Nhói lòng với cảnh Hào Anh sau song sắt
Tuổi thơ cơ cực
Bà Phạm Thị Thoa ở thị trấn Cái Nước, Cà Mau sinh được cặp song sinh là Nguyễn Hào Anh và Nguyễn Hào Em. Cuộc sống kinh tế gia đình đã khó khăn, vợ chồng bà lại thường xuyên lục đục rồi tan đàn xẻ nghé. Một nách hai con khiến cho nỗi khó khăn càng chồng chất. Để nuôi được cùng lúc hai con sinh đôi, bà Thoa đã phải bươn chải làm thuê làm mướn đủ nghề nhưng cái khổ cái khó vẫn cứ ngày ngày đeo bám mẹ con bà mãi không thôi.
Năm Hào Anh 13 tuổi, bà đã đưa con đến làm thuê tại trại tôm giống Minh Đức ở xã Ngọc Chánh, Đầm Dơi, Cà Mau. Trại tôm này do hai vợ chồng Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm làm chủ và trong suốt thời gian làm việc ở đây, cậu bé 13 tuổi đã bị hai vợ chồng ông bà chủ hành hạ một cách dã man.
Hào Anh thời bị bạo hành. |
Nhìn những hình ảnh của Hào Anh không ai có thể tin được rằng giữa thời hiện đại lại có cách đối xử giữa con người với con người tàn độc đến vậy. Được giải cứu khỏi gia đình vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức, Hào Anh được dư luận nhắc đến bằng tất cả tình cảm thương xót cho em và sự căm phẫn đối với những người đã hành hạ em.
Ngày 29/6/2010, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Giang - Thơm mỗi người 23 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. Ngày 25/11/2010, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên y án sơ thẩm. Hào Anh đã được cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm và những tấm lòng hảo tâm liên tục gửi đến em những lời động viên, những tình cảm chân thành cùng số tiền lên đến gần một tỷ đồng.
Sau khi được giải cứu và nhận được sự đóng góp của cộng đồng xã hội, Hào Anh đã được nuôi dưỡng và đi học tại trường tiểu học Kim Đồng, xã Định Bình,Cà Mau. Mới học được một thời gian ngắn, Hào Anh đã xin được trở về gia đình để được hòa nhập cộng đồng.
Mọi người luôn hy vọng rằng một cậu bé đã trải qua những khó khăn của cuộc sống thì chắc chắn em có thể sống tốt và biết trân trọng cuộc sống, nhưng mọi điều không diễn ra theo đúng những gì chúng ta hy vọng. Khi trở về nhà sống cùng mẹ và em trai, Hào Anh sống buông thả, tự do và ngang tàng. Có được số tiền trợ giúp từ những tấm lòng hảo tâm, Hào Anh đã mua đất xây nhà nhưng lại nổi loạn đuổi mẹ và cha dượng ra đường. Công an đã phải vào cuộc để giáo dục và xử phạt Hào Anh vì tội ngược đãi cha mẹ.
Cậu bé 18 tuổi trong phút chốc đã trở thành tỷ phú nên việc coi nhẹ đồng tiền là điều dễ hiểu. Mộc cục tiền bỗng dưng từ trên trời rơi xuống khiến Hào Anh chỉ nghĩ đến việc tiêu cục tiền đó. Hào Anh tiêu xài hoang phí, mua sắm những đồ dùng đắt tiền và lao theo những cuộc ăn chơi trác táng. Chơi một thời gian rồi cũng đến lúc tiền cạn, Hào Anh xin vào làm công nhân tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng.
Lại một lần nữa những người xung quanh lại hy vọng, hy vọng rằng Hào Anh đã tỉnh ngộ và nhận ra đúng sai cho đến ngày 16 tháng 5 vừa qua, Công an thông báo rằng Hào Anh đã bị bắt vì tội trộm cắp tài sản. Một lần nữa em lại làm bao nhiêu người phải đau lòng.
Lần này họ khóc không phải là thương em mà họ khóc vì đặt niềm tin cũng như lòng tốt của họ không đúng chỗ. Từ một cậu bé đáng thương, Hào Anh đã là một chàng trai 19 tuổi và cái tên em lại được nhắc đến trong cánh cửa của trại giam.
Vì sao Hào Anh trở thành kẻ tội đồ?
Ngày 6 tháng 7 vừa qua, Công an TP Cà Mau nhận được thông báo từ Công an huyện Đơn Dương, Lâm Đồng về việc Hào Anh bị bắt tạm giam 2 tháng về hành vi trộm cắp tài sản. Thượng tá Hồ Quốc Việt, Phó Công an TP Cà Mau cho biết, Hào Anh bị bắt vào giữa tháng 5, cùng với một cô gái là em họ của thanh niên này. Hai người bị Công an Đơn Dương điều tra vì bị cho là đột nhập nhà dân để trộm máy tính.
"Hào Anh cạy cửa để vào nhà nạn nhân trộm tài sản. Nghi can còn lại có nhiệm vụ cảnh giới cho Hào Anh", một Công an cho biết. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hùng (cha dượng của Hào Anh) xác nhận, thanh niên này đang bị tạm giam tại huyện Đơn Dương. Vợ ông là bà Phạm Thị Thoa, đã đến huyện này làm việc với cơ quan điều tra.
Tại cơ quan Cảnh sát điều tra bà Thoa đã kể lại rằng đêm 20 tháng 8 năm 2014, Hào Anh đi chơi về đến nhà hỏi xin tiền mẹ nhưng vì vừa cho con tiền buổi sáng nên bà bảo không còn tiền nữa. Chỉ có vậy Hào Anh đã lên cơn thịnh nộ, chửi bới mẹ rồi đuổi cả mẹ và dượng ra khỏi nhà. Nhờ có cơ quan Công an can thiệp nên bà đã được trở về nhà nhưng hai mẹ con vẫn liên tục xảy ra mâu thuẫn chỉ vì tiền bạc. Bà Thoa vừa khóc vừa nói rằng khi Hào Anh có tiền trong tay đã không làm lụng gì chỉ tiêu xài hoang phí, mua sắm đồ đạc xa xỉ và còn cho cả bạn gái nữa.
Đến giờ phút này thì người ta đã gọi Hào Anh là kẻ tội đồ bởi tất cả những gì mà cậu đã gây ra. Cậu bé Hào Anh bị tổn thương ngày nào giờ đã là một tên tội phạm. Giờ biết đổ lỗi cho ai khi mà có nhiều người cho rằng tại có quá nhiều sự hảo tâm. Lòng tốt của con người đôi khi cũng bị lôi ra mổ xẻ.
Hào Anh bỗng dưng có được số tiền lớn khiến cuộc sống thay đổi chóng mặt, thay đổi đến mức mà chính Hào Anh cũng không thể tin điều đó là sự thật. Hào Anh đã không biết giữ mình trước những cám dỗ của đồng tiền, thứ cám dỗ mà chẳng có ai có thể chối từ. Thật đáng tiếc! Nhiều người đã phải thốt lên câu ấy khi hay tin trên báo chí rằng Hào Anh bị bắt vì tội trộm cắp.
Khi lên thăm con tại trại tạm giam huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, cả hai mẹ con đều khóc, bà Phạm Thị Thoa lại đổ lỗi cho người bà con đã dụ dỗ Hào Anh phạm tội. Sự lý giải của người mẹ khiến mọi người chẳng thể đồng tình. Giờ không phải lúc bà ngồi đổ tội cho ai mà bà phải là người nhìn nhận lại chính bản thân mình.
Bà là người sinh ra Hào Anh, tất nhiên bà không sinh ra tính tình của con bà nhưng bà phải là người hiểu rõ con bà hơn ai hết và trách nhiệm đầu tiên phải là bà chứ không phải ai khác. Cuộc sống đành rằng rất khó khăn, rất vất vả nhưng không vì thế mà bà đổ lỗi cho khó khăn cho vất vả để quên đi cái trách nhiệm của mình. Thực tế thì đến giờ phút này có đổ lỗi cho ai thì cũng đã quá muộn.
Dẫu biết rằng lúc phạm tội thì Hào Anh đã 19 tuổi, đó là cái tuổi trưởng thành và phải chịu mọi trách nhiệm cho hành vi của mình trước pháp luật. Dẫu sao Hào Anh cũng là một công dân, xã hội và pháp luật phải có trách nhiệm uốn nắn thành người tốt khi có biểu hiện hư hỏng. Hơn nữa, Hào Anh có tuổi thơ quá nhiều tổn thương nên tính cách đâu có bình thường, rất dễ hư hỏng và bạo lực. Cha mẹ Hào Anh lại là những người dân lao động nghèo, thiếu kiến thức giáo dục con cái nên khi có số tiền lớn bất ngờ, Hào Anh hư hỏng là chuyện dễ hiễu.
Hào Anh trong trại tạm giam. |
Nói như vậy không phải trách cứ lòng tốt của những nhà hảo tâm mà chỉ thấy tiếc cho cơ hội của một con người bị đánh mất một cách phũ phàng. Không ai có thể bệnh vực cho Hào Anh bây giờ nữa bởi có mổ xẻ vấn đề, có cố gắng để nhìn nhận tích cực thì cũng chẳng thể tha thứ Hào Anh, có chăng chỉ là sự tiếc nuối cho một câu chuyện cổ tích với cái phần có hậu được người đời đặt vào nửa chừng, còn bi kịch lại để vào phần cuối.
Chẳng biết sau sự vụ này và đối diện với mức án cho tội lỗi của mình, Hào Anh sẽ phải hứng chịu những điều gì của dư luận nữa. Hào Anh đã phải chịu quá nhiều dư luận từ khi còn ở tuổi vị thành niên, cho đến tận bây giờ. Những giọt nước mắt của Hào Anh ngày trước, mới đây và bây giờ liệu có giọt nước mắt nào xót xa cho số phận mình, khi mà sự đẩy đưa của cuộc đời không do cậu quyết định.
Dẫu Hào Anh đã nhiều lần sa ngã, con chim nhỏ sớm bay vào bầu trời đã không ít lần nghiêng cánh, nhưng rồi cậu đã thức tỉnh nhận ra lỗi lầm xin lỗi nhà hảo tâm và cha mẹ để tu chí làm ăn, cũng đã không ít lần Hào Anh hướng thiện, đi làm thuê làm mướn để trả nợ. Thế nhưng cậu lại không đủ bản lĩnh để vượt qua lời rủ rê đánh động vào nỗi niềm tiềm ẩn sâu xa là thói quen tiêu tiền đã có từ khi “đổi đời”. Thật đáng tiếc.
Di chứng của bệnh rối loạn nhân cách
Liệu những sang chấn tâm lý khi bị hành hạ năm 14 tuổi có phải đã khiến Hào Anh không phải là một người bình thường. Theo báo cáo của cơ quan điều tra thì trước khi đuổi mẹ ra khỏi nhà rồi lên Lâm Đồng làm công nhân, Hào Anh từng được bác sĩ tâm thần xác định bị bệnh "rối loạn nhân cách", cần phải điều trị dài ngày, tránh kích động.
Ngày 10 tháng 7 vừa qua, luật sư Đặng Huỳnh Lộc, Trưởng Văn phòng luật sư Huyền Vũ (TP HCM) được quyền tham gia tố tụng, bào chữa cho Nguyễn Hoàng Anh (tức Hào Anh) là bị can trong vụ án trộm cắp tài sản, xảy ra tại xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương.
Ông Lộc cho biết, ông đang đi Cà Mau để xác nhận tình trạng bệnh lý của thân chủ Nguyễn Hoàng Anh. Thanh niên này đang bị Công an huyện Đơn Dương, Lâm Đồng tạm giam về hành vi trộm cắp tài sản. Theo ông Lộc, Hào Anh mắc bệnh tâm thần, vì từng bị vợ chồng chủ trại tôm giống ngược đãi, đánh gãy sống mũi, dùng kìm kẹp sứt môi... Thanh niên này còn bị vợ chồng Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm tạt nước sôi và hóa chất vào người, khiến mắt phải tổn thương.
"Với những di chứng khó khắc phục kèm triệu chứng tâm thần, Hào Anh cần được cơ quan tố tụng xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn. Để chứng minh điều này, tôi sẽ đến Tổ chức Giám định pháp y tâm thần tỉnh Cà Mau để truy lục lại bệnh án và xác nhận bệnh lý của thân chủ", luật sư Lộc nêu quan điểm.
Khi gặp Hào Anh tại trại tạm giam Công an huyện Đơn Dương, bị can đã thành khẩn khai báo, tỏ thái độ ăn năn, hối hận về việc làm sai trái của mình. Hào Anh khai, đêm 15/5, sau khi tàn tiệc sinh nhật của một người bạn, thanh niên này về đến phòng trọ ở thị trấn D’ran thì em gái kết nghĩa là Phan Thảo Duy (ngụ phường 8, TP Cà Mau) rủ đi trộm cắp tài sản. Sau đó, Duy cảnh giới cho Hào Anh vào cơ sở sản xuất nước chấm (nơi Hào Anh đang làm công) để lấy dàn máy tính, mang về phòng trọ lúc rạng sáng 16/5.
Phát hiện mất tài sản chứa nhiều dữ liệu liên quan đến việc kinh doanh, chủ cơ sở sản xuất nước chấm đã báo Công an. Qua khoanh vùng nghi can, Công an huyện Đơn Dương khám xét phòng trọ của Hào Anh, phát hiện và thu giữ tang vật vào chiều cùng ngày. Sau đó, Hào Anh và Thảo Duy bị Công an huyện khởi tố, tạm giam 2 tháng.
"Trong vụ án này Duy là người chủ mưu, Hào Anh phạm tội thuộc trường hợp không phải lỗi cố ý mà do bộc phát, bị người khác xúi giục. Khi đi trộm, hai bị can không tính toán từ trước, tài sản chưa được Hào Anh tẩu tán. Đây là những tình tiết giảm nhẹ của cậu ấy và tôi sẽ bào chữa miễn phí cho Hào Anh", ông Lộc nói.
Bác sĩ Lý Văn Út (nguyên trưởng Tổ chức Giám định pháp y tâm thần tỉnh Cà Mau) xác nhận, Hào Anh từng đến phòng mạch của ông để điều trị bệnh tâm thần. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán thanh niên này bị rối loạn nhân cách (nhân cách bùng nổ) - một bệnh lý tâm thần rất khó điều trị khi bị tác động tiêu cực bởi môi trường xung quanh. "Hào Anh bị bệnh tâm thần nhân cách vì có thời gian dài bị hành hạ. Để điều trị bệnh này, mọi người phải biết yêu thương, tránh kích động bệnh nhân", bác sĩ Út nói.
Cho dù là lý do gì đi chăng nữa thì việc Hào Anh trở thành một con người hư hỏng đã quá rõ ràng. Không ai có thể lên tiếng để bảo vệ được cho kẻ tội đồ này bởi chính cậu đã chà đạp lên lòng tốt của mọi người. Một người mẹ như bà Thoa đã không có cách xử lý khi Hào Anh nhận được 900 triệu đồng từ những người hảo tâm mà lại để con tự tiêu xài hoang phí.
Nhiều người nghĩ rằng những người có cuộc sống nghèo khó thì họ càng biết trân trọng đồng tiền và họ sẽ biết cách sử dụng đồng tiền một cách khéo léo bởi họ là người biết rất rõ để kiếm được đồng tiền khó khăn đến mức nào. Nhưng với gia đình Hào Anh thì sao? Không những chỉ có mẹ, Hào Anh còn có cha dượng, em trai rồi những người họ hàng thân thích. Chả nhẽ không ai gần gũi, động viên, chia sẻ và hướng dẫn cho em cách sống tốt để báo đáp lại lòng tốt của người khác hay sao. Hào Anh không còn là một đứa trẻ, không thể đổ lỗi cho tuổi thơ thiệt thòi mà muốn sống thế nào cũng được.
Lỗi tại đồng tiền hay tại em không nhận ra đâu là giá trị của cuộc sống khi đã 19 tuổi. Người người thương em để rồi em trả ơn họ bằng cánh cổng nhà tù vì phạm tội.
Đây cũng là một bài học để cộng đồng xã hội tỉnh táo hơn trước khi quyết định gửi gắm lòng tốt của mình và liệu sau song sắt trại giam Hào Anh có suy nghĩ hay ân hận về tất cả những gì mình đã làm?