AAG gặp sự cố lần thứ tư trong năm nay
- Cáp quang AAG tiếp tục bị dời lịch sửa chữa
- Internet Việt Nam bị chậm thêm 1 tuần do lịch sửa cáp AAG bị lùi
Tối ngày 23-8, đường truyền Internet Việt Nam gặp phải sự cố, các dịch vụ có server đặt tại nước ngoài như Facebook và Gmail gặp phải tình trạng khó truy cập, ngoài ra các trang mạng quốc tế cũng trong trạng thái truy cập chậm hơn so với bình thường.
Nguyên do của tình trạng trên đến từ việc một số kênh truy cập Internet quốc tế qua tuyến cáp quang biển Asia - America Gateway (AAG) đã gặp sự cố, gây gián đoạn liên lạc trên tuyến từ khoảng 14h30 ngày 23-8.
Hiện các nhà cung cấp dịch vụ internet và đơn vị điều hành tuyến cáp AAG đang tìm hiểu nguyên nhân cụ thể, vị trí gặp sự cố và tìm hướng khắc phục. Theo thống kê, tính từ đầu năm 2018 đến nay, đây là lần thứ 4 tuyến cáp AAG gặp sự cố.
Lần đầu tiên tuyến cáp AAG bị gián đoạn liên lạc là vào ngày 6-1, khi đối tác quốc tế lên kế hoạch cấu hình lại nguồn của hệ thống. Thời gian gián đoạn đã bị kéo dài đến ngày 25-1 mới kết thúc, khôi phục 100% dung lượng kênh truyền trên AAG do cáp nhánh S1 của tuyến AAG bị phát hiện gặp lỗi mới.
Hai lần tuyến cáp AAG gặp sự cố, được sửa chữa thời gian gần đây lần lượt vào các ngày 22-5 và 16-6. Trong đó, đợt sửa chữa cáp nhánh S1 kết nối đi HongKong và Mỹ của tuyến AAG đã kéo dài từ 23h ngày 22-5 cho đến tận ngày 2-6 mới hoàn tất.
Lần thứ 3 trong năm tuyến AAG gặp sự cố là vào ngày 16-6 do nguồn điện áp cấp cho nhánh S1H không ổn định, phải đến ngày 19-7. Phải tới hơn 1 tháng, sự cố này mới được đối tác quốc tế xử lý xong, khôi phục hoàn toàn các kênh truyền trên tuyến cáp.
Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG có chiều dài 20.191 km. Có dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, AAG là tuyến cáp đầu tiên kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM). Tuyến cáp quang biển này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia (Mersing), Singapore (Changi), Thái Lan (Sri Racha), Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei (Tungku), Hong Kong (South Lantau), Philippines (Currimao) và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California). |