Đưa ra ánh sáng vụ án con giết bố rồi tạo hiện trường giả

Thứ Tư, 01/02/2012, 11:34

Ngày 5/11/2008, tại thị xã Cao Bằng đã xảy ra một vụ án nghiêm trọng gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài. Sau khi phá án thành công, hung thủ đã lộ diện và thật sự đã gây bàng hoàng cho người dân lẫn các cán bộ điều tra. Kẻ thủ ác lại chính là con trai nạn nhân. Hơn nữa, sau khi giết bố, hung thủ lại cùng mẹ tạo hiện trường giả đánh lừa cơ quan điều tra…

Đổi trắng thay đen

Đêm 5/11/2008, người dân sống trong xóm Nà Ka, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng đã một phen hốt hoảng khi nghe tin dữ từ gia đình bà Phùng Thị Coi - sinh năm 1970. Chồng bà Coi là ông Lâm Văn Giàng đã bị kẻ gian giết hại sau khi đột nhập vào nhà với mục đích bắt trộm gà nhưng bị gia đình phát hiện. Theo như lời bà Coi, ngày hôm ấy, đang ở trong nhà thì bà và con trai là Lâm Văn Kiên - sinh năm 1991 phát hiện ra có người lẻn vào nhà. Cả nhà bà Coi đã bắt được bốn tên trộm cùng xe máy, sau đó để ông Lâm Văn Giàng ở nhà canh giữ tên trộm, còn bà Coi và con trai đến nhà trưởng xóm để giải quyết.

Khi về đến nhà thì thấy ông Giàng nằm trong vũng máu, chấn thương nặng ở đầu. Thấy vậy, bà Coi và con trai liền hô hoán xóm làng đến giúp. Mẹ con bà Coi khóc lóc, lý giải với mọi người rằng chắc tại bọn trộm quay lại giải vây cho đồng bọn và lấy lại chiếc xe máy. Do ông Giàng kháng cự lại, không cho chúng lấy đi nên bị chúng đánh gây tử vong. Mọi người đều nghĩ rằng ông Giàng đã bị kẻ trộm đánh và lấy xe bỏ trốn nên chia nhau người đi báo Công an, người đi tìm thủ phạm.

Sau khi nhận được tin báo về vụ việc, Công an huyện Bảo Lâm, Cao Bằng đã tổ chức xác minh vụ việc. Từ đó cho thấy, rạng sáng 6/11/2008, ông Lâm Văn Giàng, sinh năm 1972, trú tại xóm Nà Ka, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng bị đánh trọng thương tại nơi ở của mình. Sau đó đã tử vong tại bệnh viện khi đang cứu chữa.

Đến sáng hôm sau, khi Lâm Văn Kiên đang cõng đứa cháu ở trước cửa nhà, thấy bốn người thanh niên đi hai xe máy từ thị trấn Pác Miều về hướng Lý Bôn có dáng vẻ giống tên trộm bị bắt hôm qua liền báo cho anh trai là Lâm Quốc Cường truy đuổi. Thấy Kiên nói vậy, Cường rủ bạn là anh Hoàng Văn Bôn đi xe máy đuổi theo bốn thanh niên kia. Khi đến chợ Nà Pồng thì phát hiện chiếc xe Wave màu trắng như lời Kiên miêu tả, Cường liền gọi điện cho Kiên đến để nhận dạng hung thủ. Nghe điện thoại của anh trai, Kiên liền rủ thêm anh San là con trai trưởng xóm đến nơi Cường đang đợi. Khi nhận diện đúng hung thủ, Kiên liền vào Ủy ban nhân dân xã Lý Bôn để trình báo vụ việc và nhờ truy bắt hung thủ giết bố mình.

Bốn người thanh niên kia sau đó đã bị triệu tập về trụ sở Công an xã Lý Bôn để lấy lầy khai. Qua lời khai ban đầu của bốn đối tượng này, các điều tra viên đã xác định được họ đều là học sinh ở thị trấn Pác Miều. Khi hỏi về vụ án xảy ra tối hôm trước tại nhà ông Lâm Văn Giàng, cả bốn đều ngơ ngác không hề biết gì. Bằng các bằng chứng vắng mặt, cơ quan công an đã xác minh được sự vô can của bốn đối tượng với vụ án. Và bây giờ, một câu hỏi khó đặt ra cho các điều tra viên, ai là kẻ đã đột nhập vào nhà ông Lâm Văn Giàng trong đêm mùng 5, rạng sáng 6/11/2008?

Vén bức màn bí ẩn

Vụ án rơi vào bế tắc, thế nhưng các điều tra viên vẫn không bỏ cuộc, kiên trì truy tìm chứng cứ. Đầu tháng 6/2010, một cánh trinh sát do đích thân Trung tá Hoàng Văn Hướng - Trưởng phòng PC 45 Công an tỉnh Cao Bằng trực tiếp chỉ huy đã quay lại xóm Nà Ka để đánh giá lại tình tiết vụ án. Lúc này, bà Phùng Thị Coi đã đi bước nữa. Nhận thấy có nhiều điểm đáng nghi vấn cần xem xét lại, tổ trinh sát đã tìm hiểu mối quan hệ giữa hai vợ chồng bà Coi và ông Giàng. Từ các thông tin tìm được cho thấy, giữa hai vợ chồng bà Coi, ông Giàng đã từng nhiều lần xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Từ mâu thuẫn này, tổ điều tra đã đưa bà Phùng Thị Coi vào diện tình nghi cần điều tra kĩ lưỡng.

Một loạt nhân chứng có mặt vào tối 5/11/2008 tại nhà bà Coi đều được dò xét một cách kĩ lưỡng. Nhân chứng đầu tiên là trưởng xóm Sần Sềnh Quyên. Trước các câu hỏi, lập luận vô cùng thuyết phục của các điều tra viên, ông Quyên đã phải thừa nhận rằng khi ông cùng con trai đến hiện trường thì ông Lâm Văn Giàng vẫn còn sống. Khi ông Quyên nâng đầu ông Giàng lên để hỏi "trộm đánh anh à?" thì ông Giàng trả lời "làm gì có trộm". Ông Quyên cũng có nghi ngờ hai mẹ con Coi và Kiên đã ra tay sát hại ông Giàng nhưng do cả nể nên không khai báo với cơ quan điều tra.

Từ những lời khai quý giá đó, hung thủ của vụ án đã dần sáng tỏ, đó là vợ và con của nạn nhân. Ngay lập tức, tổ điều tra đã triệu tập con của nạn nhân là Lâm Văn Kiên để đấu tranh khai thác. Trong quá trình lấy lời khai, các điều tra viên đã tận dụng triệt để những mâu thuẫn trong lời khai của Kiên trước đó và hiện tại cùng lời khai của bà Phùng Thị Coi. Sau vài tiếng lấy lời khai, Kiên gục đầu xuống bàn, nước mắt lã chã đưa hai tay ra phía trước và nói: "Các chú hãy bắt cháu đi, chính cháu là người đã giết bố cháu".

Theo lời khai của Kiên, chiều 5/11/2008, sau khi đi lấy cỏ bò về, ông Lâm Văn Giàng đã đi chơi uống rượu với bạn bè đến chiều tối mới về. Sau khi về đến nhà, nấu xong nồi cơm, Giàng leo lên giường đi ngủ. Tối hôm đó, khi hai mẹ con Coi và Kiên đi gặt lúa về, sau khi làm cơm xong liền gọi Lâm Văn Giàng dậy ăn cơm nhưng Giàng không dậy. Hai mẹ con ăn cơm trước rồi Kiên sang nhà hàng xóm chơi. Đến khoảng 22 giờ, Kiên trở về nhà thấy bố mẹ đang cãi nhau với lý do Lâm Văn Giàng cả ngày chỉ biết uống rượu mà không chịu giúp mẹ con. Thấy vậy, Kiên nói lớn "khuya rồi bố mẹ không cãi nhau nữa, đi ngủ đi" rồi vào buồng nằm ngủ. Đến gần một giờ sáng, thấy tiếng mẹ kêu khóc, Kiên giật mình tỉnh giấc và chạy ra ngoài. Thấy bố đang túm tóc đánh mẹ ở gian phòng khách, Kiên chạy vào can ngăn đẩy hai người ra. Không can được bố lại còn bị ăn đòn, Kiên liền nhặt chiếc ghế gỗ tiến đến gần và đập ba nhát liên tiếp vào đầu Lâm Văn Giàng.

Sau ba cú đập chí mạng đó, Lâm Văn Giàng gục xuống ngay tại chỗ, vết thương trên đầu có dấu hiệu chảy máu. Lúc ấy, thấy con có hành động như vậy, bà Coi liền chạy đến can ngăn. Thấy ông Lâm Văn Giàng nằm bất động, tưởng ông đã chết, bà Coi liền nghĩ cách để lập nên một vụ án giả như đã nói ở trên nhằm thoát được tội danh giết người.

Qua lời khai của Kiên, cơ quan điều tra đã phác họa được toàn bộ quá trình xảy ra vụ án. Ngay lập tức bà Phùng Thị Coi được triệu tập lên cơ quan Công an để lấy lời khai. Trước những bằng chứng và lời khai của Lâm Văn Kiên, bà Phùng Thị Coi đã thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình cùng con trai với sự ân hận. Do không dẫn con ra đầu thú mà còn đồng lõa để che giấu tội lỗi, Phùng Thị Coi đã đứng trước một bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Còn về phần Lâm Văn Kiên, theo tài liệu của cơ quan điều tra và nhận xét của các điều tra viên, Kiên được bố mẹ nuôi ăn học cho đến hết lớp 9/12 bổ túc. Sống trong gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn giữa bố và mẹ nên đã tạo nên một tính cách khó lường ở cậu thanh niên tuổi mới lớn này. Do còn hạn chế trong việc nhận thức pháp luật, Kiên đã không kiềm chế được cơn tức giận và giải quyết mâu thuẫn gia đình cho đúng cách.

Sau khi dùng ghế đập nhiều nhát vào đầu bố đẻ là ông Lâm Văn Giàng, Kiên không những không hối hận mà còn cùng mẹ là Phùng Thị Coi tìm cách lập mưu đánh lừa cơ quan Công an gây khó khăn cho việc điều tra. Trước những tội lỗi không thể tha thứ như vậy, Lâm Văn Kiên đã bị bắt và khởi tố với tội danh giết người, Phùng Thị Coi bị khởi tố tội danh che giấu tội phạm. Và chắc chắn, những năm trong trại giam sẽ là thời gian dành cho hai mẹ con Phùng Thị Coi và Lâm Văn Kiên có thể suy nghĩ kỹ lại những tội lỗi của mình.

Chiến công này đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, kiên quyết không ngại khó khăn, điều tra, phá bằng được vụ án bí ẩn này của các cán bộ, chiến sĩ cơ quan điều tra Công an tỉnh Cao Bằng. Phá thành công vụ án, tổ điều tra đã dẹp yên được hết những hoang mang trong quần chúng nhân dân. Và một lần nữa khẳng định được rằng, dù có dùng thủ đoạn tinh vi thế nào đi nữa, nhưng trước những cán bộ trinh sát đầy kinh nghiệm, những kẻ phạm tội chỉ còn biết cúi đầu bó tay chịu trói

Ngọc Minh
.
.
.