Xóa sổ băng trộm đường sông chuyên đột nhập tiệm vàng miền Tây

Thứ Năm, 18/08/2016, 11:00
Trong các vụ trộm đột nhập tiệm vàng tại các tỉnh, thành Tây Nam Bộ vừa được Công an TP Cần Thơ triệt phá, đối tượng gây án thường di chuyển bằng đường sông, khi đột nhập vào bên trong thì sử dụng găng tay, đeo khẩu trang kín mặt, ít để lại dấu vết. Các tiệm vàng trang bị các loại ổ khoá với nhiều lớp cửa bảo vệ và có trang bị hệ thống camera nhưng vẫn bị chúng đột nhập. 


Gian nan hành trình phá án  

Đến nay, qua thống kê, đã có hơn 21 vụ trộm đột nhập xảy ra tại các tỉnh, thành Tây Nam Bộ như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Trong đó có 10 vụ trộm tiệm vàng, 11 vụ trộm cơ sở kinh doanh.

Tổng tài sản bị thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Theo Ban chuyên án, sau gần một năm rưỡi điều tra, phá án đã xác định băng nhóm này có 7 đối tượng, gồm: Nguyễn Văn Dân (42 tuổi); Lê Văn Mười (39 tuổi, em rể Dân); Lý Văn Đợi (52 tuổi); Nguyễn Văn Điệp (44 tuổi); Lê Văn Dũng (50 tuổi, anh của Mười); Nguyễn Minh Thắng (53 tuổi) và Phùng Thanh Tâm (42 tuổi); tất cả ngụ Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh.

Việc theo dõi triệt phá nhóm siêu trộm này là hành trình phá án hết sức cam go, phức tạp, đòi hỏi một sự kiên trì, lòng quyết tâm, sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng tham gia, trong đó, vai trò chủ công chính là các trinh sát hình sự Công an TP Cần Thơ.

Các nghi phạm bị bắt giữ.

Một trinh sát chia sẻ ngay sau khi vụ án được triệt phá: "Theo dõi đối tượng trong suốt nhiều đêm liền, không kể thời tiết nắng mưa, lênh đênh trên sông nước miền Tây, có khi đói chỉ ăn lót dạ, có khi trầm mình dưới nước, muỗi cắn cũng không dám đập, sợ gây tiếng động ảnh hưởng đến kết quả phá án, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi là công sức của anh em trở thành công dã tràng".

Nhìn những đôi mắt thầm quầng, lõm sâu sau nhiều đêm mất ngủ, chúng tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả và càng trân trọng, cảm phục tinh thần tận tụy quyết tâm vì dân phục vụ của các anh.

Sau hơn một năm trời ròng rã lập án, theo dõi, đến tháng 3/2016, các trinh sát phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Dân (trú xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), sống bằng nghề ghe cào trên sông Hậu có nhiều biểu hiện nghi vấn liên quan đến các vụ trộm vàng.

Qua nắm tình hình, các trinh sát biết được Dân và các tên trong nhóm là Dũng và Tâm đang lên kế hoạch thực hiện phi vụ trộm vàng. Vụ việc đã được Công an TP Cần Thơ báo cáo lên cấp trên và nhận ngay được sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát. Theo đó, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ làm chủ công, phối hợp chặt với các đơn vị nghiệp vụ, tập trung phương tiện, lực lượng mật phục theo dõi mọi di biến động của bọn trộm, có thời cơ thì phá án. 

Đúng theo nguồn tin của các trinh sát, ngày 9/7, các đối tượng sử dụng ghe có tải trọng lớn xuất phát từ Trà Ôn, đến thị xã Bình Minh, rồi tiếp tục di chuyển đến thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) và một số chợ ven sông thuộc tỉnh Tiền Giang.

Cả 2 đêm, bọn chúng nhiều lần có ý định đột nhập tiệm vàng nhưng bất thành. Khoảng 2h sáng 11/7, đối tượng Tâm sau khi dùng kìm cộng lực cắt 2 lớp cửa sắt đã đột nhập vào tiệm vàng Kim Yến (xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, Tiền Giang). Tuy nhiên, bọn chúng chưa kịp thực hiện thì bị chủ tiệm vàng phát hiện, báo Công an xã đến xử lý. Sau một ngày bị tạm giữ hành chính, nhóm của Tâm được cho về với lý do là chưa lấy được tài sản nên không xử lý được. Chúng đâu ngờ, mọi di biến động của bọn chúng đều được các trinh sát tiếp tục bám chặt theo dõi không rời. 

Sau sự việc trên, Tâm cùng đồng bọn mừng khấp khởi và huênh hoang cho rằng hành tung bọn chúng và các vụ trộm vàng của băng nhóm chưa bị phát hiện nên bàn tính thực hiện những phi vụ tiếp theo. Ngày 25/7, Ban chuyên án phát hiện hai đối tượng trong băng nhóm ở TP Hồ Chí Minh là Đợi và Thắng xuống Trà Ôn để gặp Dũng.

Camera tại tiệm vàng Hiện - Tính Hà (Cần Thơ) ghi lại hình ảnh đối tượng đột nhập trộm tiệm vàng.

Sau khi bàn bạc, thống nhất, bọn chúng dùng ghe khoảng 3,5 tấn có gắn máy công suất lớn di chuyển xuống huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng). Tuy nhiên, khi đến Sóc Trăng chúng lại tiếp tục di chuyển xuống Bạc Liêu. Do trên đường đi, ghe gặp sự cố nên chúng tìm chỗ sửa. Hai hôm sau đó, chúng quay lại về xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) và chờ thời cơ để hành động.

Đêm thứ 5, bọn chúng cho ghe ra sông Cổ Cò (huyện Mỹ Xuyên), cách chợ Kinh, xã Hoà Tú 2 khoảng 4km và cách chợ Cổ Cò, xã Ngọc Tú khoảng 10km. "Sau khi theo dõi di biến động và nắm được ý định của bọn chúng sắp thực hiện là các tiệm vàng ở ven sông của chợ Kinh và chợ Cổ Cò. Ban chuyên án quyết định lên kế hoạch phá án.

Vì đây là trận đánh lớn, mang tính quyết định nên tất cả các trinh sát và cán bộ, chiến sĩ được phân công phải tập trung cao độ, theo từng vị trí nhiệm vụ mà thực hiện cho tốt, tuyệt đối không xảy ra sơ suất. Trong quá trình thực hiện vừa phải tuân thủ theo phương án, vừa chủ động, linh hoạt, hiệp đồng thật chặt chẽ, một thành viên Ban chuyên án nói.

Nhận lệnh, 6 tổ công tác với hàng chục cán bộ, chiến sĩ được huy động, bí mật ém quân ngay trong các tiệm vàng, nhà dân, dọc bờ sông, mặt tiền các tiệm vàng mà bọn chúng có thể gây án. Cùng lúc này, một tổ công tác khác được ngụy trang, giả làm người chài lưới trên sông, giám sát mọi hoạt động của chúng cả dưới ghe và trên bờ.

Sau khi các lực lượng đã vào vị trí, Đợi và Thắng bắt đầu di chuyển ghe, chạy vòng quanh chợ, dò xét tiệm vàng mà bọn chúng đã chọn để gây án. Bọn chúng phát hiện không có người qua lại, không có lực lượng tuần tra nên yên tâm, quay lại ghe.

Thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp

Sau đó, bọn chúng sử dụng vỏ lãi di chuyển đến tiệm vàng Kim Hoàng, chợ Kinh, khi chỉ còn cách 300m thì tắt máy thả xuôi và tìm cách tiếp cận tiệm vàng. "Bọn chúng dùng công cụ, kìm cạy, cắt, bẻ khóa 4 lớp rào, cửa để đột nhập vào tiệm vàng. Khi bọn chúng đang gom vàng vào bao định tẩu thoát thì lực lượng ập vào bắt quả tang, thu giữ tại chỗ 7 lượng vàng cùng các phương tiện gây án", Đại tá Trương Văn Nam - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ cho biết.

Qua khai thác, ngày 30 và 31-7, Ban chuyên án đã tiến hành bắt khẩn cấp 5 đối tượng trong băng nhóm là Dũng, Mười, Dân, Điệp và Tâm. "Trước khi thực hiện, bọn chúng giả đò đi lên chợ mua thức ăn, mục đích là khảo sát những tiệm vàng có vị trí thuận lợi như mặt hậu tiếp giáp bờ sông. Sau đó, bọn chúng tiếp tục xuống ghe khảo sát để nghiên cứu hướng đột nhập.

Dụng cụ các đối tượng sử dụng phá khoá, gây án.

Để phá chuyên án, cơ quan điều tra phải bố trí bắt quả tang đối tượng vì chúng rất ranh ma, xảo quyệt. Nếu không có chứng cứ trực tiếp thì khó khăn trong công tác đấu tranh xác định mức độ, hành vi phạm tội của chúng sau này, nhất là những vụ trộm chúng từng thực hiện ở các tiệm vàng khác. Vì vậy,  Ban chuyên án đã tập trung lực lượng theo dõi đối tượng và bố trí phương án kết thúc một cách hoàn hảo", Đại tá Trương Văn Nam nói.

Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, từ năm 2011, Đợi rủ Điệp sử dụng ghe đột nhập nhà dân ven sông vùng ngoại ô TP Hồ Chí Minh để trộm. Sau đó, Đợi cấu kết với Thắng, Tâm mở rộng địa bàn xuống miền Tây. Năm 2013, trong một lần đi gây án tại miền Tây ghe bị hỏng thì nhóm này gặp Mười giúp sửa ghe.

Từ cuộc gặp gỡ tình cờ đó, Đợi rủ Mười, Dân và Dũng cùng tham gia thực hiện. Mười giữ vai trò khảo sát, chỉ điểm các tiệm vàng ven sông để cùng nhau gây án. Trong khi đó, để dễ dàng hoạt động, Đợi hùn với Điệp, Thắng hùn với Tâm mua thêm ghe để làm phương tiện đi gây án và giao cho Dũng quản lý tại bến sông trước nhà. Bọn chúng chia làm 3 nhóm hoạt động.

Kể từ đây, một đường dây trộm tiệm vàng khét tiếng các tỉnh, thành Tây Nam Bộ được hình thành, gây ra hàng loạt vụ trộm tiệm vàng, có vụ tài sản mất trộm trị giá hàng tỷ đồng.

Qua đấu tranh khai thác, cơ quan điều tra đã xác định nhóm "siêu trộm" gồm 7 đối tượng này đã thực hiện 15 vụ trộm, gây thiệt hại về tài sản hơn 10 tỷ đồng. Đại tá Trương Văn Nam cho biết thêm, quá trình gây án, các đối tượng chọn những tiệm vàng ven nội ô, ở các thị trấn có nhà sàn dưới sông để đột nhập vào từ nhà sàn, lẻn lên nhà chính, nơi có quầy chứa vàng rồi tẩu thoát nhanh khỏi hiện trường. Băng nhóm này thường chọn thời điểm từ khuya về gần sáng ở tiệm vàng gần bến chợ. Lúc này là họp chợ nên khi bọn chúng cắt bẻ khoá có tiếng động thì cũng không ai để ý.

Quá trình tiếp cận, đột nhập  tiệm vàng, bọn chúng trùm khẩu trang vải kín đầu và cổ, tay đeo găng tay vải rồi dùng các dụng cụ như: cưa sắt, kìm cộng lực, kéo, đoạn sắt loại phi 30 một đầu dẹp, có đầu nhọn dùng phá rào, cửa, ổ khoá, bịt nylon dùng để vô hiệu hóa camera. Sau đó, một tên đột nhập vào trong gom vàng vào bao, tên kia dùng đoạn gỗ đứng chặn tại cửa phòng sẵn sàng ra tay nếu như bị chủ nhà phát hiện, kêu cứu. Gây án xong, bọn chúng ra vỏ lãi chờ sẵn tẩu thoát.

Khen thưởng các lực lượng lập công

Sau khi chuyên án được khám phá thành công, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã trao bằng khen cho: Cục Cảnh sát Hình sự; Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I; Cục Kỹ thuật nghiệp vụ II; (Bộ Công an, cơ quan phía Nam); Phòng Cảnh sát Hình sự, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ II; Phòng Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát cơ động (Công an TP Cần Thơ) và Công an huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng nhấn mạnh, đây là một chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng Công an, chuyên án thành công đem lại niềm tin, sự bình yên, phấn khởi trong nhân dân. Khi hay tin lực lượng Công an phá thành công chuyên án, nhiều người dân trong đó có các chủ tiệm vàng đã gọi điện trực tiếp cảm ơn, khen ngợi chiến công của lực lượng. Nếu không phá được vụ án này, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng ở miền Tây sẽ còn lo lắng vì họ không biết khi nào tới lượt mình.  

V.V.Vĩnh
.
.
.