Triệt phá đường dây làm giả giấy tờ, con dấu và biển số xe lớn nhất từ trước đến nay

Chủ Nhật, 30/08/2020, 06:39
Đầu tháng 7-2020, Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện một số trường hợp sử dụng giấy tờ giả ở khu vực tiếp giáp giữa quận 9, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

Chiều ngày 25-8-2020, các trinh sát Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Phân viện Khoa học hình sự, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai và tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 - Công an TP. Hồ Chí Minh đã đồng loạt ra quân triệt phá đường dây chuyên sản xuất các loại giấy tờ và biển số xe giả do các đối tượng Nguyễn Thanh Sang, sinh năm 1993, ngụ quận 9; Trần Đức Toàn, sinh năm 1990, ngụ quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Dương, sinh năm 1989, ngụ phường Tân Biên, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và Nguyễn Thanh Phong, sinh năm 1976, ngụ tỉnh Vĩnh Long cầm đầu.

Trinh sát thống kê các loại giấy tờ, biển số xe giả.

Giúp việc đắc lực cho các đối tượng này còn có 15 đối tượng khác cũng đã được cơ quan bắt giữ. Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ hàng chục bộ máy vi tính, máy in, máy dập số cùng hàng trăm loại giấy tờ giả, bảng số xe và trên 1.000 con dấu của các cơ quan Nhà nước…

Khởi đầu một chuyên án

Đầu tháng 7-2020, Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện một số trường hợp sử dụng giấy tờ giả ở khu vực tiếp giáp giữa quận 9, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

Sau hơn một tháng liên tục lần theo dấu vết, đến đầu tháng 8-2020, các trinh sát đã xác định được đường dây sản xuất giấy tờ giả này được chia thành 4 nhánh với nhiều chân rết ở một số quận huyện tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai nên đã báo cáo lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự cho lập chuyên án đấu tranh dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thiếu tướng - Cục trưởng Trần Ngọc Hà và Đại tá - Phó Cục trưởng Lê Ngọc Phương.

Mặc dù đã nắm rõ quy luật hoạt động, nhưng do những nhánh trong đường dây này liên tục thay đổi địa điểm hoạt động, thuê người cảnh giới và tay chân phục vụ đắc lực cho hai đường dây này không thường xuyên tụ tập tại một điểm mà chỉ liên lạc với nhau qua mạng xã hội nên để hốt trọn ổ, các trinh sát buộc phải dành thêm thời gian theo dõi.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả thu giữ được tại nhà các đối tượng.

Chiều ngày 25-8, khi hồ sơ được củng cố chặt chẽ các trinh sát phối hợp đã đồng loạt ra quân tấn công, bất ngờ ập vào 8 địa điểm thực hiện lệnh bắt trong tình trạng khẩn cấp và khám xét nơi ở đối với các đối tượng cầm đầu là Nguyễn Trọng Dương, Trần Đức Toàn, Nguyễn Thanh Sang và Nguyễn Thanh Phong. Tiếp tục mở rộng, chiều ngày 26-8, các trinh sát bắt thêm 15 đối tượng khác trong đường dây, đồng thời triệu tập các đối tượng khác có liên quan lên làm việc, thu giữ rất nhiều loại tang vật có liên quan.

Tại một căn hộ chung cư nằm trên địa bàn phường Hiệp Phú, quận 9, TP. Hồ Chí Minh (là nơi ở của Nguyễn Thanh Sang), khi khám xét khẩn cấp, cơ quan Công an thu giữ 6 máy in màu, 2 dàn máy vi tính, 1 máy scan, 1 máy cắt giấy, 1 máy sấy, 11 phôi bằng đại học, 54 phôi chưa ghi nội dung cùng rất nhiều loại giấy tờ khác có liên quan. Riêng tại nhà của Trịnh Quang Trưởng ở phường Tân Biên, TP. Biên Hòa tuy không có thiết bị, máy móc in ấn, nhưng có rất nhiều phôi giấy tờ các loại được đối tượng này cất giấu trong tủ.

Cũng thời điểm này các tổ trinh sát khác ập vào nơi ở của Nguyễn Trọng Dương ở KP Tân Mai 2, phường Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và 6 địa điểm khác do các đối tượng Nguyễn Thanh Phong, Trần Đức Toàn điều hành được đặt ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Tại các điểm này, trinh sát thu giữ gần 50 bộ máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sản xuất giấy tờ giả, biển số xe giả, hàng ngàn loại phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bằng đại học, giấy phép lái xe ôtô và ô tô, giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô, mô tô...cùng nhiều biển số xe của một số tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt tại các địa điểm này, trinh sát còn thu giữ trên 1.000 con giấu giả của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Kiếm tiền tỷ bằng "nghề" sản xuất giấy tờ giả

Theo lời khai của Trịnh Quang Trưởng (đối tượng giúp việc đắc lực cho Sang), đầu năm 2020, khi đang đi tìm việc làm thì nhận được điện của người bạn cũ là Nguyễn Thanh Sang hẹn đi uống cà phê. Tại buổi gặp mặt này, Sang đề nghị Trưởng tham gia vào việc làm giấy tờ giả với tiền công được trả rất hậu hĩnh. Sau vài ngày suy nghĩ, Trưởng đã nhận lời và được Sang giao cho nhiệm vụ thiết kế quảng cáo trên các trang mạng xã hội, nhưng không dùng số điện thoại cũ mà mua một sim mới để cài đặt.

Một số đối tượng trong đường dây sản xuất giấy tờ giả bị bắt.

Nếu khách hàng nào ngỏ ý muốn đặt làm giấy tờ giả thì Trưởng chủ động đưa ra biểu giá theo quy định của Sang (tùy loại giấy tờ, bằng cấp…) và khi tiền được chuyển vào tài khoản thì thông báo tên tuổi, năm sinh, địa chỉ, giới tính của khách để Sang thiết kế và in ấn. Tính từ đầu năm 2020 cho đến thời điểm bị bắt, mỗi ngày các đối tượng sản xuất từ 8-10 giấy tờ giả bán cho khách, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Trọng Dương, Nguyễn Thanh Sang, Nguyễn Thanh Phong và Trần Đức Toàn đã khai nhận toàn bộ quá trình vi phạm pháp luật của mình. Theo lời khai của các đối tượng, đầu năm 2018, nhận thấy nhu cầu rất lớn của một bộ phận người dân về bằng cấp, giấy tờ các loại, nhưng không có hoặc không đủ điều kiện để có được nên đã lên mạng tìm mẫu giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô, mô tô, bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, đại học mang về thiết kế lại rồi in thử.

Sau khi thành công, các đối tượng lập tức tìm mua thêm máy vi tính, máy scan, máy in, máy sấy, máy cắt và đặt khắc một số loại con dấu giả của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương để đóng vào các loại bằng cấp, giấy tờ trước khi đem bán cho người đặt mua. Nhận thấy việc hoạt động độc lập không cho ra sản phẩm đa dạng nên đến giữa năm 2018, các đối tượng đã hẹn gặp mặt tại một địa điểm ở TP. Hồ Chí Minh và tại lần gặp này, tất cả cùng quyết định liên kết lại với nhau để sản xuất giấy tờ giả.

Máy móc thiết bị dùng để sản xuất giấy tờ giả.

Cũng tại buổi gặp mặt, các đối tượng đã thống nhất chia đường dây thành 4 nhánh, trong đó có nhánh chuyên làm giả bằng cấp các loại, nhánh làm giấy tờ tùy thân, nhánh làm giấy đăng ký xe mô tô, ô tô, đăng kiểm, giấy phép lái xe và nhánh chuyên về các loại giấy tờ liên quan đến đất đai… Khi có khách đặt mua loại giấy tờ nào đó, các quản lý đầu nhánh sẽ thông báo cho nhau để nhánh chuyên thiết kế loại giấy tờ phù hợp ấy sản xuất và lợi nhuận sẽ được chia đều cho tất cả.

Để nhanh chóng thu lợi, các đối tượng cũng quyết định mở rộng hoạt động bằng việc yêu cầu mỗi nhánh lập ra từ 2 đến 3 cơ sở đặt ở các địa bàn khác nhau. Song song với việc lập thêm cơ sở, các nhánh phải nhanh chóng thâu nạp thêm các đối tượng phù hợp để lắp ghép vào các mắt xích trong đường dây, đặc biệt ưu tiên những đối tượng giỏi về khả năng thiết kế quảng cáo trên các trang mạng để lôi kéo khách hàng trên khắp cả nước.

Đến đầu năm 2020, do có nhiều đối tượng trộm cắp yêu cầu ngoài làm giả giấy tờ, nếu sản xuất luôn được biển số xe các loại thì sẽ trả phí cao nên Dương, Phong, Toàn, Sang đã đặt mua máy dập, bộ khuôn chữ cái và bộ khuôn số từ 0 đến 9, sau đó hùn tiền mua một căn nhà ở khu phố Tân Mai, phường Phước Tân, TP. Biên Hòa để đặt các loại máy móc, thiết bị sản xuất biển số xe giả.

Cho đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã cho ra lò hàng ngàn loại giấy tờ giả bán cho khách mua, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.

Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng và triệu tập những đối tượng có liên quan đến đường dây này lên làm việc.

Đức Cương
.
.
.