Phận vợ lẽ con rơi của người đàn bà lĩnh án chung thân vì ma túy

Thứ Hai, 28/10/2019, 21:24
Hận người chồng đầu ăn chơi, đổ bệnh cho vợ, Hiền giao du với những thành phần bất hảo để rồi trở thành cánh tay đắc lực cho một giang hồ trong việc buôn bán, vận chuyển ma túy.

Nổi tiếng là xinh gái, chịu chơi nhưng cuộc đời của Hoàng Thị Hiền (SN 1974 ở Cao Lộc, Lạng Sơn), kể từ tuổi cập kê đến giờ chỉ là những lận đận, truân chuyên. Hận người chồng đầu ăn chơi, đổ bệnh cho vợ, Hiền  giao du với những thành phần bất hảo để rồi trở thành cánh tay đắc lực cho một giang hồ trong việc buôn bán, vận chuyển ma túy.

Hai cuộc tình trắc trở

Đẹp, sắc sảo nhưng những lời tâm sự của Hiền về cuộc đời, nhất là chuyện tình duyên cho thấy cô ta chân thành đến ngờ nghệch. Nữ phạm nhân có mức án dài này thẳng thắn thừa nhận lấy người chồng đầu vì gán ghép, bỏ vì hận nhưng khi đến với người thứ hai thì lại yêu một cách mù quáng.

"Tôi hận chồng vì anh ấy đi lăng nhăng bên ngoài về đổ bệnh cho tôi. Nếu tôi cam chịu thì đã yên phận là một người chuyên đánh hàng quần áo ở biên giới đưa về Lạng Sơn, Bắc Ninh tiêu thụ. Tôi không đổ lỗi nhưng bây giờ nghĩ lại, vẫn còn giận lắm", Hiền tâm sự.

Hiền là con cả trong một gia đình có 4 chị em, bố là người gốc Hoa, mẹ làm nghề giò chả, chuyên bán hàng ở chợ Đồng Đăng (Cao Lộc, Lạng Sơn). Hiền bảo, mẹ cô là một phụ nữ đẹp, đảm đang và bố ngày trước cũng thuộc diện đẹp trai, nhưng vì chuyện làm ăn luôn thất bát mà trở nên bi quan, tiêu cực. Suốt ngày ông uống rượu tới say xỉn rồi gây sự với vợ con. 

Tuổi thơ của Hiền gắn liền với những trận cãi chửi nhau của bố mẹ; những buổi đang học trên lớp, nghe tin mẹ bị bố đánh là vội vàng chạy về "cứu mẹ",… Hay những bữa cơm chưa khi nào vui vẻ bởi nếu bố không chửi bới thì thế nào cũng bát vỡ, đĩa bay… Dù đã quyết tâm học nhưng đến năm lớp 7 thì Hiền nghỉ.

"Ngày ấy, mỗi lần chườm lá láng vào chỗ đau cho mẹ, tôi tự nhủ sẽ cố gắng học để sau này làm bác sỹ, chăm sóc sức khỏe cho mẹ. Tôi khao khát được khoác trên người tấm áo blu trắng cũng vì một ước muốn cai rượu cho bố, nhưng vì hoàn cảnh mà tôi đã bỏ dở", Hiền kể.

Phạm nhân Hoàng Thu Hiền.

Thời điểm Hiền đang học lớp 7 thì mẹ ốm nặng, thêm trận đánh của bố mà nằm bệt luôn. Mẹ nằm liệt giường, bố suốt ngày đánh đu với chai rượu, Hiền không thể làm ngơ trước cảnh nhà nên nghỉ học để đi chợ bán hàng thay mẹ. 

Cứ nghĩ chỉ vài ngày thôi, nào ngờ mẹ ốm liền hai tháng và Hiền không thể quay lại lớp tiếp tục học được nữa. Cô cũng có ý định năm sau sẽ đi học lại nhưng rồi phần vì ngại, phần vì xấu hổ và cơ bản là lúc đó cũng thành thạo việc bán hàng nên Hiền đã nghe theo lời mẹ, ở nhà bán hàng. Khi được mẹ cho một chút vốn làm ăn, Hiền quyết định đổi nghề vì không muốn lặp lại cuộc đời như mẹ.

"Tôi theo chúng bạn vượt biên lấy hàng thời trang về đổ buôn cho khách ở chợ Đông Kinh, một vốn bốn lời nhưng lời to nhất chính là ông chồng quê Bắc Ninh", Hiền hài hước.

Theo lời Hiền kể thì cô gặp người chồng đầu qua những lần cùng vượt biên đánh hàng, đến với nhau vì sự vun vào của bạn bè. Người chồng, hơn Hiền 10 tuổi, khá đẹp trai và được nhiều cô gái săn đón, chiều chuộng. 

Hiền đã từng tự hào khi được anh để mắt tới, nhưng khi cưới nhau rồi, chưa đầy một năm sau, trong cô chỉ còn sự hận thù. Sự hận thù ấy, theo lý giải của Hiền là do chồng không chung thủy, quan hệ bừa bãi nên đã đổ bệnh cho vợ. Hiền không biết việc đó cho tới khi mang bầu được 5 tháng.

"Tôi đi khám thai và được bác sĩ thông báo về tình trạng bệnh tật của mình. Giận chồng, tôi hận đời mình đã quá giữ gìn để rồi lấy phải kẻ phản bội. Và tôi đã chọn cách sống buông thả để trả thù", Hiền kể.

Chọn con đường sống gấp, Hiền nhanh chóng gia nhập vào một đường dây mua bán ma túy và chỉ một thời gian ngắn sau thì cô bị bắt. Thời điểm bị bắt, Hiền vừa sinh đứa con trai thứ hai.

Ngày bước chân vào trại cải tạo cũng là ngày Hiền chính thức được tòa giải quyết dứt điểm việc ly hôn. Hai đứa trẻ được bố đưa về Bắc Ninh sinh sống. Hỏi Hiền gặp người chồng thứ hai vào thời điểm nào, chị ta bẽn lẽn: "ngay sau khi tôi được đặc xá trở về".

Năm 2005, Hiền được ra tù theo diện đặc xá. Cô quay về Đồng Đăng, kiếm sống bằng nghề bán giò chả của mẹ nhưng mong ước hoàn lương của cô đã không được các bạn tù buông tha. 

Sự lôi kéo, mời mọc và cả những tỉ tê đã khiến Hiền, chỉ một thời gian chỉn chu với cái nghề lao động chân tay rồi quay lại con đường cũ. Lần này Hiền hoạt động mạnh hơn, số ma túy mỗi lần vận chuyển cũng nhiều hơn. 

Cuối năm 2007, Hiền bị bắt và chịu mức án tù chung thân do thời điểm đó cô ta đang mang thai tháng thứ 8. Đứa bé này, theo lời Hiền là kết quả của mối tình mà cô ta trao cho một người đàn ông đã có vợ.

"Cho dù thế nào thì ngay cả bây giờ tôi chưa một lần trách giận anh ấy. Có thể với người chồng đầu tôi đã quá so đo, còn người này thì không nhưng biết làm sao được, chuyện tình cảm thường hay thiên vị mà", Hiền cười.

Theo lời nữ phạm nhân này tâm sự thì một năm sau ngày Hiền bị bắt, nhân tình của chị ta và cũng là bố của đứa con ngoài giá thú của Hiền cũng sa lưới pháp luật về tội lưu hành tiền giả. 

Năm 2013, người này được đặc xá tha tù trước thời hạn. Ngày trở về quê, người đàn ông này đã đón đứa con do Hiền sinh ra, đưa về nhà cho vợ chăm sóc. Hiền cảm động vì điều đó. "Có thể anh ấy thiếu trách nhiệm với em nhưng lại vô cùng có trách nhiệm với đứa con riêng. Nghe tin cháu ngoan, học giỏi là em quên hết mọi chuyện".

Những bệnh nhân đau ốm được các y bác sĩ trạm xá trại giam thăm khám.

Và nỗi day dứt về những đứa con

Phụ nữ cứng rắn đến mấy, nhắc đến con cái là rơi lệ. Hiền cũng là trường hợp không ngoại lệ. Đang bồi hồi với mối tình ngang trái, xen lẫn tự hào về đứa con trai út ngoan ngoãn, học giỏi, đôi mắt Hiền chợt thoáng buồn. Chị ta, bảo nhắc đến con, Hiền lại chạnh lòng nhớ đến hai cậu con trai lớn, giờ đang sống với ông bà ngoại.

"Con trai lớn của em học xong đi làm rồi, chỉ có đứa thứ hai là dở dang. Ba năm nay mẹ con chưa gặp nhau, không biết cháu thế nào", Hiền bật khóc.

Theo lời Hiền kể thì sau khi được bố đón về Bắc Ninh sống với ông bà nội, hai con Hiền đều sống rất vui vẻ. Nhưng từ khi bố lấy vợ mới thì anh em chúng phải mỗi đứa một nơi. Thằng lớn lên Lạng Sơn sống với ông bà ngoại còn đứa em ở với bố và mẹ kế. Thi thoảng nghỉ hè, hai anh em lại được bố cho đến thăm nhau và thăm luôn cả người mẹ trong trại cải tạo.

"Cách đây 3 năm, chồng cũ có lên thăm em kể chuyện con trai có dấu hiệu trầm cảm. Em sốc lắm vì không ngờ con sống với cả bố và mẹ, được cho ăn học hơn anh nó mà lại trầm cảm. Đến khi biết nguyên nhân, em giận chồng cũ lắm. Anh ấy cũng rất ân hận nên năm nào cũng vào đây thăm em, chuộc lỗi nhưng em không chấp nhận", Hiền kể.

Cán bộ Trại giam Ngọc Lý kiểm tra nơi ăn ở của các phạm nhân.

Cậu con lớn học đến lớp 10 thì nghỉ vì không theo được. Ở nhà phụ bà bán hàng một thời gian, giờ thanh niên này đang làm thuê cho một cửa hàng bán mỹ phẩm. Cậu con trai thứ hai sống với bố từ nhỏ, học đến lớp 12 thì bố bắt đi làm cho một công ty điện tử gần nhà. 

Không muốn bỏ học, cậu bé gọi điện cho bà ngoại và được mẹ của Hiền "xui" xin bố lui đến hết năm học nhưng không được chấp thuận. Tiêu cực, cậu bỏ về sống với bà ngoại nhưng tránh mọi cuộc tiếp xúc.

"Tháng nào được gọi điện về nhà, người đầu tiên em nghĩ tới là đứa con trai này nhưng con không chịu nói chuyện với mẹ. Mọi người có động viên thì nó cũng chỉ nghe chứ không trả lời. Em không biết có phải con trầm cảm hay nó đang hận bố mẹ không nữa", Hiền khóc.

Nữ phạm nhân này cho rằng, có thể việc bố lấy vợ đã làm con trẻ tổn thương và hành động cương quyết bắt con đi làm giống như giọt nước tràn ly, tước đi hy vọng cuối cùng của đứa con vốn đã thiếu thốn tình cảm của người mẹ. 

Nghĩ thế, Hiền lại trào nước mắt. Cô ân hận vì những gì mình đã làm lúc tuổi trẻ. Sự hiếu thắng, lòng hận thù, được thua với người chồng kết tóc xe duyên đã khiến cô không nghĩ tới hậu quả mà bây giờ các con phải gánh chịu.

Vĩnh Hà
.
.
.