” spam trên Facebook. Viettel cũng khuyến cáo người dùng có thể gọi điện lên tổng đài của nhà mạng để xác thực khi gặp các trường hợp nghi vấn lừa đảo.

Cũng theo thống kê, trong năm 2014, tiếp sau các hình thức lừa đảo “Đổi tên Facebook lần thứ 6” hay “Nút Dislike” trên Facebook, các spam về vẽ ảnh chân dung, chibi đã “làm mưa làm gió” trên Facebook. Đánh vào tâm lý tò mò và thích sự mới lạ của nhiều người, kẻ xấu chia sẻ lên tường của người dùng lời mời chào hấp dẫn kèm theo link quảng cáo về một hình ảnh vẽ chân dung, chibi hay clip về nữ sinh… Khi người dùng click vào các đường link này, mã độc được thực thi sẽ tự động post thông điệp lừa đảo tương tự lên tường của bạn bè trong danh sách nạn nhân để tiếp tục phát tán, tự động follow một số tài khoản Facebook hoặc like một số hình ảnh.

Nguy hiểm hơn, mã độc còn chuyển hướng người dùng sang trang Facebook giả mạo nhằm chiếm đoạt tài khoản. Các chuyên gia  cho rằng, để phòng tránh hình thức lừa đảo “Vẽ ảnh nghệ thuật”, người dùng nên cẩn trọng với các đường link trên Facebook, kể cả là link do bạn bè, người thân gửi vì có thể họ cũng bị nhiễm mã độc. Người dùng nên trực tiếp kiểm tra lại với người gửi. Ngoài ra, cần chú ý địa chỉ của trang web khi đăng nhập tài khoản. Trang Facebook thật có địa chỉ https://facebook.com.

Để phòng tránh hình thức lừa đảo này, trong trường hợp thật sự muốn đọc tin được chia sẻ trên Facebook, người dùng nên kéo chuột vào liên kết chứa trong bài và quan sát kỹ phần hiển thị dưới thanh trạng thái (status bar) của trình duyệt xem có hiển thị đúng địa chỉ chia sẻ không, nếu hiển thị ra một địa chỉ trang khác thì đây là địa chỉ giả mạo và người dùng không nên click vào.

H.Thanh
.
.
.