Sự 'tử tế' của gã tội phạm trốn lệnh truy nã

Thứ Bảy, 08/08/2015, 07:31
Tôi hứa với gã sẽ che mặt, dù gã là một tội phạm trốn truy nã về tội giết người. Bởi gã đã khẩn khoản: "Em có một con gái 9 tuổi, 6 năm qua cháu vẫn nghĩ bố mình là một người bố tốt, vẫn nghĩ rằng em đi công tác xa nhà. Giờ mà cháu biết được sự thật, em sợ…".

Tôi đã nói với gã, nếu cảm thấy cần thiết, tôi sẽ không viết về gã nữa, nhưng gã lại rụt rè đề nghị: "Em chỉ cần chị che mặt, còn câu chuyện về em, về những gì em đã gây ra, em nghĩ cũng nên viết báo để những người khác đọc được, may ra xem đó là một bài học". Không phải tôi "nghe lời" gã, mà vì nhận thấy, cuộc đời gã, hành động của gã, ngay cả trong lúc phạm tội, có điều gì đó rất trắc ẩn... Và vì thế, câu chuyện giữa tôi và gã đã diễn ra khá dài trong buổi sáng mưa rả rích.

Gã tên là Chu Mạnh Thắng, 40 tuổi, trú tại ngõ Nhà dầu, Khâm Thiên - bị Công an bắt trong một tình huống rất tình cờ. Hồi 15h ngày 23/7, khi đang làm nhiệm vụ tuần tra khu vực chợ hoa Quảng An, Công an phường Quảng An phát hiện một người đàn ông đang ngồi trên xe máy Wave có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra hành chính.

Đối tượng Chu Mạnh Thắng.

Người đàn ông xuất trình chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Hữu Tùng, SN 1981, ở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Trong túi quần bò bên trái của đối tượng, tổ công tác phát hiện có một con dao găm dạng gấp và trong cạp quần phía trước có một khẩu súng colt xoay tự chế, bên trong có 6 viên đạn.

Tại cơ quan Công an, gã đàn ông buộc phải khai tên thật là Chu Mạnh Thắng và thừa nhận chứng minh nhân dân là do gã nhặt được nên ghép ảnh mình vào để sử dụng. 6 năm nay, gã trốn lệnh truy nã về tội giết người của Công an quận Đống Đa. Hai kẻ đồng phạm (trong đó có em trai Thắng), đã trả án 6 năm nay, còn gã thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Nhưng cũng là 6 năm, gã chưa có một đêm nào được ngủ ngon giấc. Đến ngồi ăn sáng chỉ vài phút ngoài hàng phở cũng khiến gã giật mình thon thót.

Ban đầu, khi mới bị bắt, gã suy nghĩ lung lắm và chỉ muốn chết quách cho xong cái cuộc đời nhiều tội nợ này, nhất là khi gã nghĩ đến chuỗi ngày phía trước, không biết sẽ bị án chữ hay án số, nhưng được các anh Công an động viên, giáo dục, gã đã thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực. Gã cũng nhất định xin vào trại tạm giam sớm để ổn định và yên tâm chờ đợi những ngày tháng tới.

Cuối những năm 90, nhiều thanh niên như Thắng và em trai gã, bị cơn bão heroin đánh gục. Ngõ Nhà Dầu, Khâm Thiên, nơi anh em gã sinh sống, những năm ấy tìm con nghiện dễ hơn tìm người lương thiện. Chưa học hết lớp 12 thì anh em Thắng đều bỏ ngang, không nghề ngỗng lại nghiện ngập, chả còn cách nào khác là đi cướp giật. Dây chuyền, hoa tai được quy đổi ra hết heroin. Gây ra khoảng 8 vụ thì Thắng bị bắt, em trai gã cũng bị bắt sau đó về tội tương tự. Hai anh em đi thụ án gần như cùng thời gian.

Gần 6 năm ở Trại giam Phú Sơn (gã được giảm án 27 tháng), đến năm 2002 được về xã hội thì Thắng lấy vợ, sinh một bé gái. Cũng vào Nam ra Bắc làm ăn, đã bỏ được heroin, thậm chí bỏ luôn cả thuốc lá, nhưng mặt gã vốn dán chữ "tù" (như lời gã nói), đến năm 2009, gã cùng em trai và một kẻ nữa gây ra vụ án giết người rồi trốn bặt tích cho đến khi tình cờ bị Công an phường Quảng An bắt.

Thắng kể rằng, hôm đó là ngày giỗ bố gã, có mấy anh em trong họ hàng đến uống rượu. Trong họ nhà gã có đứa cháu nghịch ngợm, hay chơi bóng bánh, lô đề, lại được bọn chủ lô đề, cá độ "dễ tính" cho báo thoải mái, vì vậy thằng cháu này thường xuyên cầm đồ để lấy tiền thỏa mãn thú đỏ đen. Nó cầm hết mọi thứ, kể cả giày dép, xe cộ, và nhà nó thường xuyên bị bọn giang hồ đến đòi nợ.

Sẵn men rượu lại nhìn thấy kẻ trong nhóm mà anh em Thắng đang bức xúc, cũng đang ngồi uống rượu gần đó, (nhóm này thường cho đứa cháu báo nợ), anh em Thắng bèn ra nói chuyện phải trái, ý định ban đầu chỉ là xin lại cho thằng cháu đôi giày cắm mấy triệu. Ông anh họ của Thắng vào hỏi nhóm đối phương: "Thế bây giờ có trả đôi giày không?" thì gặp phải sự phản ứng của nhóm này.

Chu Mạnh Thắng khi mới bị bắt.

Cũng từng ra tù vào khám, lại sẵn tí máu hảo hán, Thắng nói: "Toàn anh em ở trong ngõ, tao đã bảo chúng mày đừng cho nó chơi, sao vẫn cho chơi?". Sau câu nói ấy thì em trai gã đá một phát vào đầu một kẻ trong nhóm bên kia, khiến cả bọn chạy tán loạn. Một lúc sau, tưởng mọi chuyện đã yên thì có một đối tượng cầm con dao to ở hàng phở, vung lên chém vào tay em trai Thắng. Đang cơn hăng máu, gã chạy đuổi theo. Đến khi kẻ kia bị ngã thì gã nhào tới dùng dao đâm vào người gây tử vong ngay lập tức. Sau đó, Thắng bỏ trốn, còn em trai gã và một kẻ nữa ra tự thú.

Quá trình trốn truy nã, ngoài công việc làm xe ôm chở khách thì thỉnh thoảng gã phải cướp giật để duy trì cuộc sống. Nhưng có lẽ gã là một tên cướp "tử tế" hiếm hoi khi gã thường gửi xe ôm mang trả cho nạn nhân giấy tờ tùy thân sau mỗi phi vụ. Và vì thế, tôi đã nói chuyện với gã đàn ông đầu đầy sẹo - chứng tích của những lần đánh nhau - về sự tử tế:

- Ngôi nhà ở ngõ Nhà Dầu của anh bây giờ có ai ở?

- Chỉ có mẹ em thôi. Bố em mất rồi, em trai em cũng mới mất mấy tháng nay trên trại. Ngày trước nó chơi ma túy cùng thời điểm với em, sau này cai được rồi vào Nam làm ăn một thời gian thì mới phát hiện ra nhiễm HIV. Còn vợ em đưa con về quê cô ấy để tiện cho công việc, chứ ở dưới Hà Nội thì nghề nghiệp của cô ấy không phát triển được, thành ra ở nhà chỉ có mình mẹ em.

- Anh bắt đầu cuộc đời tù tội từ năm nào?

- Năm 1997, em bị bắt về tội cướp giật. Em với 2 người nữa. Đi “ăn hàng” thì chỉ có em và một thằng, nhưng thằng cho bọn em mượn xe Viva cũng được chia nếu cướp thành công. Em gây ra 8 vụ thì bị Đội 5 của Phòng Hình sự bắt. Hồi đó, bọn em hay đi giật dây chuyền, được tiền lại mua ma túy hút hít. Em bị án 8 năm, sau được giảm 27 tháng. Năm 2002 em được ra trại rồi vào Sài Gòn cùng em trai (nó ra tù trước cũng tội cướp giật), làm ăn tử tế mấy năm rồi mới ra.

- 6 năm trốn chạy, chắc là có rất nhiều chuyện để kể?

- Em trốn lang thang khắp nơi, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội. Đi nơi nào cũng có bạn. Em chơi với bạn bè cũng tốt nên được nhiều bạn bè giúp.

- Có khi nào mò về nhà gặp vợ con không?

- Em không dám vì biết là khu vực xung quanh nhà sẽ được Công an để mắt tới. Nhất là những ngày lễ, Tết, dù rất nhớ vợ con nhưng em không dám về mà chỉ đứng từ xa ngắm con chơi đùa.

Đối tượng tại cơ quan Công an.

- Tại sao đi ngoài đường mà anh lại mang theo súng? Sợ bất chợt gặp kẻ thù à?

- Khẩu súng ấy em mua ở Lạng Sơn, bữa đó em lên chơi với bạn, được nó dẫn sang chợ Tân Thanh, mua 4 triệu. Đi đâu em cũng mang theo, để phòng thân, đề phòng va chạm ngoài đường.

- Nếu xảy ra va chạm ngoài đường, sao không nói lời xin lỗi hoặc chọn cách giải quyết nhẹ nhàng có tốt hơn không?

- Thực sự em rơi vào hoàn cảnh trốn chạy, em thường xuyên mất ngủ nên không nghĩ được gì sâu. Với lại, cuộc sống trong bóng tối của em thường gặp những người không tốt nên dễ "oan gia ngõ hẹp".

- 6 năm qua, điều gì làm anh day dứt đến nỗi đêm nào cũng mất ngủ?

- Em nghĩ nhiều về việc mình đã gây ra, và cũng nghĩ nhiều về gia đình. Em bị làm sao thì con em nó khổ, nó còn nhỏ quá. Đó cũng là lý do khiến em lưỡng lự có ra đầu thú hay không. Em định đợi nó lớn hơn chút nữa rồi sẽ ra trình diện. Với lại em vẫn nghĩ nếu ra đầu thú thì khi chết còn có người chôn, chứ lang thang vất vưởng thế này thì chả biết chết ở đâu.

- Ngoài công việc xe ôm thì anh còn làm công việc gì nữa, trong thời gian trốn lệnh truy nã?

- Thỉnh thoảng em phải đi cướp giật để có tiền. Nhưng em chỉ chọn những người phụ nữ để túi hớ hênh trên chỗ để chân xe ga, chứ không giật của những người đang khoác trên vai vì sợ họ bị ngã. Nếu trong túi họ có giấy tờ, em sẽ nhờ xe ôm gửi trả. Em cố gắng... “tử tế” để họ bớt oán thán em. Và làm thế em cũng thấy cảm giác đỡ tội lỗi hơn.

- Bây giờ vào đây rồi, không còn phải nơm nớp lo sợ một lúc nào đó bị bắt nữa, anh có thấy tinh thần khá hơn không?

- Lần đầu tiên trong 6 năm qua, em được ngủ ngon giấc. Em cũng béo lên mấy cân. Không tin, chị nhìn ảnh em hồi bị phát lệnh truy nã so với bây giờ thì biết. Hồi ở ngoài, biết tin em trai chết mà em không dám tìm lên trại. Cũng không dám mò đến mộ thắp cho nó nén hương vì sợ bị theo dõi. Nhớ con cũng không dám gặp... Chui lủi như một con chuột sợ ánh sáng. Ngồi đợi khách đi xe ôm thì phải đeo khẩu trang cả ngày.

- Vợ anh là người như thế nào?

- Cô ấy là con gái tỉnh lẻ, ngoan và rất tốt. Những năm qua dù vợ chồng không ở cùng nhà nhưng bọn em vẫn yêu thương nhau. Em nợ vợ em nhiều quá… Nếu may mắn, em chỉ mong được đi trả án thật nhanh để sau này có cơ hội bù đắp cho mẹ con cô ấy.

Đinh Hiền
.
.
.