Những thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao

Thứ Hai, 22/10/2018, 16:25
Thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng khá phức tạp, liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn gây án. Để ngăn chặn loại tội phạm này, Phòng Cảnh sát Kinh tế (CSKT) Công an TP HCM đã lên kế hoạch phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an các quận, huyện, chủ động đấu tranh triệt phá hàng trăm băng nhóm, bắt nhiều đối tượng đưa ra xử lý trước pháp luật…


Theo Thiếu tá Cù Huy Anh - Phó Đội trưởng Đội 1, Phòng CSKT Công an TP Hồ Chí Minh, từ năm 2016 đến nay, đơn vị tiếp nhận giải quyết 644 đơn tố giác, tin báo liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, gây thiệt hại 235 tỷ đồng và trên 3 triệu USD.

Qua điều tra đã khởi tố 451 vụ án với 61 bị can; đã kết luận điều tra truy tố 17 vụ, 39 bị can về các tội sử dụng mạng viễn thông, internet hoặc thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức, chiếm giữ trái phép tài sản…

Nguyễn Văn Đô bị Công an TP. Hồ Chí Minh bắt giữ về tội lừa đảo sử dụng công nghệ cao.

 Các đối tượng tạo, sử dụng các tài khoản ảo, tạo dựng các phần mềm bẻ khóa xâm nhập vào các tài khoản, hộp thư điện tử, email của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đánh cắp thông tin, tài liệu. Sau đó sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản của chủ tài khoản, hộp thư điện tử. 

Thủ đoạn phổ biến hiện nay là các đối tượng người gốc Phi sử dụng phần mềm bẻ khóa xâm nhập email của doanh nghiệp, đánh cắp thông tin hợp đồng mua bán với khách hàng, sau đó tạo lập địa chỉ email giả mạo (gần giống email thật) và gửi thông tin yêu cầu doanh nghiệp mua hàng (kể cả Việt Nam và nước ngoài) chuyển tiền thanh toán vào tài khoản ngân hàng do chúng lập ra để chiếm đoạt.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại, đối tượng mạo danh là điều tra viên, cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án tạm lắng xuống do bị triệt phá nhiều, cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo đến người dân. Tuy nhiên, công tác đấu tranh, điều tra truy xét với các loại tội phạm lừa đảo này gặp nhiều khó khăn do bọn chúng có sự thay đổi phương thức thủ đoạn. 

Cụ thể trước đây, sau khi đưa ra các thông tin về việc bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy, rửa tiền mà cơ quan Công an đang tiến hành điều tra, chúng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản mà chúng thuê người mở sẵn tại các ngân hàng sau đó chuyển lòng vòng qua nhiều ngân hàng khác rồi dùng thẻ ATM rút ngay tại TP. Hồ Chí Minh. 

Hiện nay, sau khi hù dọa, chúng yêu cầu họ mở tài khoản Internet Banking mang chính tên bị hại nhưng theo số điện thoại của chúng, sau đó chuyển tiền vào với lý do: “để kiểm tra nguồn tiền có sạch hay không…?”. 

Nhóm đối tượng  người Thái Lan bị bắt quả tang về tội giả danh Công an lừa đảo.

Với chiêu thức này, bọn lừa đảo tạo niềm tin giả tạo cho bị hại rằng nộp tiền vào tài khoản của mình  thì chắc ăn như bắp mà không ai có thể rút ra được, nhưng thực tế khi cài số điện thoại của chúng vào tức là mọi thông tin về tài khoản đều nắm được bất kỳ lúc nào chúng muốn và sau khi kiểm tra thấy có lượng tiền lớn, chúng thực hiện lệnh chuyển tiền bằng Internet Banking vào tài khoản mà chúng thuê những người đứng tên ở các ngân hàng tại khu vực các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh hoặc cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)… để có thể nhanh chóng tẩu thoát sang kia biên giới khi bị phát hiện.

Điển hình như vụ việc xảy ra vào ngày 29-9-2018, Công an quận 6, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận tố cáo của bà Huỳnh Dương Thị Diễm Ch. với nội dung vào khoảng 12 giờ ngày 28-9-2018, trong lúc đang làm việc tại công ty J SJ nằm trên địa bàn quận 1, bà nhận được cuộc điện thoại gọi vào máy bàn. Đầu dây bên kia là một phụ nữ tự xưng nhân viên Bưu chính viễn thông Đà Nẵng thông báo có một kiện hàng mang tên bà Ch. gửi đi Anh Quốc, nhưng không có người nhận, kiểm tra bên trong có 100 thẻ ngân hàng mang tên bà.

Khi bà Ch. từ chối tiếp tục nói chuyện vì cho rằng mình không gửi bất cứ loại hàng hóa nào đi nước ngoài và không liên quan gì đến kiện hàng kia thì đầu dây bên kia trả lời đã trình báo Công an Đà Nẵng để điều tra làm rõ  rồi bảo bà bà Ch. nếu không chịu hợp tác thì  sẽ lập tức bị bắt. 

Không để cho bà Ch. kịp có thời gian suy nghĩ, cô gái kia chuyển ngay máy cho một người đàn ông tự xưng là Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, hiện đang công tác tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng yêu cầu bà cung cấp số điện thoại di động.

Để tạo lòng tin nơi bà Ch., ít phút sau, hai số điện thoại 84000236113 và số +840236113 gọi vào máy điện thoại di động của bà. Vẫn giọng “Đại úy Tuấn” yêu cầu bà thao tác bấm nút kết nối để kiểm tra tên đơn vị sử dụng số điện thoại  và khi bà Ch. hoàn tất thao tác thì trên màn hình thông báo:  “Số điện thoại quý khách đang liên lạc đến từ cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng”. 

Đang bối rối, bà Ch. bị tên… “Đại úy” kia bồi tiếp rằng tên bà được sử dụng mở 2 tài khoản tại hai ngân hàng Vietcombank và BIDV Đà Nẵng và thường xuyên chuyển tiền qua lại với các đối tượng trong đường dây ma túy lớn và rửa tiền. Trong hai tài khoản có tổng cộng 6,8 tỷ đồng nghi là tiền do phạm tội mà có nên muốn chứng minh mình trong sạch, không bị bắt vào tù thì chuyển số tiền tương ứng vào tài khoản 5150105702008 tại ngân hàng MB Bank Lạng Sơn mang tên Mã Văn Thụ đề điều tra xem xét.

Quá lo sợ, bà Ch. lập tức xuống tầng trệt tòa nhà rút tiền 1,170 tỷ đồng chuyển theo yêu cầu của Tuấn. Sau khi kiểm tra thấy đã có tiền, chúng yêu cầu bà Ch. phải chuyển thêm 500 triệu vào tài khoản 105868856566, ngân hàng Vietinbank Lạng Sơn nên bà Ch. phải chạy về nhà lấy sổ tiết kiệm mang tất toán rồi chuyển cho chúng từ ngân hàng Vietcombank Bình Tây ở số 129 Hậu Giang, quận 6.

Nhóm đối tượng lừa đảo người Đài Loan (Trung Quốc) bị bắt giữ.

Sau khi chuyển xong tiền trở về nhà, bà Ch. ngồi suy nghĩ lại và chợt nhớ từng vài lần đọc tin nhắn cảnh báo của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc cảnh giác với các đối tượng lừa đảo qua mạng có nội dung na ná vụ việc của bà nên bà tức tốc quay lại hai ngân hàng kiểm tra số tiền vừa chuyển. 

Tại ngân hàng thương mại nơi tòa nhà bà làm việc, sau khi kiểm tra, nhân viên ngân hàng thông báo cho bà biết số tiền 1,170 tỷ đồng đã được rút hết và số tài khoản trên cũng vừa bị khóa, còn tại Vietcombank chi nhánh Bình Tây, số tiền 500 triệu bà vừa chuyển đã bị đối tượng rút gần hết, chỉ còn lại 35 triệu đồng. 

Trong vài giờ đã bị lừa mất số tiền lớn, bà Ch. chết lặng, tay chân run lẩy bẩy không nói được lên lời và chỉ đến khi nhân viên ngân hàng khuyên bà nên trình báo Công an thì bà mới vội vã đón xe ôm đến Phòng CSKT Công an TP. Hồ Chí Minh trình báo.

Một vụ lừa đảo khác xảy ra trước đó không lâu nhưng đối tượng lừa đảo sử dụng chiêu thức ranh ma hơn khiến nạn nhân tin và chỉ đến khi có bạn thân giải thích bị lừa và tiến hành kiểm tra tài khoản của chính mình thì mới đến cơ quan Công an trình báo. Theo thông tin từ Công an quận 8, TP. Hồ Chí Minh, vào lúc 13h30 chiều ngày 1-9-2018, trực ban hình sự tiếp nhận trình báo của bà Lâm Thị Thiên T. với nội dung: Vào lúc 9h00 ngày 31-8-2018, trong lúc đang trực lễ tân tại công ty TNHH kế toán Kim Thủy thì chuông điện thoại bàn réo vang. Vừa bắt máy, đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông xưng tên Hùng là cán bộ cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đọc đúng họ tên, địa chỉ nơi ở và nơi làm việc của bà T. Tiếp đến Hùng thông báo với bà về việc đang phối hợp với Viện kiểm sát tối cao điều tra vụ mua bán trái phép chất ma túy, buôn lậu và rửa tiền, trong đó bà là đầu mối quan trọng trong đường dây rồi cúp máy.

Đang ngẫm nghĩ tại sao người tự xưng là cán bộ điều tra kia biết rõ ngọn ngành về mình như vậy, chắc có vấn đề gì liên quan chăng và có thể đó là Công an thật thì bà tiếp tục nhận điện thoại một người đàn ông khác nói cùng là cán bộ điều tra như Hùng, đang làm việc với Viện Kiểm sát tối cao để điều tra vụ việc liên quan đến hành vi phạm tội của bà và yêu cầu bà bấm vào một nút trên điện thoại để kiểm tra xem có đúng là số máy của VKSTC không thì tiếp tục nói chuyện. 

Sau khi thao tác, bà T. xác nhận tên đơn vị thuê bao máy thì đối tượng yêu cầu bà nếu muốn chứng minh mình trong sạch thì ra ngân hàng Techcombank mở một tài khoản mang tên bà, đăng ký dịch vụ Internet Banking theo số điện thoại của chúng là: 01287819411 rồi nộp 985 triệu đồng vào đó để điều tra. 

Từng nhiều lần được đọc và nghe cảnh báo về lừa đảo nên bà T. ngồi suy nghĩ, nhưng  thấy tài khoản mang tên mình thì không ai có thể rút tiền ra được và cũng chẳng ai lừa đảo được mình nên bà lập tức đến Techcombank ở số 338 - 340 đường Liên tỉnh 5, phường 6, quận 8 mở tài khoản rồi nộp tiền vào. Khoảng 30 phút sau, khi về đến nhà, bà T. cẩn thận mở thông tin tài khoản ra xem thì phát hiện chỉ còn 185.910.000 đồng nên lập tức thông báo cho nhân viên ngân hàng ngăn chặn, sau đó đến Công an quận 8 trình báo.

 Ngoài loại hình lừa đảo bằng công nghệ cao, thời gian qua loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “bẫy tình” có chiều hướng gia tăng trở lại. Bọn chúng thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Line, Tango, Wechat… giả danh người nước ngoài để nhắn tin làm quen, giao lưu, kết bạn, đặt vấn đề tình cảm nam nữ, sau đó vờ chuyển tiền, quà có giá trị lớn về Việt Nam rồi liên lạc qua email, điện thoại để đánh vào lòng tham, dẫn dụ người bị hại thực hiện chuyển tiền thanh toán cước phí vận chuyển, tiền thuế, phí Hải quan vào các tài khoản do chúng tạo ra, sau đó chiếm đoạt. 

Hầu hết các vụ lừa đảo với phương thức, thủ đoạn này đều do các đối tượng người gốc Phi chủ mưu, cầm đầu có sự móc nối với các đối tượng nữ là người Việt Nam để đóng vai nhân viên giao nhận, nhân viên Hải quan và thuê các đối tượng người Việt Nam đứng tên mở tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Thiếu tá Cù Huy Anh cho biết, để đấu tranh, triệt phá đối với các băng nhóm tội phạm này, ngoài những biện pháp phòng ngừa đã triển khai trước đây, thời gian qua phòng CSKT Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an quận, huyện tuyên truyền sâu rộng đến các chi nhánh, phòng giao dịch các ngân hàng trên toàn thành phố. 

Khi phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn, nhân viên giao dịch bí mật báo ngay cho Công an quận, huyện nơi có trụ sở hoạt động để phong tỏa tài khoản, tiến hành điều tra. Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị vũng đã ký nhiều văn bản gửi các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền, phối hợp với các nhà mạng VNPT, Vina, Mobi, Viettel, Beeline, Việt Nam Mobi… thường xuyên gửi tin nhắn cảnh báo đến các đầu số thuê bao, phối hợp với các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, tổ dân phố tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các tầng lớp nhân dân nhằm giúp họ nâng cao cảnh giác, biết cách nhận diện đối tượng lừa đảo, tích cực phối hợp với cơ quan Công an để đấu tranh ngăn chặn.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, có lòng tham, ảnh hưởng lối sống ảo trong quá trình tham gia mạng internet…nên bọn tội phạm mạng triệt để lợi dụng. Chính vì vậy, Phòng CSKT Công an TP Hồ Chí Minh mong muốn nhận được sự hợp tác sâu, rộng hơn nữa của quần chúng nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp cần nêu cao cảnh giác và khi có nghi vấn về đối tượng lừa đảo phải báo ngay cho đơn vị Công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đức Cương
.
.
.