Một triệu đồng và bản án tù chung thân
Đứa con thơ khi bố mẹ bị bắt đã không biết nương tựa vào đâu khi cả cha lẫn mẹ phải trả án tù. Bi kịch cuộc đời dễ dàng đến mà đôi khi chính người trong cuộc cũng chẳng thể tin được.
Một triệu đồng và bản án tù chung thân
Vụ án về đôi vợ chồng cô giáo Lừ Thị Hồng ở Yên Châu, Sơn La đã khép lại cách đây 17 năm nhưng mỗi khi nhắc đến nguyên nhân dẫn đến mức án tù chung thân thì ai cũng cảm thấy đau xót bởi cái giá mà đôi vợ chồng này phải trả là quá đắt.
Chỉ vì suy nghĩ giản đơn, hám lợi mà họ đã phải sống những tháng ngày dài đằng đẵng trong nhà tù. Chỉ vì một triệu đồng, Hồng đã rủ chồng đi chở thuê ma túy để rồi đánh đổi tất cả, gia đình, con cái để lấy bản án chung thân. Thương đứa con trai thiếu thốn tình cảm cha mẹ, Hồng lại day dứt vì cuộc sống lỡ dở bao nhiêu người phải khốn đốn theo cái quyết định điên rồ và nông nổi của mình.
Gặp Lừ Thị Hồng trong trại giam, dù đã mười mấy năm trôi qua nhưng cô vẫn chưa nguôi day dứt bởi chính lòng tham của cô đã đẩy gia đình vào thảm cảnh vợ chồng con cái chia lìa, xa cách. Điều cô hối hận nhất đó là đã để chồng phải chịu cảnh tù tội mà anh lại không trách móc cô nửa lời. Cả hai vợ chồng đang thi hành bản án chung thân trong trại, con trai thì sống như một đứa trẻ mồ côi, có bố mẹ mà cũng như không. Cuộc đời thật cay đắng và bất hạnh nhưng cô vẫn phải cố gắng để sống, để vượt qua và để có cơ hội quay lại.
Vừa khóc Hồng vừa kể về cuộc đời mình bằng một giọng chua xót và đầy ân hận. Cô được sinh ra trong một gia đình gia giáo, bố mẹ và các chị em đều là công chức. Cuộc sống không khá giả sung túc nhưng cũng ổn định, bình yên và hạnh phúc. Bố mẹ cô luôn dạy dỗ con cái cách sống, cách học làm người. Bản thân Hồng trước khi vào tù cũng được ăn học và là một giáo viên tiểu học.
Hàng ngày cô đến lớp rồi đi vận động các con em trong bản đến lớp học chữ. Trong suốt những tháng ngày làm giáo viên, Hồng luôn cố gắng hết lòng vì công việc cũng như vì các em học sinh thân yêu. Giống như bao cô gái khác trong xã, lớn lên Hồng cũng có một tình yêu đẹp và cô chứng minh mối tình đó bằng một đám cưới và một cậu con trai kháu khỉnh chào đời. Mặc dù yêu nghề giáo nhưng Hồng không muốn lấy một người chồng làm giáo viên bởi cô biết rất rõ đồng lương giáo viên ít ỏi nên người chồng Hồng chọn là một thanh niên bản hiền lành, làm nghề thợ mộc.
Phạm nhân Lừ Thị Hồng. |
Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc bình yên như bao gia đình khác trong xã. Hồng hàng ngày đi dạy ở bản Ái - một bản gần biên giới của xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Chồng thì hàng ngày quanh quẩn với công việc thợ mộc, con trai gần 3 tuổi nên cuộc sống của gia đình Hồng gọi là tạm đủ.
Công việc làm thợ của chồng Hồng không đều việc, thu nhập bấp bênh nhưng Hồng bảo cô chưa bao giờ phàn nàn về chuyện chồng không giỏi kiếm tiền bởi ở cái xã vùng biên như Phiêng Khoài, người ta chỉ quen với măng rừng và những thứ trồng ra, nuôi được, đâu có nhiều trò giải trí để mà tiêu tiền. Hồng thấy bằng lòng với cuộc sống hiện tại nên chưa bao giờ có bất cứ một suy nghĩ tiêu cực nào.
“Tôi là người Khơ Mú còn chồng là người Thái, khác nhau về dân tộc nhưng rất thương nhau, chưa bao giờ anh ấy nói nặng với tôi một câu kể cả khi can ngăn việc tôi cầm hộ ma túy”, Hồng kể.
Đến tận bây giờ khi nhắc lại cái ngày mà dẫn vợ chồng cô đến với bi kịch, Hồng vẫn không thể nào quên đi bất cứ một chi tiết nào cho dù nhỏ nhất. Những hình ảnh của ngày đó luôn hiện về trong tâm trí cô. Cô biết rất rõ là không thể thay đổi được quá khứ nhưng cô vẫn cứ nghĩ, cứ ân hận để lấy đó làm động lực cải tạo.
Hồng kể về cái ngày định mệnh đó mà vẫn không tin những gì đã xảy ra. Nếu cô là một người vật vã vì tiền, chỉ nghĩ đến cách kiếm tiền làm giàu thì không nói làm gì nhưng cuộc sống hiện tại đã làm cô hài lòng nhưng buổi trưa hôm đó, khi cô vừa đi dạy học về thì có hai người đàn ông tìm đến nhà. Họ đặt vấn đề nhờ mua hộ thuốc phiện, vừa nghe chồng Hồng đã từ chối ngay. Anh biết rất rõ mối nguy hiểm mà thuốc phiện hay ma túy mang lại. Mặc dù không được học hành nhiều nhưng anh hiểu được rằng dính vào ma túy là phạm tội nên anh nhất định từ chối và đuổi hai người đàn ông lạ mặt ra khỏi nhà.
Hồng lúc đó chỉ đứng nghe được rằng hai người đàn ông kia nói sẽ trả tiền công một triệu đồng mà cô chỉ việc chở thuê có một đoạn đường. Lúc đó trong đầu cô chỉ nghĩ rằng số tiền một triệu đó cô có thể làm được nhiều việc cho gia đình, chồng con cô được ăn ngon mặc đẹp hơn mà không mảy may nghĩ đến sự nguy hiểm. Cô còn nghĩ đơn giản rằng mình làm lần đầu chắc chẳng ai để ý nên cô tự tin tìm hai người đàn ông lạ mặt nhận lời vận chuyển ma túy thuê cho họ.
Ngay chiều hôm đó, với số tiền hai vị khách đưa, Hồng mua được 9kg thuốc phiện, đem về nhà, định giấu vào đống gỗ của chồng nhưng Chung (chồng Hồng) nhất định không đồng ý. Anh bắt vợ mang sô thuốc phiện trên ra khỏi nhà và gọi người mua tới lấy ngay, không được lấy một xu tiền công nào. Hồng bảo lúc đó cô cũng thấy sợ nhưng lại tiếc công mình đi xa vất vả. Hẹn khách tới lấy hàng, Hồng nỉ non nhờ chồng chở đi với lời hứa lần duy nhất và cuối cùng cô làm việc này.
Mặc dù không ủng hộ việc vợ làm nhưng anh Chung đã rất lo lắng cho sự an nguy đến tính mạng của vợ nên Chung đã chở Hồng đi, nhưng khi hai người đèo nhau đến Cổng Trời, xã Chiềng On, Yên Châu thì bị Công an bắt giữ. Với gần 9kg thuốc phiện bị bắt quả tang, cả hai vợ chồng Hồng đều nhận về cùng bản án chung thân.
Day dứt ân hận muộn màng
Dáng người cao ráo và giọng nói chậm rãi, Hồng bộc bạch nỗi niềm của mình trong rơm rớm nước mắt. Ngày hai vợ chồng cùng bị bắt, cậu con trai còn nhỏ lắm nhưng giờ đã là một thanh niên 18 tuổi. Năm vừa rồi cậu bé đã thi đỗ ĐH Sư phạm. “May cho em là bố mẹ đều là người có trình độ, cưu mang được con em nên người chứ không thì em còn ân hận nữa”, Hồng tâm sự.
Hai vợ chồng cùng một trại giam nhưng hai tuần, thậm chí có khi một tháng họ mới được gặp nhau một lần ở nhà thăm gặp. Hồng cải tạo ở đội may mặc còn chồng ở đội sản xuất nên hàng ngày cô vẫn nhìn thấy chồng đi về. Hỏi Hồng làm sao nhận ra chồng mình trong lớp lớp những người màu áo giống nhau, chị cười: “Chúng em có ám hiệu riêng chứ” rồi bật mí: “Chúng em thỏa thuận với nhau là đầu tuần thì anh ấy đi đầu hàng, cuối tuần đi cuối hàng, hôm nào không khỏe thì đi trong hàng. Ở trong này không thường xuyên được gặp nhau, chỉ có cách đó để báo tin ốm hay khỏe thôi”.
“Em là người mẹ chẳng ra gì, là người vợ còn đáng trách hơn. Chồng em chưa bao giờ trách cứ nhưng thà cứ nói em một câu nặng lời có khi lại đỡ day dứt”, Hồng tâm sự. Chị bảo đã rất nhiều lần nhìn thấy phạm nhân cùng buồng mang con về phòng, nghĩ cảnh mình mà trào nước mắt. Giá như ngày đó Hồng không tham lam thì giờ có lẽ cô đã có một đàn con để bế bồng, lo lắng.
Do có kiến thức nên khi về lao động ở đội may mặc, Hồng được cán bộ quản giáo tin tưởng, giao cho làm đội trưởng đội phạm nhân, giúp cán bộ làm một số việc như vào sổ sách, chấm công và kiểm đếm hàng do phạm nhân làm ra. Hồng khoe vừa được giảm án xuống có thời hạn nhưng vẫn phải không ngừng phấn đấu mới sớm được trở về. Ý nguyện lớn nhất của Hồng khi về nhà là sinh thêm con nữa nhưng “không biết có thực hiện được không cho dù cả hai vợ chồng đã bàn bạc rằng cùng quyết tâm về sớm”.