Xét xử vắng mặt “người đàn bà quyền lực” trong giới ngân hàng
Dùng quyền lực thao túng ngân hàng…
Đến ngày 10-5, phiên toà xét xử vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, hiện nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB) đối với bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm, mới xét hỏi ngày thứ hai.
Trước khi xuất hiện tại phiên toà xét xử Phạm Công Danh, bà Hứa Thị Phấn được dư luận biết đến là người đàn bà quyền lực tại Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến (sau đổi tên là Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín) với vốn sở hữu lên tới 2.547 tỷ đồng, chiếm 84,92% vốn điều lệ và nắm giữ chức vụ cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị (HĐQT) tại ngân hàng.
Các bị cáo tại phiên toà. |
Ngoài khối tài sản khổng lồ tại Ngân hàng Đại Tín, bà Phấn còn khối tài sản khổng lồ hàng trăm bất động sản nằm ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, hàng triệu cổ phần, cổ phiếu tại nhiều công ty.
Cáo trạng xác định, lợi dụng là cổ đông lớn tại ngân hàng, bà Phấn đã nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động, thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, làm lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu chi tiền mặt, lạm dụng tín nhiệm để rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng trái pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 12.005 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong phạm vi phiên toà lần này, Toà án chỉ xét xử hành vi nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và hạch toán thu - chi khống để chiếm đoạt 6.361 tỷ đồng của bà Hứa Thị Phấn cùng 27 đồng phạm trong vụ án, trong đó có ông Hoàng Văn Toàn (65 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín), Trần Sơn Nam (49 tuổi, nguyên thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín).
Theo đó, thông qua các công ty do mình thành lập và cá nhân có quan hệ họ hàng hoặc nhân viên dưới quyền đứng tên mua 26 bất động sản, bà Phấn dùng thủ đoạn mua đi bán lại các bất động sản trong nhóm để nâng khống giá trị. Sau đó, bà Phấn dùng ảnh hưởng của mình chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín định giá khống cao gấp 2 đến 8 lần so với giá trị trường.
Với lý do mở rộng hệ thống hoặc đầu tư bất động sản, bà Phấn tiếp tục chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành Ngân hàng Đại Tín mua 26 bất động sản với tổng giá trị 3.580 tỷ đồng để Phấn rút ruột và chiếm đoạt tiền của ngân hàng (tiền gửi của dân), trong khi ngân hàng đã vượt quá tỉ lệ mua sắm tài sản cố định, dẫn đến 15/26 bất động sản đầu tư với tổng giá trị 2.424 tỷ đồng/ 3.580 tỷ đồng đến nay chưa thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng.
Theo kết quả thẩm định giá thị trường, thời điểm tháng 9-2014, 26 bất động sản nói trên có tổng trị giá 1.369 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (nay là VNCB) 2.129 tỷ đồng. Trong số 26 bất động sản nói trên, bà Phấn nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, chiếm đoạt và gây thiệt hại cho Đại Tín 1.105 tỷ đồng.
Căn nhà này có diện tích đất là 622m2, diện tích xây dựng là 270m2, diện tích sử dụng là 309m2. Hành vi nâng khống giá này được bà Phấn thực hiện kín kẽ với chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Đại Tín, Nghị quyết của HĐQT Ngân hàng Đại Tín, sự giúp sức của Công ty cổ phần Địa ốc Lam Giang do Lâm Kim Dũng làm giám đốc.
Đến giữa tháng 8-2014, sau khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến Ngân hàng Đại Tín từ nhóm cổ đông bà Phấn vào tiếp quản ngân hàng, đổi tên thành VNCB để thực hiện tái cơ cấu.
Theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, VNCB ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá với Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam (SIVC) định giá lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch chỉ có giá trị 181 tỷ đồng. Đến tháng 11-2015, cơ quan điều tra đã trưng cầu Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự TP Hồ Chí Minh, thời điểm tháng 2-2012, căn nhà trên chỉ có giá gần 155 tỷ đồng.
Tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín trong tình trạng thua lỗ nặng, trong đó vốn chủ sở hữu bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ luỹ kế là 6.061 tỷ đồng, nhóm cổ đông mới (nhóm Thiên Thanh, đại diện là Phạm Công Danh) đã tìm mọi cách để vực dậy ngân hàng nhưng không có kết quả mà còn kéo theo hệ luỵ là 36 bị cáo phải ra toà, trong đó có Phạm Công Danh vì hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện tái cơ cấu Ngân hàng VNCB.
Cũng tại phiên toà này, từ lời khai của Phạm Công Danh và các đồng phạm, kết thúc phiên toà, Hội đồng xét xử TAND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án với các hành vi cố ý làm trái... vi phạm cho vay... liên quan đến hành vi của bà Hứa Thị Phấn và các đối tượng liên quan.
Trở lại vụ án này, ngoài hành vi nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, lợi dụng là cổ đông lớn của ngân hàng, bà Phấn đã chỉ đạo lãnh đạo và các cán bộ, nhân viên thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt, thực hiện giao dịch, hạch toán khống trên hệ thống smartbank, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng hoàn thiện thủ tục... để bà Phấn lấy được tiền và sử dụng bất hợp pháp 5.256 tỷ đồng.
Sau đó, lợi dụng Công ty Phương Trang là doanh nghiệp có nhiều bất động sản dùng làm tài sản đảm bảo, muốn vay tiền mở rộng kinh doanh, bà Phấn đã chỉ đạo buộc Công ty Phương Trang ký trước hồ sơ vay và giải ngân không thông báo cho Phương Trang.
Quá trình giải ngân cho vay, bà Phấn đã không giải ngân hoặc giải ngân không đủ tiền vay cho Công ty Phương Trang, lấy tiền sử dụng, sau đó lập các chứng từ chi khống để cấn trừ với các chứng từ thu khống để không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán, che giấu hành vi phạm tội, đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang thông qua các khoản vay với tổng số tiền 5.256 tỷ đồng.
Quá trình điều tra đến nay xác định, Công ty Phương Trang chỉ thực nhận hơn 3.936 tỷ đồng. Số tiền gốc còn lại là 5.465 tỷ đồng, ngân hàng hạch toán là khoản dư nợ vay của Công ty Phương Trang đến nay không thu hồi được.
Sử dụng con cháu để thực hiện hành vi phạm tội
Liên quan trong vụ án này, cùng bị đưa ra xét xử lần này có đến 5 bị cáo là những người thân thích trong gia đình bà Phấn. Là cháu ruột bà Phấn, bị cáo Ngô Kim Huệ (SN 1980) được bà Phấn nuôi cho ăn học và đưa vào làm thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín phụ trách về xây dựng cơ bản và một số việc khác.
Bị cáo Lâm Kim Dũng và Ngô Kim Huệ. |
Quá trình điều tra, Huệ thừa nhận có ký tên trên biên bản họp HĐQT quyết định mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và hợp đồng mua với giá 1.268 tỷ đồng, ký biên bản huỷ hợp đồng mua bán căn nhà... Bị cáo Huệ cũng xác định, thời điểm Ngân hàng Đại Tín mua căn nhà trên, HĐQT không họp mà chỉ làm biên bản đưa cho từng thành viên HĐQT ký. Huệ thừa nhận đã giúp sức cho bà Phấn chiếm đoạt ngân hàng số tiền 1.105 tỷ đồng và đề nghị làm rõ hành vi của bà Phấn, thu hồi số tiền trên.
Lâm Kim Dũng cũng là cháu của bà Phấn. Năm 2010, Dũng được bà Phấn thuê làm giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Lam Giang với mức lương 10,5 triệu đồng/ tháng. Dũng khai, bị cáo chỉ là giám đốc trên danh nghĩa, thực tế mọi hoạt động của công ty đều do bà Phấn chỉ đạo thông qua Bùi Thị Kim Loan, thư ký của bà Phấn.
Liên quan đến việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, Dũng khai không được bàn bạc hay thảo luận mà mọi hồ sơ thủ tục, văn bản, hợp đồng, chứng từ liên quan đến việc mua bán đều do bà Phấn chỉ đạo thông qua Loan. Dũng chỉ ký hồ sơ, chứng từ và hợp đồng do Loan đưa ký.
Số tiền 990 tỷ đồng ngân hàng chuyển trả khi ký hợp đồng mua căn nhà, Công ty Lam Giang và Dũng không sử dụng số tiền này mà bà Phấn mới là người sử dụng.
Ngô Nguyễn Đoan Trang (36 tuổi, nguyên Phó TGĐ phụ trách nguồn vốn tại Ngân hàng Đại Tín), cũng là cháu bà Phấn. Quá trình điều tra, Trang khai nhận có mở tài khoản cá nhân tại Ngân hàng Đại Tín - chi nhánh Sài Gòn và cho bà Phấn mượn tài khoản này để nhận tiền và chuyển tiền, đồng thời đứng tên vay giúp cho bà Phấn 154 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Tín để bà Phấn sử dụng.
Để tất toán các khoản vay này, Trang đã ký 9 phiếu thu khống trị giá 157 tỷ đồng để tất toán gốc và lãi khoản vay trên. Đồng thời, Trang còn có hành vi ký khống 12 chứng từ thu 202 tỷ đồng vào tài khoản của Trang để đứng tên mua cổ phần của Ngân hàng Đại Tín giúp bà Phấn, gây thiệt hại cho ngân hàng 202 tỷ đồng.
Ngoài 3 bị cáo trên, còn có hai bị cáo khác là Hứa Thị Bích Hạnh (nguyên phó phòng kế hoạch Ngân hàng Đại Tín, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (nguyên Phó phòng phụ trách ngân quỹ Ngân hàng Đại Tín - chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang) cũng là cháu ruột của bà Phấn, trong đó Trinh đồng thời là con ruột của bị cáo Lâm Kim Dũng. Hai bị cáo này cũng có hành vi giúp sức cho bà Phấn “rút ruột” Ngân hàng Đại Tín tổng số tiền 241 tỷ đồng.
Trong vụ án này, trước khi bị khởi tố, ngày 6-3-2017, bà Phấn nhập viện. Từ đó đến nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSND Tối cao nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng sức khoẻ để hỏi cung nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. Tuy nhiên, sau đó bà Phấn vẫn ký đơn tố cáo, kiến nghị và đơn kháng cáo...
Tại phiên toà lần này, bà Phấn vắng mặt dù quyết định đưa vụ án ra xét xử đã được HĐXX tống đạt tại bệnh viện nơi bị cáo đang điều trị bệnh. Trong khi đó, lấy lý do sức khoẻ, các luật sư bảo vệ cho bà Phấn đề nghị HĐXX hoãn phiên toà và tạm đình chỉ vụ án đối với thân chủ của mình. Đồng thời, các luật sư còn đề nghị HĐXX cho giám định lại sức khoẻ của bà Phấn.
Tuy nhiên, yêu cầu trên của các luật sư không được HĐXX chấp nhận. Theo HĐXX, yêu cầu của luật sư là không có căn cứ. Bởi lẽ, trước khi phiên toà diễn ra, toà án đã tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo tại nơi bệnh viện bị cáo Phấn đang điều trị.
Tại đây, bác sĩ điều trị bệnh cho bị cáo Phấn cho biết bị cáo đủ tỉnh táo, song đôi khi mới tiếp xúc được và bị bệnh béo phì, huyết áp, tiểu đường... Do tình trạng sức khoẻ của bị cáo như trên nên HĐXX không thực hiện việc áp giải đến tòa.
HĐXX khẳng định, việc bị cáo vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì quá trình xét xử HĐXX phải căn cứ vào tất cả các chứng cứ khác chứ không chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo. Hơn nữa bị cáo Phấn có đến 5 luật sư bào chữa tại phiên toà này nên quyền lợi của bị cáo không bị ảnh hưởng...