Cô giáo trẻ muốn thoát nghèo bằng... buôn ma tuý và cái giá phải trả

Chủ Nhật, 22/12/2019, 19:52
Những lo toan về cơm áo gạo tiền đã khiến cô từ một cô giáo trở thành hướng dẫn viên du lịch với những hám lợi không có điểm dừng. Cho đến khi bị bắt quả tang vận chuyển thuê 3 bánh ma túy, Hương mới giật mình nhìn lại...

Khi còn là cô giáo vùng cao, Hoàng Thị Thu Hương (SN 1978 ở Tràng Định, Lạng Sơn), đã nhiều lần xúc động trước những món quà đơn sơ mà đậm tình cô trò của các em nhỏ. Nhưng rồi những nhiệt huyết mở mang kiến thức cho trẻ con đồng bào dân tộc cứ vơi dần theo năm tháng. 

Nhất là khi Hương lập gia đình, những lo toan về cơm áo gạo tiền đã khiến cô từ một cô giáo trở thành hướng dẫn viên du lịch với những hám lợi không có điểm dừng. Cho đến khi bị bắt quả tang vận chuyển thuê 3 bánh ma túy, Hương mới giật mình nhìn lại, song tất cả đều đã muộn. Giờ đây Hương đang phải trả giá cho lõi lầm của mình bằng bản án 20 năm tù ở Trại giam Ngọc Lý.

Từ bỏ ước mơ vì nghèo

Nhắc lại chuyện đã qua, Hoàng Thị Thu Hương cười buồn: "tôi rời xa bục giảng, mái trường thấm thoắt cũng mười năm rồi, vậy mà mỗi dịp gần đến ngày 20-11, trong lòng lại đan xen nhiều cảm giác khó tả, chủ yếu là buồn".

Hương là con gái út trong một gia đình có 5 anh chị em. Giống như các anh chị, chọn một nghề để thoát ly cảnh làm ruộng, Hương thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm với tấm bằng giỏi, Hương lại chọn một trường vùng cao của huyện Tràng Định quê mình. 

"Nhận bằng tốt nghiệp là tôi hăm hở đi nhận công tác. Tôi cùng hai người bạn nữa, ba lô khoác vai, lúc thì đi xe máy, lúc lại đi bộ, gần hết một ngày trời rong ruổi trên đường mới tới nơi, vậy mà sáng hôm sau đã bắt tay vào việc, chẳng thấy mệt là gì".

Nơi Hương công tác là trường THCS xã Tân Tiến, mảnh đất vùng cao của huyện biên giới, chỉ dặt có đồng bào người Dao sinh sống. Để có thể trò chuyện được với học trò của mình, tiếp xúc với dân bản những khi không lên lớp, Hương phải học tiếng Dao và làm theo những phong tục của đồng bào. 

Cô bảo trường xa, đường đi lên chỉ có thể đi xe máy khi trời nắng còn chủ yếu là cuốc bộ nên mỗi tháng cô chỉ về nhà có một lần. Đa số thời gian ở lại trường, cô cùng những thầy cô giáo trẻ khác giết thời gian bằng việc làm thêm đồ dùng học tập, cuốc đất trồng rau và đôi khi là  giặt giũ và khâu vá quần áo học sinh để các em có quần áo tươm tất đến trường. 

Sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài vậy mà những thầy cô giáo như Hương không một chút chạnh lòng. Nhớ lại ngày đó, Hương bảo tại ngày đó mới ra trường, nhìn cuộc đời còn màu hồng chứ sau này bị vật chất chi phối nên đầu óc không còn vô tư như trước.

Năm 2005, Hương lập gia đình và một năm sau thì sinh con gái đầu lòng. Tính đến thời điểm đó, cô đã có 6 năm công tác ở xã vùng cao biên giới Tân Tiến. Hương bảo lúc đó, nếu lấy lý do hợp lý hóa gia đình để xin về thành phố, cô đủ tiêu chuẩn, nhưng vì tình yêu với trẻ em đồng bào dân tộc nên đã xin chuyển sang Đồng Đăng. 

Thế nhưng khi sang đây dạy học được hơn 1 năm thì cô lại chuyển nghề. Hỏi lý do vì sao, Hương cười buồn: "Khi tôi quyết định về Đồng Đăng dạy học, được vài tháng thì vợ chồng tôi ra tòa, tôi được quyền nuôi con gái nhưng bây giờ thì cháu sống với bố. Con bé cũng học lớp 8 rồi".

Các phạm nhân đang cắt tỉa cây cảnh và dọn dẹp khuôn viên trại giam Ngọc Lý.

Thời điểm đó, theo lời Hương, do con nhỏ, việc đi lại từ nhà đến trường quá tốn nhiều thời gian trong khi chồng cô lại công tác dưới thành phố. Những va chạm mà trước đây khi còn yêu cô chưa nghĩ tới, thì nay trở thành nỗi ám ảnh thường trực ngày ngày trong đầu cô. 

Áp lực gia đình buộc Hương phải lựa chọn giữa công việc yêu thích với gia đình bé nhỏ của mình. Sau nhiều đắn đo cân nhắc, cô quyết định bỏ ước mơ, hoài bão từng ấp ủ để trọn vẹn gia đình cho con trẻ. Bỏ nghề giáo viên, Hương về thành phố làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu, du lịch với vai trò là một hướng dẫn viên.

Cô bảo sau này khi nghĩ lại, cô nhận ra rằng lý do vì gia đình chỉ là cái cớ, thực chất cô bỏ nghề vì không chịu được cuộc sống thiếu thốn và đơn điệu. Trở thành hướng dẫn viên du lịch, Hương có cơ hội đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người và chính những chuyến xuất ngoại đưa khách du lịch đi tham quan đã khiến Hương trở nên thực dụng hơn. Trong một lần vận chuyển thuê ma túy, cô bị bắt.

Theo hồ sơ phạm nhân, khoảng 13h30 ngày 7-7-2011, tại km63 quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), Công an huyện Cao Lộc và Trạm kiểm soát giao thông Tùng Diễn phối hợp bắt quả tang Hoàng Thị Thu Hương có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu được là 3 bán ma túy có trọng lượng 990,8g heroin. Với hành vi này, Hương bị Toà án nhân dân tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt 20 năm tù giam, về trại giam Ngọc Lý cải tạo từ tháng 1-2012.

Phạm nhân Nguyễn Thị Thu Hương.

Ân hận và nuối tiếc

Nhắc lại chuyện quá khứ, Hương bảo tiếc rất nhiều và xấu hổ nữa. "Vào trong này, thấy nhiều người không biết chữ, thiết tha được đi học, tôi lại cảm thấy tội lỗi của mình thật lớn. Tôi từng đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình nhưng mọi lý do chỉ là để biện minh thôi. Đến ước mơ của mình mà còn từ bỏ thì chẳng có gì bao biện cho được. Cứ nghĩ thế là tôi xấu hổ", Hương tâm sự.

 "Dù sao thì tôi vẫn may mắn vì còn được gia đình quan tâm, tháng nào cũng lên thăm gặp. Con gái tôi được bố nó chăm chút, lo lắng, đầu tư cho học hành. Tôi chẳng có điều gì phàn nàn cả", Hương tâm sự. Cô bảo mặc dù vợ chồng đã bỏ nhau nhưng thi thoảng người chồng cũ lại đưa con gái vào thăm mẹ và những khi đó, hai người lại hỏi thăm, động viên nhau như hai người bạn thân, không giận hờn, oán ghét.

Vào Trại giam Ngọc Lý, Hương cải tạo ở đội may mặc. Ngoài thời gian lao động ra, cô tham gia vào các phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao của trại. Trong cuộc thi kể chuyện qua sách được tổ chức giữa các trại giam, Trại giam Ngọc Lý đoạt giải nhất trong đó có tiết mục kể lại nhân vật cái Tý trong tác phẩm “Tắt đèn” do Hương nhận vai. 

Hương bảo lúc diễn vai cái Tý, cô đã rất xúc động khi cảm nhận mình là đứa trẻ thời điểm đó phải vứt bỏ tất cả trong ấm ức. Rồi cô liên tưởng tới con gái  mình, liên tưởng tới hoài bão mình từng theo đuổi để rồi nước mắt cứ trào ra vì ân hận và nuối tiếc. Hương đã khóc thực sự cho sai lầm của mình.

Các phạm nhân đang cắt tỉa cây cảnh và dọn dẹp khuôn viên trại giam Ngọc Lý.

"Ngoài diễn vai cái Tý, tôi còn diễn nhiều vai nữa song chỉ những vai diễn liên quan đến việc phòng chống ma túy khiến tôi khổ tâm hơn cả. Tôi không nghiện, thu nhập khá ổn định, trình độ cũng có nên lý do nào biện minh cho sa ngã của mình cũng không thể chấp nhận được", Hương bộc bạch. Cô bảo niềm vui của cô bây giờ chính là những lúc rảnh rỗi lên thư viện đọc sách và bạn tù nào không biết chữ thì dạy họ, coi như chuộc lỗi với chính mình.

Tính đến thời điểm này, Hương đã cải tạo được hơn 8 năm và đã 2 lần được xét giảm án. Cô hy vọng sẽ cố gắng cải tạo tốt hơn nữa để năm nào cũng được giảm án. Hỏi đã có dự định gì cho ngày trở về, Hương bỗng trở nên tư lự. Dõi đôi mắt nhìn xa xăm, Hương khẽ bảo: "tôi chỉ mong những sai lầm của tôi được mọi người bỏ qua, cho tôi một cơ hội làm lại cuộc đời còn sau này làm việc gì thì nghề nào cũng không quan trọng, miễn là nuôi sống bản thân và không vi phạm pháp luật".

Hẳn là sau những vấp váp mà bây giờ Hương đã nhận ra rằng phàm là thứ gì có thể dùng tiền để đo đếm đều rẻ. Chỉ có thời gian với những ước mơ, hoài bão nếu đã để vuột mất thì không thể lấy lại được.

Vĩnh Hà
.
.
.