Thạc sĩ dùng búa dạy vợ: Vẫn hẹn vợ kiếp sau!
Tôi đã khá hồi hộp trước khi gặp Nguyễn Văn Biên, vị thạc sĩ nông nghiệp vừa bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ về hành vi dùng búa đánh chết vợ. Không ngờ, Nguyễn Văn Biên thực thà hơn tôi tưởng, cái sự thực thà cộng một chút "ngẫn ngẫn" của một người làm khoa học.
Trước những đối tượng phạm tội mà không phải là đám lưu manh giang hồ, bao giờ tôi cũng phải chuẩn bị thật kỹ cho cuộc phỏng vấn, bởi những kẻ gây án bột phát, họ thường có vấn đề về tâm lý, đôi khi, để bắt được "mạch" của họ phải tốn khá nhiều thời gian, nhưng kết quả bao giờ cũng chỉ ở mức 50/50, hoặc họ sẽ thật thà tiếp chuyện, hoặc có thể cạy răng không nói một lời. Bởi vậy, tôi đã khá hồi hộp trước khi gặp Nguyễn Văn Biên, vị thạc sĩ nông nghiệp vừa bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ về hành vi dùng búa đánh chết vợ. Không ngờ, Nguyễn Văn Biên thực thà hơn tôi tưởng, cái sự thực thà cộng một chút "ngẫn ngẫn" của một người làm khoa học.
Ghét nhất cái tội làu nhàu(?!)
Nguyễn Văn Biên sinh năm 1958, từng có thời gian đi bộ đội, tham gia chiến dịch biên giới, sau này Biên học Đại học Nông nghiệp 2 và công tác ở Trung tâm nghiên cứu chè Phú Thọ, đến năm 1996 thì có bằng Thạc sĩ. Biên say sưa kể về công việc của mình trong phòng thí nghiệm để cho ra đời những cây chè năng suất cao, chất lượng tốt và những kĩ thuật tiên tiến áp dụng đại trà, say sưa đến quên mất mục đích chúng tôi gặp anh ta để làm gì. Người đàn ông nhỏ bé ấy vung tay nói về các loại chè, như thầy giáo giảng trên lớp. Vóc dáng của anh ta, gương mặt của anh ta, nụ cười hiền lành và có vẻ "ngẫn ngẫn" của anh ta quả đúng là phong cách của một ông thạc sĩ nông nghiệp.
Nơi Biên công tác cũng toàn những người hiền lành như anh ta, sau giờ làm việc, họ lại rủ nhau đi làm cốc bia hơi cho mát, thói quen khó bỏ của cánh đàn ông trước khi về nhà. Thói quen ấy, với những người vợ mát tính thì không có gì đáng phàn nàn, nhất là khi người chồng vẫn có trách nhiệm với gia đình, vẫn hoàn thành các công việc một cách chỉn chu, nhưng với vợ Biên - chị Nguyễn Thị Hồng Hà thì không vậy, chị khó chịu khi hầu như chiều nào chồng mình cũng về nhà muộn hơn giờ tan sở. Thực ra, chị lo cho sức khỏe của chồng, vì Biên vốn còm nhom ốm yếu chứ không được như người ta. Và chị cằn nhằn, làu nhàu, lải nhải trách móc chồng mỗi khi như thế. "Vợ tôi nói nhiều hơn người bình thường. Đi ngủ rồi cũng nói, đang ăn cơm cũng nói, đang tưới chè cũng nói. Xin lỗi rồi vẫn nói..." - Biên kể về thói quen cầy rầy của chị vợ.
Biên nói mình không uống nhiều, mỗi buổi chiều chỉ làm một hai chai bia, nhưng đều như vắt chanh, ngày nào cũng thế, thậm chí bữa nào cũng thế. Vợ anh ta về hưu từ năm 2010 và canh tác thêm vườn chè để tăng thu nhập. Hai cô con gái, một đã đi làm, một đang học Đại học Nông nghiệp năm thứ nhất, vì vậy, vợ Biên ở nhà cả ngày một mình, đó cũng là lý do vì sao chị muốn chồng về nhà đúng giờ. Nhưng Biên rất khó thực hiện điều đó, bởi đơn giản, anh ta nghĩ mình không có lỗi hoặc có thì lỗi đó rất bé, không đến nỗi ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.
Trưa 19/5, Biên và một vài người bạn đi nhậu. Khoảng 4h chiều, Biên về nhà sau khi đã uống hai chai bia. Hai vợ chồng ra mảnh vườn ươm chè phía sau nhà để tưới nước. Chị vợ lại bắt đầu hát bài ca muôn thuở, trách móc chồng chuyện bia rượu. Biên bỏ dở việc tưới chè và nói với vợ: "Thôi anh về nhà nấu cơm, em ở đây tưới nốt đi". Nấu cơm xong, Biên giục vợ lên gác tắm rồi ngồi bên dưới đợi cơm. Đến khi chị vợ tắm xong, vẫn mang bộ mặt nặng nề u ám xuống nhà, Biên bảo vợ ăn cơm thì chị này vùng vằng không ăn và hờn mát: "Anh thì cần gì ăn cơm". Vừa cầm bát khều được mấy đũa cơm, chị Hà lại đứng ngay bậu cửa, ngay gần bàn ăn và tiếp tục... làu bàu chuyện uống bia rượu của chồng.
Hai bên lời qua tiếng lại, Biên cáu tiết dọa vợ: "Tao tát cho một cái bây giờ", chẳng ngờ chị vợ đứng chống nạnh, thách thức chồng: "Anh có giỏi thì đánh chết tôi đi". Biên vớ luôn chiếc búa đinh và trút những dồn nén, bức bách bấy lâu nay vào những nhát búa, cho đến khi chị vợ nằm im bất động, Biên sực tỉnh sau giây phút điên loạn, anh ta thẫn thờ ngồi cạnh xác vợ, đầu óc trống rỗng. Phải rất lâu sau, Biên mới bấm được số gọi điện cho cô con gái lớn báo tin xấu. Con gái Biên liền gọi cho một người hàng xóm kiểm tra thông tin và chỉ vài phút sau thì Công an đến nhà.
Lần đầu cũng là lần cuối
Tôi ái ngại nhìn Nguyễn Văn Biên với bộ dạng nhỏ thó, càng nhỏ hơn trong bộ quần áo rộng, nhàu nhĩ. Biên chỉ cao đến cổ tôi, thế mà người đàn ông tưởng rất gầy yếu, hiền lành ấy đã nổi cơn thịnh nộ cướp đi sinh mạng người vợ vốn cũng rất hiền lành của mình. Biên ngồi xuống ghế đối diện, tôi bảo anh ta cứ xưng là "tôi" và gọi tôi là "chị" cũng được. Biên cũng không quá căng thẳng như tôi tưởng, ngược lại, anh ta đã xác định rất rõ ràng hành vi của mình là bột phát, và rất minh bạch trong suy nghĩ: Việc nó đã xảy ra rồi, không có cách gì làm khác được nên phải đối diện với nó thôi. Bởi vậy, cũng có lúc Biên cười rất... vô tư, tất nhiên đó chỉ là khoảnh khắc chúng tôi nói vài câu tếu táo giúp cuộc trò chuyện nhạt bớt những chi tiết nhạy cảm mà thôi.
- Một người chỉ quen với phòng thí nghiệm, với công việc nghiên cứu như anh, có thừa sự điềm tĩnh, vậy tại sao lại không điềm tĩnh được trước vợ?
- Do tôi bức xúc quá, không kìm chế được, trong người lại có chén rượu chén bia, vợ lại nói năng thách thức không vừa tai, đâm ra nó xảy ra thế.
- Mâu thuẫn lớn nhất của vợ chồng anh là gì?
- Tôi có thói quen uống bia sau giờ làm mới về nhà, vợ tôi lại không thích nên cứ càu nhàu, lằng nhằng, ca bài ca năm tháng.
- Thói quen đó xấu hay tốt?
- Cũng xấu.
- Thường thì mấy giờ anh về đến nhà?
- Khoảng 17h30 hoặc muộn hơn tí, nhưng ngày nào cũng thế, thành thói quen.
- Lúc vợ anh càu nhàu, sao anh không bỏ ra ngoài?
- Ô, tôi bỏ ra ngoài nhiều lắm chứ, hôm đó mà không khóa cổng thì tôi cũng bỏ ra ngoài nhưng tôi tìm mãi chìa khóa không thấy đâu.
- Có khi nào anh bị say rượu không? Tửu lượng của anh thế nào?
- Cũng một vài lần, có lần bạn bè đưa về, có lần tôi tự về được. Bình thường tôi chỉ uống một hai chai, còn nếu uống đông người cùng anh em bạn bè thì bao giờ mọi người về mình cùng về. Việc này xảy ra, chắc là cơ quan tôi ngỡ ngàng lắm. Vợ chồng tôi từ trước đến nay rất hạnh phúc.
- Anh có nghĩ uống nhiều rượu khiến anh bị ảnh hưởng thần kinh không?
- Có, nhưng phải trong một thời gian lâu chứ.
- Anh uống nhiều năm nay, vậy là mới hay lâu rồi?
- ... Lâu.
- Sau sự việc xảy ra thì anh làm gì?
- Tôi hốt lắm, ngồi mãi mới nghĩ ra gọi cho con gái, đầu óc lúc đó linh tinh beng.
- Hôm trước, tôi gọi điện cho cháu, con gái anh khóc nhiều lắm.
![]() |
Khóc khi nhắc tới con. |
- Vâng, nó thấy đột ngột quá mà. Tôi gọi cho cháu bảo: "Bố mẹ cãi nhau, bố lỡ đánh mẹ chết mất rồi, con bình tĩnh nhá. Nó hỏi tại sao, tôi chẳng nói được gì nữa". (rơm rớm nước mắt).
- Sao anh không bỏ trốn?
- Con người tôi làm khoa học mà. Tôi không giấu cái gì đâu, mình nhỡ rồi thì phải đối diện thôi.
- Gần 30 năm vợ chồng, anh đánh vợ mấy lần rồi?
- Đây là lần đầu tiên.
- Và cũng là lần cuối cùng!
- Im lặng.
- Vợ anh là người thế nào?
- Cô ấy nói năng rất nhẹ nhàng, nhìn cũng xinh xắn, vợ tôi làm bên bảo vệ thực vật. Ở trong xóm, gia đình tôi là gia đình kiểu mẫu, năm nào mà có danh hiệu gia đình văn hóa là gia đình tôi cũng được nhận. Nhược điểm lớn nhất của cô ấy là hay nói nhiều, làu nhàu. Có thời điểm tôi phải xin: Thôi anh xin em đi ra ngoài để anh ngủ, anh mệt lắm rồi cho anh nằm nghỉ, nhưng vợ tôi cứ đứng ở đầu giường lải nhải.
Hẹn kiếp sau chúng mình gặp nhau
- Sau sự việc của mình, anh có lời khuyên nào cho các đôi vợ chồng trong cuộc sống hiện đại không?
- Tôi rất ân hận về việc mình đã làm. Từ chuyện của mình, tôi mong là các mâu thuẫn giữa vợ chồng cần được xử lý thận trọng, nhất là trong lúc nóng nảy, lúc bức xúc không kìm chế được. Phải điềm tĩnh, nhất là những người có tính cục.
- Với các bà vợ?
- Đặc điểm chung của các bà vợ là hay lèo nhèo, xong việc rồi vẫn nói đi nói lại, xin lỗi rồi vẫn nói. Nói một câu là chồng đã hiểu rồi, người ta xin lỗi hoặc gật đầu rồi thì thôi, đừng bao giờ nói lại nữa. Các bà vợ nên cố gắng điều hòa không để xảy ra những cái to tát.
![]() |
Dẫn giải Nguyễn Văn Biên. |
- Anh muốn nói gì với vong linh vợ mình không?
- Sai lầm của anh, anh mong em tha thứ, hẹn kiếp sau chúng mình gặp nhau, còn giờ anh lỡ làng rồi, chỉ mong em phù hộ để anh nuôi con cho các con nó trưởng thành.
- Anh có nghĩ các con sẽ tha thứ cho mình không?
- Tôi nghĩ con tôi sẽ tha thứ cho tôi vì tình cảm tôi dành cho chúng nó lớn lắm, có khi còn nhiều hơn mẹ nó. Cả cuộc đời tôi đưa con từ bé đến lớn đi học. Tôi hướng dẫn con học hành, định hướng tương lai cho chúng nó. Bây giờ tôi rất yên tâm về sự trưởng thành của chúng nó. Các con tôi học cũng tốt, chị em bảo ban nhau chịu khó học lắm.
- Với ý thức pháp luật của mình, anh nghĩ sẽ phải đối mặt với chuyện gì trong tương lai?
- Trước mắt tôi phải cải tạo sửa chữa khuyết điểm, để có ngày được về giúp đỡ hai con.
- Với hai cô con gái, anh muốn nhắn nhủ gì?
- Bố có lỗi với mẹ, với các con. Bố sẽ cố gắng sửa chữa, mong các con tha thứ. Phương! Con thay bố chỉ đạo em trong giai đoạn bố chưa kịp giúp các con. Giờ bố chỉ biết dựa vào con, con cố gắng giữ gìn trong xã hội này, bố tin tưởng các con. Hẹn các con sau này sẽ ra giúp các con đến nơi đến chốn.
Gọi điện cho Phương, cô con gái lớn của Biên, cô bé khóc rất nhiều và cho biết, trong mắt hai chị em thì bố cô là một người cha mẫu mực, đáng kính, yêu vợ thương con. Những ngày vừa qua, lo tang lễ cho mẹ xong, cô trở lại cơ quan, em cô cũng đã đi học. Ngôi nhà giờ chỉ còn người dì sang thắp hương cho mẹ cô. Điều Phương sợ nhất bây giờ là phải quay về ngôi nhà của mình, nơi cô đã chứng kiến những kỉ niệm ngọt ngào của gia đình và cũng là nơi xảy ra sự việc đau đớn nhất... |