Xử lý súng tự chế, phải mạnh tay và quyết liệt

Thứ Sáu, 07/11/2014, 10:00
Buổi trưa ngày 17/10/2014 vừa qua, Công an TP Thanh Hóa đã bất ngờ đột kích "lò" sản xuất súng săn, súng thủ công tự chế của Tạ Văn Bình (55 tuổi, ở khu phố 6, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Kết quả khám xét đã thu giữ được gần 100 kg đạn chì, 37 kg đạn súng hơi, 3 kg thuốc nổ, 65 vỏ đạn bằng đồng các loại, 26 khẩu súng bắn đạn ria, 1 khẩu súng tự chế đã hoàn thiện cùng nhiều dụng cụ, phương tiện dùng để đóng đạn, sửa chữa súng và đóng gói thuốc nổ khác...

Giang hồ "lấy số" nhờ súng đạn!. Cái làm nên "bản lĩnh" trong thế giới "ngầm",  được đo bằng độ "lạnh" của máu và độ "nóng" của "đồ". "Đồ" mà giang hồ ưa xài là súng. Có súng, cơ hội giành phần thắng khi đụng độ hay tranh cướp lãnh địa… là điều khỏi phải bàn cãi. Ngặt vì súng đạn quân dụng không phải thứ dễ kiếm, nên các băng nhóm thường hướng đến "dòng sản phẩm" có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng. Có "cầu" ắt có "cung", từ các "lò" chế tạo súng thủ công vừa bị "đánh sập" mới đây, giật mình bởi sự hiện hữu của thị trường nguy hiểm này. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng chế tài xử lý đối với hành vi sản xuất súng thủ công chưa đủ tính răn đe. Để xóa sổ nó, cần phải có  những giải pháp mạnh tay hơn nữa, trong đó việc xử lý về hình sự đối với những chủ "lò" súng là đòi hỏi cấp thiết.

"Bán nanh cho sói"

Buổi trưa ngày 17/10/2014 vừa qua, Công an TP Thanh Hóa đã bất ngờ đột kích "lò" sản xuất súng săn, súng thủ công tự chế của Tạ Văn Bình (55 tuổi, ở khu phố 6, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Kết quả khám xét đã thu giữ được gần 100 kg đạn chì, 37 kg đạn súng hơi, 3 kg thuốc nổ, 65 vỏ đạn bằng đồng các loại, 26 khẩu súng bắn đạn ria, 1 khẩu súng tự chế đã hoàn thiện cùng nhiều dụng cụ, phương tiện dùng để đóng đạn, sửa chữa súng và đóng gói thuốc nổ khác. Đây là phần kết của một chuyên án dày công do lực lượng CSĐT tội phạm về kinh tế - Công an TP Thanh Hóa bí mật triển khai từ nhiều tháng trước. Quy mô của "lò" súng này vào hàng "khủng" nhất ở xứ Thanh từ trước đến nay. Vốn có tay nghề cơ khí, biết chế tác súng hơi, Bình đã mua gom các loại súng, báng súng săn về sửa chữa, "mông má" rồi bán lại cho các tay "anh chị" tại địa phương. Ngoài ra, Bình còn nhận sửa chữa súng bị hỏng hóc, cung cấp đạn, máy xay vật liệu nổ để bán cho các băng nhóm tội phạm. "Hàng" của Bình đảm bảo "chất lượng" nên xưởng súng của y không mấy khi hết việc.

Đối tượng Tạ Văn Bình - chủ "lò" súng tại Thanh Hóa cùng số súng, đạn tự chế thu được.

Hải Phòng luôn đứng đầu về số vụ án liên quan đến súng. Cũng bởi nơi đây đã chế tạo súng thủ công để cung ứng ra "thị trường" tại chỗ. Mới đây vào ngày 7/7/2014, CSHS quận Lê Chân, Hải Phòng đã đánh sập "lò" súng của Phạm Ngọc Huy (ở số 295 Nguyễn Đức Cảnh, phường Cát Dài, quận Lê Chân). Y chính là cơ sở chuyên cung cấp "hàng nóng" cho giang hồ đất Cảng. Kết quả khám xét nhà Huy thu được 2 khẩu súng côn xoay; 1 khẩu súng bút; 38 viên đạn; 3 bản vẽ chi tiết súng cùng nhiều máy khoan, mài, cắt, ép, hàn và bình khí nén. Theo kết luận giám định của Viện Kỹ thuật hình sự - Bộ Công an thì loại súng do Huy chế tạo hết sức nguy hiểm, có tính năng tác dụng như súng quân dụng và có độ sát thương cao.

Trước đó, vụ bắt Nguyễn Cao Sơn (tức Sơn "súng") của Hình sự Hải Phòng đã làm lộ ra xưởng chế tạo súng của y ngay... giữa thành phố. Khám xét "kho", lực lượng chức năng phát hiện có 14 khẩu súng "hoa cải" đã thành phẩm và nhiều báng súng, nòng súng, 3 máy dập đạn ghém cho súng "hoa cải".

Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 18/6/2013 chuyên án của PC45 Hải Phòng đã làm "phát lộ" xưởng chế tạo súng của vợ chồng Dương Minh Nhất, Trần Thị Hồng Vân (ở tổ 29 phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, Hải Phòng). Đây là một đầu mối lớn, chuyên cung ứng "hàng nóng" ra "thị trường đen". Khám xét khẩn cấp nhà Nhất, Ban chuyên án thu giữ được 5 khẩu súng dạng bút; 2 khẩu súng dạng côn xoay bắn đạn "hoa cải"...Vốn là thợ cơ khí có tay nghề cao, cùng với dàn máy khoan, máy mài, máy tiện hiện đại, mỗi ngày Nhất có thể cho ra lò được tới 4 khẩu súng bút. Nhiều "sản phẩm" của vợ chồng Nhất được giang hồ đánh giá là có "chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã" hơn hẳn sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Bởi vậy mà Nhất luôn bận rộn với "đơn đặt hàng", đến mức vợ chồng y đã phải mở cả "đại lý" tại nhà Vũ Thị Loan (ở số 146 Quang Trung, quận Hồng Bàng). Khám xét nhà Loan, cơ quan điều tra đã tiếp tục thu giữ được 22 khẩu súng các loại; 24 nòng súng; 21 báng súng bằng sắt; 17 báng súng hơi bằng gỗ; hơn 500 viên đạn...

Nói về "nghề" làm súng trong nước, Toàn "khỉ" - một "đại ca" đã "gác kiếm" ở Hà Nội quả quyết đó là nghề truyền thống trên núi. Từ bao đời, những khẩu súng kíp tự chế để săn thú là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống người Mông, người Dao. Khi thú hết, súng kíp "giải nghệ", còn tồn hàng ngàn khẩu đành treo gác bếp. Gặp khách mua chỉ 1 đến 2 triệu là bán luôn. Nhưng súng kíp để trưng bày là chính. Còn dùng vào "việc" thì khó vì quá dài. Giang hồ thích dùng loại ngắn, gọn dễ cất giấu mà tính sát thương lại cao. Nhiều thằng biết nghề cơ khí, đã nhạy bén chuyển sang mở "lò" chế súng, hốt bạc tỷ vì làm không kịp bán. Súng cho giang hồ cũng nhiều chủng loại, mẫu mã như súng bắn đạn chùm kiểu hoa cải, côn xoay, súng bút... Súng hoa cải đang thịnh hành, trong khoảng cách 30m có thể bắn chết trâu. Kinh nhất là loại súng ám sát giống cái bút viết hiền lành. Chỉ cần một thỏi sắt tiện thành hình cái bút, dùng máy phay tạo rãnh khoan nòng, mua lò xo ở chợ làm kim hoả rồi dùng một chiếc đinh vít làm mỏ cài, thế là xong "đồ" nóng siêu gọn nhẹ.

Hiện nay việc sản xuất súng săn, súng thủ công tự chế trái phép, đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua những "lò" súng bị đánh sập, nhận thấy quy mô và tính chất đặc biệt nguy hiểm của hành vi này đối với an ninh trật tự.

Nanh vuốt giang hồ

Hiểu về "xã hội đen", không thể không biết về nhu cầu sở hữu "hỏa lực" của chúng. Khi đã chọn kế mưu sinh bằng hoạt động trái pháp luật, lấy bạo lực làm phương pháp, chiếm đoạt làm cách thức, thì không thể thiếu công cụ phương tiện, đó là vũ khí có khả năng sát thương. Giang hồ cần vũ khí, vì chỉ khi sở hữu trong tay sức mạnh này, chúng mới có thể tạo ra cho mình thứ "quyền lực" dựa trên sự sợ hãi của người khác. 

"Lò" chế tạo súng của vợ chồng Dương Minh Nhất.

Bắc "ca" - một "đầu đà" ở Hải Phòng giải thích: "Muốn sống trong giang hồ mà không sợ thằng khác "xé vé", "đè phân", phải có "số", tức là phải có đông đàn em thạo việc. Nhưng quân đông mà thiếu "đồ nóng" thì cũng chẳng ai sợ. Có súng "ra trận" anh em tự tin hơn, giải quyết việc nhanh hơn.

Đại úy Lê Minh Hải - Đội phó Đội điều tra trọng án 1- Phòng CSHS Hà Nội cho biết: "Nhiều vụ trọng án kinh hoàng liên quan đến súng đã xảy ra trong cả nước thời gian qua. Người dân Hà Nội chưa quên vụ đòi nợ đẫm máu xảy ra đêm 28-4-2011 trên phố Xã Đàn. Mâu thuẫn từ việc nợ nần, các tên Nguyễn Mạnh Cường (tức Cường "móm"),  Đồng Cao Cường (tức Cường "hổ") cùng đồng bọn đã rượt đuổi theo chiếc xe taxi chở chị Nguyễn Thị Liên rồi liên tiếp nã đạn vào trong xe từ 4 khẩu súng "hoa cải", làm nạn nhân chết tại chỗ. Trước đó là vụ rượt đuổi, bắn nhau náo loạn đường Láng - Hòa Lạc giữa hai nhóm do Nguyễn Quang Đông và Bạch Thành Phong cầm đầu".

Ở các tỉnh duyên hải, sử dụng súng giải quyết mâu thuẫn đã trở thành "việc thường ngày ở huyện". Vụ tranh giành bảo kê lãnh địa than thổ phỉ tại cảng Làng Khánh, Quảng Ninh, có tới sáu nạn nhân bị bắn chết tại chỗ bằng súng "hoa cải". Hải Phòng là miền đất dữ, gần đây được giang hồ gọi là "Thành phố Hoa cải đỏ", bởi hầu hết những vụ đụng độ lớn đều kết thúc bằng tiếng nổ của súng "hoa cải". Tại Thanh Hóa, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh... cũng thường xảy ra những vụ án thanh toán đẫm máu bằng súng đạn, gây tâm lý bất an trong đời sống người dân.

 Đại úy Hải cho biết thêm: "Do tính năng gây sát thương cao, có khả năng làm chết nhiều người nên tất cả các vụ án có sử dụng súng, kể cả súng "hoa cải", súng tự chế, đều bị khởi tố về tội danh "Giết người", hình phạt áp dụng đối với hành vi này là rất nghiêm khắc".

Chế tài còn nhẹ

Theo luật sư Lê Hồng Hiển - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc phòng ngừa tội phạm cần bắt đầu bằng các quy định của pháp luật. Chế tài xử lý phải đủ mạnh thì mới có tác dụng trừng trị, răn đe. Hiện nay việc sản xuất, tàng trữ, mua bán trái phép loại súng này chỉ bị xử lý hành chính. Điểm a, Khoản 6, Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, chế tạo vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép.

Lý do không xử lý được các chủ "lò" súng về hình sự theo Điều 230 - Bộ luật Hình sự, là vì theo Nghị định 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì sản phẩm súng thủ công tự chế không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng. Chỉ khi đối tượng sử dụng các loại vũ khí này gây thương tích hoặc chết người, thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. "Đây có thể là kẽ hở, lỗ hổng của pháp luật, bởi tính sát thương của súng tự chế không thua kém gì súng quân dụng.  Với chế tài xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay, tôi cho rằng không bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn hành vi sản xuất súng đạn thủ công trái phép. Nên chăng mọi hành vi sản xuất, chế tạo, mua bán trái phép súng săn một nòng, nhiều nòng các cỡ, tự động hoặc không tự động, súng hơi các cỡ, súng kíp, súng hoả mai, súng tự chế và các loại đạn, vỏ đạn, hạt nổ, thuốc đạn dùng cho các loại súng kể trên, đều phải bị xử lý về hình sự. Có như vậy mới đủ sức răn đe, phòng ngừa những hậu quả khôn lường đến từ súng, đạn tự chế và dẹp bỏ được thứ nghề nguy hiểm này" - ông Hiển kiến nghị 

Đào Trung Hiếu
.
.
.