Người đàn bà sinh con chỉ để… trốn đi tù
Đưa cả nhà vào tù
Là con lớn nhưng Ngọc chỉ học đến lớp 7 thì nghỉ. 18 tuổi lấy chồng, cuộc đời Ngọc rẽ sang hướng khác. Năm 2005, Phạm Văn Dũng, chồng Ngọc bị Công an thành phố Phủ Lý bắt quả tang đang bán ma túy cho con nghiện và ngay trong năm đó, anh ta vào Trại giam Nam Hà thi hành bản án 20 năm tù.
Chồng đi tù, Ngọc nhanh chóng biến căn nhà của mình thành nơi để con nghiện lui tới khi tiếp quản công việc của chồng. Năm 2008, Ngọc bị TAND tỉnh Hà Nam xử phạt 16 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Nhưng do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên chị ta được hoãn thi hành án.
Những lúc nhớ con, Mạch Thị Ngọc lại vào nhà trẻ bế các cháu nhỏ cho đỡ nhớ. |
Ngày 6-3-2013, con gái Ngọc là Phạm Thị Thu Trang, khi đó mới 14 tuổi bị công an bắt quả tang đang nhận tiền mua ma túy của hai con nghiện. Trang khai được mẹ giao cho việc bán ma túy nên đã giấu vào ống luồng trong nhà vệ sinh và từ lời khai của Trang, Ngọc bị bắt.
Xét thấy hành vi của Ngọc là nguy hiểm cho xã hội, được hoãn thi hành án vì nuôi con nhỏ nhưng tiếp tục tái phạm với mức độ nghiêm trọng hơn khi sử dụng trẻ em vào việc mua bán ma túy, cơ quan điều tra quyết định bắt giam Ngọc.
Ôm đứa con mới 6 tháng tuổi về Trại giam Ninh Khánh cải tạo, Ngọc cay đắng khi biết chính trong thời gian chị ta thi hành 2 bản án thì con trai cũng bị bắt vì tham gia vào vụ cướp tiệm vàng. Vậy là có thời điểm cả nhà Ngọc có tới 4 người đi tù.
Sau khi Ngọc đi tù, hai đứa em là Mạch Thị Lan và Mạch Quang Tú cũng vướng vòng lao lý. Đầu năm 2015, vợ chồng Mạch Quang Dũng, một người em nữa của Ngọc cũng bị bắt giam vì liên quan đến ma túy.
Hỏi Ngọc về cô con gái cũng đi tù về tội ma túy, chị ta cho biết, con gái chị ta tên là Phạm Thị Dương cũng đang cải tạo lao động ở Trại giam Ninh Khánh.
Dường như chạnh lòng nghĩ đến những đứa con và cả người cha già một mình lẻ bóng vì mấy đứa con đều đi tù, Ngọc rấm rứt khóc. Ngọc bảo lỗi là tại chị ta, từ chị ta mà các em trai, em gái và cả em dâu đều đi tù vì ma túy.
"Chồng tôi án 20 năm, cải tạo ở Trại giam Nam Hà. Tôi vào đây được 1 năm thì tới lượt con trai tôi", Ngọc buồn bã tâm sự. Hỏi Ngọc có phải con gái cũng đang cải tạo ở đây, Ngọc lặng lẽ gật đầu: "Con gái tôi cải tạo ở đội 21, cháu nó bị tuyên 17 năm tù".
Mong các con tha thứ
Nhớ lại thời gian khoảng hơn 2 năm con gái nhỏ Yến Vi ở cùng với mẹ trong trại giam, Ngọc bảo ngày mới bị bắt lo lắm, vì còn mấy đứa con nhỏ ở nhà không biết nương tựa vào ai.
Lắm đêm ngồi ôm con, nhìn gương mặt bụ bẫm, trắng trẻo đầy vẻ ngây thơ của con, Ngọc lại chạnh lòng nghĩ về những đứa con nơi quê nhà, thiếu bàn tay chăm sóc của bố mẹ chắc nhếch nhác lắm.
Ngọc bảo vì đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 9 tháng tuổi nên chưa phải đi làm nhưng một mình ôm con ngồi trong buồng giam, nghĩ về gia đình lại không cầm được nước mắt.
Xưởng may nơi Mạch Thị Ngọc cải tạo lao động. |
"Nhiều hôm tôi cứ ngồi lặng ôm con, nếu không có tiếng ê a con trẻ, tiếng khóc đòi ăn, đòi thay tã thì có lẽ tôi trầm cảm mất. Có tiếng con cũng làm tôi vợi bớt buồn phiền", Ngọc tâm sự.
Theo lời Ngọc thì thời gian đó, vào những ngày cuối tuần, một nửa gia đình nhỏ của Ngọc bao gồm chị ta, bé Yến Vi và cô con gái lớn lại được sum vầy. Ấy là khi Ngọc cùng con gái lớn và bé Yến Vi ăn một bữa cơm chung; là những tâm sự của hai mẹ con về những đứa trẻ đang tự chăm nhau ở nhà và cả những chia sẻ về cuộc sống trong trại.
"Tôi biết mình có lỗi rất nhiều với các con. Trong con mắt mọi người, tôi là kẻ không ra gì. Tôi chấp nhận tất cả, chỉ mong mọi người hãy rộng lượng với các con tôi, chúng còn quá nhỏ", Ngọc tâm sự. Hỏi Ngọc từ ngày cho Yến Vi về, đã mấy lần gặp con rồi, chị ta nước mắt lưng tròng: "Vài tháng mới có người tranh thủ vào thăm nên cũng không tiện mang theo trẻ nhỏ".
Cũng giống như bao kẻ phạm tội về ma túy khác, Ngọc rất kiệm lời khi kể về gia đình mình. Chị ta muốn giấu kín và chỉ nói ra những điều không thể giấu. Chị ta thừa nhận việc dùng con làm phương tiện để bán ma túy đã đẩy những đứa trẻ lớn lên trong vòng luẩn quẩn do chính cha mẹ chúng tạo ra.
Khi dùng con nhỏ vào việc mua bán ma túy, Ngọc chỉ nghĩ đó là cách dễ dàng nhất để có tiền. Giờ đây, khi con gái đi tù vì ma túy, con trai vào trại vì đi cướp, Ngọc bảo nhiều lúc nghĩ đến câu "sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy" mà thấy sợ.
"Chính tôi là người đã hướng nghiệp cho chúng, đẩy chúng vào cảnh khổ sở như ngày hôm nay". Chị ta cho biết mỗi năm vào dịp giáp tết là bọn trẻ lại kéo nhau vào thăm mẹ. Nhìn chúng, Ngọc thương và thấy lo nên câu đầu tiên và cuối cùng trước khi chia tay, bao giờ Ngọc cũng bảo con dù đói khổ đến mấy cũng đừng dính dáng đến ma túy nữa.
"Ngày xưa tôi chỉ nghĩ làm sao kiếm được tiền, giờ hai đứa đi tù rồi, tôi lo những đứa ở nhà lắm", nói tới đây, Ngọc khóc. Chị ta lo cho cô con gái đang tuổi 18 ở nhà. Ngày Ngọc bị bắt, chính đứa con này được mẹ sai mang ma túy đi giấu và khi có người đến mua, cũng chính cô bé đó được Ngọc chỉ đạo lấy tiền và giao ma túy.
Ngọc chỉ sợ bố mẹ đi tù, ở nhà không có ai dạy dỗ, con gái lại tiếp tục cái nghề của mẹ thì không còn gì đau đớn hơn. "Tôi chẳng mong gì hơn là các con tôi đừng đi vào vết xe đổ của bố mẹ. Mong các con đùm bọc lẫn nhau và tha thứ cho tôi. Ở trong này, tôi chỉ biết cầu mong có vậy. Tôi chẳng thể làm gì khác được vì án của tôi còn dài lắm".
Thật là nghịch lý bởi ngày còn tự do, chính Ngọc đã chọn con đường tối đẩy con cái vào cảnh thất học. Chính chị ta chứ không phải ai khác đã tiêm nhiễm vào đầu chúng từ lúc còn thơ ấu những thủ đoạn giấu ma túy, bán cho con nghiện và đối phó với cơ quan công an. Nhưng khi vào tù, hiểu được giá trị của hai chữ tự do, người đàn bà này mới day dứt, ân hận và lo lắng Phải chăng Ngọc thực sự ân hận hay đang cố vớt vát để chuộc lỗi?
- Chị có mấy con? - Chúng tôi hỏi. - Tôi có 6 đứa - Ngọc trả lời. - Chồng chị đi tù từ năm 2005, thời điểm đó chị đang mang bầu cháu thứ 5. Đến 2012 mới có thêm con nữa? - Vâng. Cháu thứ 6 sinh cuối năm 2012 thì đầu năm 2013 tôi bị bắt, đến lúc cháu được 6 tháng thì tôi về trại này. - Chị bị kết án bao nhiêu năm tù? - Cộng cả bản án trước đó là 26 năm. - Mối quan tâm nhất của chị bây giờ là gì? - Là bố già chưa báo hiếu và con cái. Nghĩ đến con, tôi ân hận lắm. Nói đến đây, Mạch Thị Ngọc cúi đầu, sụt sịt khóc. |