Những sắc màu của khát vọng hoàn lương
Niềm tin hiện thực
Hơn 200 bức tranh, hơn 200 sắc màu của sự sám hối, của khát vọng được hoàn lương. Có lẽ, đó là một góc khuất trong tâm hồn của các phạm nhân trên con đường hướng về nẻo thiện. Nhiều bức tranh thể hiện sự tài hoa và chuyên nghiệp của người vẽ tranh đạt đến độ. Nhưng có lẽ, cảm xúc ở đây là những vệt sáng được khơi lên phía sau màn đêm của bóng tối tội lỗi.
Có một điều ám ảnh trong các bức tranh của họ, đó là hình ảnh những người thân yêu, bóng dáng về cuộc sống đời thường mà họ đã đánh mất trong cuộc đời lầm lỡ của mình. Nhiều bức tranh khiến chúng tôi xúc động, bởi ở đó các phạm nhân đã thể hiện được những vẻ đẹp bình dị của đời sống. Cái đẹp ẩn tàng trong những tâm hồn tưởng như đã bị bào mòn bởi tội ác, lòng tham…
Đó là Niềm tin hiện thực của Trần Như Toản, Trại giam Phú Sơn 4, tác phẩm đạt Giải Đặc biệt. Tôi không tin khi bức tranh đó được vẽ nên bởi một phạm nhân phạm tội giết người. Những nét vẽ tài hoa, có tìm tòi trong ý tưởng sáng tạo. Niềm tin hiện thực không nặng về mô tả một cảnh sinh hoạt nào đó, mà mang tính hình tượng cao, về khát vọng sống của một phạm nhân.
Và có lẽ, trong những ngày đối diện với chính mình trong phòng giam, Toản đã nhận ra ranh giới mong manh giữa tội ác và lương thiện, giữa cuộc sống bình yên và nhà tù. Bức tranh có sự tương phản giữa hai mảng màu sáng tối của đời sống, được ngăn cách bằng một con đường. Bên này là nhà tù với những tù nhân đang lặng lẽ làm việc, cải tạo.
Phía bên kia là bầu trời xanh với những cánh chim tự do, là hình ảnh bình yên của những ngôi nhà với những người thân yêu, là mẹ, là vợ và những đứa con. Khoảng cách giữa hai thế giới biệt lập ấy, mong manh lắm, chỉ là một con đường mà thôi. Chỉ một bước chệch khỏi con đường, sẽ rơi vào phía bên kia bờ vực của cuộc đời. Đó chính là sự nhận thức về ranh giới mong manh giữa cái ác và cái thiện, là giấc mơ về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Bức tranh được giải đặc biệt Niềm tin hiện thực của phạm nhân Trần Như Toản- Trại giam Phú Sơn 4. |
Hầu hết các bức tranh đều được vẽ bằng những gam màu nóng, gợi nên sự ấm áp, vui tươi. Nhưng không rơi vào minh họa hay cổ động buồn tẻ. Mà ở đó, những mảng màu vẫn ấm lên sự sống, một sự sống gần gụi đời thường mà họ đã từng có, từng sở hữu. Đó là Môi trường thân thiện của Nguyễn Thế Năng, bức tranh được giải Nhất. Bạn đã bao giờ ươm mầm một cây xanh.
Và cảm giác của bạn lúc đó ra sao. Ba con người - ba phạm nhân - ba thực thể sống động trong bức vẽ cùng chăm sóc một cây non xanh biếc. Mầm cây non tượng trưng cho những điều thiện đang ấp ủ trong con người các phạm nhân mà vì lý do nào đó, đã có lúc họ bỏ quên hoặc chưa kịp làm.
Những dòng nước tưới mát lành thể hiện cho những việc tốt mà những con người từng có một thời lầm lỗi ấy đang làm hàng ngày, từ việc nhỏ nhất. Họ cùng hành động và cùng chung một niềm tin, rằng những mầm thiện đang bắt đầu sinh sôi, nảy nở, ngày càng nhiều trong tâm hồn họ.
Hay đơn giản chỉ là nhớ, một cảm giác thật rõ rệt đối với tất cả những ai đi xa nhà, đặc biệt là với các phạm nhân. Nhưng nỗi nhớ trong Khát vọng và niềm tin của phạm nhân Hoàng Anh Định ở trại gian Đồng Sơn lại mang một ý nghĩa khác. Nỗi nhớ người vợ và hai đứa con thân yêu còn nhỏ dại luôn chất chứa trong tâm hồn người chồng, người cha mặc áo sọc.
Ngôi nhà với ô cửa, với từng chi tiết liên quan đến ngôi nhà ấy dường như lúc nào cũng hiển hiện trong từng giấc ngủ, từng suy nghĩ của "tác giả". Nơi ấy, anh đã có những ngày tháng hạnh phúc bên người vợ hiền, bên hai đứa con thơ. Tiếng cười trong trẻo của các con, giọng nói dịu dàng của người vợ luôn là dòng suối mát tưới tắm tâm hồn của tác giả. Nhưng giờ đây, tất cả những điều đó chỉ là hoài niệm, chỉ là nỗi nhớ luôn cồn cào, nhắc nhớ về một thời đã qua.
Nỗi nhớ ấy được bật lên qua nét vẽ của chính nhân vật trong tác phẩm. Anh tưởng tượng ra gương mặt vợ con, tưởng tượng ra từng góc nhà, từng ô cửa. Những mảnh ký ức có thể là loang lổ, nhưng khi thể hiện trong tác phẩm, nó lại là một hình ảnh tròn trịa, đầy đủ. Nhớ - để sống tốt hơn, để nuôi khát vọng và niềm tin được trở về...
Lao động để cải tạo chính mình
Nhiều người nghĩ rằng, phía bên kia song sắt sẽ là những cuộc đời im lìm. Những ngõ cụt. Những bước chân âm thầm không lối thoát. Nhưng họ đã nhầm. Phiá sau song sắt, cuộc sống sẽ được hồi sinh nếu mỗi phạm nhân nhận ra tội lỗi của mình và yên tâm cải tạo.
Rất nhiều bức tranh của các phạm nhân đã vẽ lại khung cảnh lao động trong nhà tù và ước vọng về một cuộc đời mới khi họ được hoàn lương. Một buổi học nghiêm ngắn và cuộc sống lao động, sinh hoạt của phạm nhân diễn ra phía sau song sắt, cho thấy những cuộc đời đang có cơ hội được trở lại với đời. Họ học tập và lao động để bước về phía ánh mặt trời, để cải tạo chính mình và để được gần lại với cuộc sống…
Trong chốn lao tù, điều thực sự có ý nghĩa với các phạm nhân là học tập. Và họ đã bắt đầu như thế, từ những con chữ chập chững đầu tiên như mới chập chững bước vào đời. Họ bắt đầu lại những điều họ đã đánh mất trên bước đường đời lầm lỡ của mình. Đó là chìa khóa giúp họ trở lại cuộc sống, tái hòa nhập với cộng đồng và cũng là những ấp ủ cháy bỏng trong tâm hồn mỗi phạm nhân.
Cuộc đời rồi sẽ sang trang, bóng tối sẽ khép lại phía sau lưng, nếu họ có ý thức bắt đầu từ những con số không. Họ sẽ bước sang một trang mới của cuộc đời, với nắng vàng rực rỡ, với những bông hoa tươi thắm, và với hạnh phúc đang chờ họ phía trước. Những mảng màu đen tối của cuộc đời sẽ được đẩy lùi lại phía sau, để cho ánh sáng, cho niềm vui lan tỏa. Học tập chính là cầu nối giúp các phạm nhân trở lại với cuộc đời (Ước mơ trở lại).
Hay giản đơn, chỉ là những gam màu của giấc mơ như ngôi nhà thực tế mà các nhân vật đang xây dựng trong bức vẽ bằng những viên gạch, bằng vôi vữa, với xẻng, bay và thước thợ dường như được xây từ trong tâm thức "tác giả". Mỗi một đứa trẻ phạm tội thường có nguyên nhân bắt nguồn từ gia đình không trọn vẹn của các em. Thế nên, ngôi nhà bình yên có mẹ có cha luôn tìm về trong mỗi giấc mơ, dù có thể ngôi nhà ấy là nhà tranh vách đất nhưng các em thấy hạnh phúc, yên bình khi ở trong ngôi nhà của mình.
Những cảm xúc đa chiều về đời sống
Chiều Ninh Khánh- của phạm nhân Phạm Vũ Ninh- Giải 3. |
Tôi rất ấn tượng với bức tranh Chiều Ninh Khánh của Vũ ở trại giam Ninh Khánh. Đây là một bức tranh đẹp. Nếu không phải một tâm hồn đã hoàn lương thì không thể rung động trước những sắc màu của cuộc sống đến thế. Đỏ và nâu đỏ cùng với sắc xanh chàm đậm thể hiện một vùng đất không mấy bình yên, hoặc dữ dội. Tâm hồn dữ dội của người vẽ đã truyền sang bức tranh một phong cách mạnh, cá tính nhưng không hề thiếu đi sự dịu dàng sâu thẳm trong trùng điệp sắc xanh.
Người xem bị ám ảnh bởi sắc đỏ sậm của một bầu trời chiếu xuống đồi núi, chiếu xuống thiên nhiên, thậm chí những con đường, những mái nhà hắt bóng nâu đỏ. Gam màu đỏ đậm, và đường nét mềm mại uyển chuyển của phong cảnh trong toàn bộ bức tranh sẽ tạo nên một nét tương phản cá tính. Phía sau những tâm hồn tội lỗi vẫn ẩn chứa một nét đẹp tâm hồn biết cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống đang dội vào mình. Tâm hồn đó đang được hồi sinh.
Và cảm thấy đau buồn bởi những nét bút quằn quại của Huỳnh Minh Vũ trong Niềm tin hướng thiện. Đây cũng là bức tranh duy nhất được vẽ theo lối trừu tượng. Đó là những dằn vặt, hối hận vì tội lỗi. Bức tranh ám ảnh người xem bởi những ánh nhìn nhức nhối, trăn trở trước cuộc đời mênh mang, vô định.
Nhưng điều cố níu giữ người xem là ánh mắt đau đáu của tác giả trước cuộc đời, cái khát vọng vượt qua những mê lú của cuộc đời để được hoàn lương. Hình ảnh gục đầu suy tư để tìm về chính mình và những mâu thuẫn giằng xé trong tâm can khi thân xác đã hoang tàn, chỉ còn một nửa phần người, thể hiện bởi những gam màu sáng tối chủ đạo.
Sự cám dỗ của đam mê, của dục vọng, của đồng tiền vẫn còn đâu đó quanh quẩn bên ta. Liệu các phạm nhân có đủ nghị lực để vượt lên nó, để nhìn lên phía ánh hào quang với những sắc màu tươi sáng, nơi có những bàn tay đang rộng mở, chào đón bao dung của người mẹ, người vợ…
Cuộc thi đã khép lại. Những sắc màu ám ảnh người trong cuộc. Và cả người xem. Đó cũng là tiếng nói kết nối những tâm hồn đang hướng thiện, khao khao được trở lại với cuộc đời.
Một cuộc thi tranh độc đáo Cuộc thi đã mở ra một sân chơi mới về nghệ thuật tạo hình mang tính giáo dục sâu sắc bởi nghệ thuật tạo hình cũng có đầy đủ khả năng để các trại viên thể hiện khát vọng của mình qua ngôn ngữ của hội họa với bố cục, màu sắc, hình tượng mang nét riêng độc đáo, nhân văn. Tôi hy vọng những cuộc thi mỹ thuật Khát vọng hoàn lương của các phạm nhân trong các trại giam sẽ được tiếp tục trong năm tới, tạo nên một sân chơi mới không chỉ thể hiện khát vọng hoàn lương mà còn phát hiện những khả năng mỹ thuật của các phạm nhân, giúp cho họ hướng tới một nghề mà sau này khi trở lại cuộc sống đời thường họ có thể phát huy và đóng góp cho xã hội. Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam |
Cuộc thi Khát vọng hoàn lương do Tổng cục 8 tổ chức đã thu hút được hơn 232 tranh hội họa và cổ động của nhiều "tác giả" là phạm nhân, học sinh tại 33 đơn vị trại tạm giam, trại giam, trường giáo dưỡng. Ban giám khảo đã chọn được 74 bức tranh giới thiệu vào vòng giải và đã chọn được 1 giải Đặc biệt, 2 Giải Nhất, 3 Giải Nhì cùng nhiều giải khuyến khích. |