Cô dâu Việt ở Hàn Quốc: Kết hôn với anh, sống với em, 4 người bị triệu tập

Thứ Tư, 16/10/2013, 17:00

“Tờ Munhwa Ilbo của Hàn Quốc trong tháng 7 đưa tin cảnh sát Gangbook tại Daegu đã bắt giữ một phụ nữ Việt Nam vì bị tình nghi nhập cư trái phép. Cùng với phụ nữ này còn có ba người đàn ông cũng bị triệu tập vì liên quan đến một trường hợp trớ trêu: lấy người anh và sống với người em như vợ chồng chính thức”.

Mượn tên anh lấy vợ

Theo cảnh sát cho biết, người em họ Cho năm nay 52 tuổi sống với chị T. (tên nhân vật đã được thay đổi), 38 tuổi là một phụ nữ Việt Nam nhập cảnh từ năm 2012. Thế nhưng trên giấy tờ hợp pháp họ hoàn toàn không phải là vợ chồng. Sau khi điều tra, cảnh sát đã vỡ lẽ rằng chị T có đăng ký kết hôn với anh của ông Cho, năm nay 63 tuổi tạo ra một cuộc hôn nhân giả.

Được biết ông Cho làm việc tại một nhà máy thực phẩm, lại là người thiểu năng trí tuệ cấp 2, không dễ gì để tìm được một người phụ nữ phù hợp chịu chung sống suốt đời cùng ông. Đó là vào tháng 8 năm 2011, trong làng có một ông mối làm tại một trung tâm môi giới hôn nhân tên là Kim, 73 tuổi, gợi ý rằng hãy để ông giúp tìm một người phụ nữ Việt Nam về làm vợ. Đã lớn tuổi và khao khát có một người phụ nữ bên mình để xây dựng gia đình, ông Cho không ngần ngại mang số tiền mình tích góp được bấy lâu nay để nhờ ông Kim lo liệu.

Tại sở cảnh sát, ông Cho khai nhận số tiền là 10 triệu won, tương đương 190 triệu đồng Việt Nam để ông Kim làm các thủ tục qua lại Việt Nam cũng như làm các giấy tờ thủ tục. Ông Kim đưa ông Cho sang Việt Nam và gặp chị T., họ đồng ý lấy nhau và ông Cho trở về Hàn Quốc chuẩn bị giấy tờ đón vợ sang.

Tuy nhiên trong quá trình đưa vợ sang Hàn Quốc đã có một vấn đề phát sinh. Đó là một vài năm trước đấy, trong một lần giúp bạn viết giấy bảo lãnh tài chính, không may ông trở thành tội phạm tín dụng. Chính vì lý do này ông không thể bảo lãnh cũng như làm thị thực kết hôn cho vợ mình.

Khi được biết về hoàn cảnh của ông Cho, ông Kim khuyên nên nhờ một ai đó người thân quen đủ điều kiện đứng ra làm đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Ông Cho nghĩ ngay tới người anh của mình đã ly hôn năm 2006. Người anh của ông Cho đã 63 tuổi và với ước nguyện của em trai, ông không thể làm ngơ, đồng ý cho mượn tên của mình để làm đăng ký kết hôn. Người anh đã lớn tuổi và ông không có ý định kết hôn thêm một lần nữa. Tới tháng 3 năm 2012, ông Cho chính thức đón vợ sang và bắt đầu cuộc sống vợ chồng.

Tưởng rằng mọi việc dàn xếp như vậy sẽ yên ổn, nhưng trong làng xuất hiện nhiều tin đồn, rằng ông Cho sống với chị dâu mình. Tin đồn lan tới tai cảnh sát địa phương và tất cả đều bị triệu tập về sở cảnh sát để điều tra và làm rõ.

Ảnh minh họa.

Một sự thật là các cô gái Việt Nam khi đồng ý lấy chồng Hàn Quốc theo môi giới đều không được chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức. Có nhiều người thậm chí không biết tên chồng mình là gì, chỉ gật đầu đồng ý và phó mặc hết các thủ tục cho những người môi giới bất hợp pháp. Chính vì vậy khi tới Hàn Quốc, những cô gái này không thể tự bảo vệ được cuộc sống của mình. Cũng như bởi chưa hiểu rõ về con người, thân thế của người đàn ông mình sẽ lấy làm chồng mà chỉ kỳ vọng vào một viễn cảnh tương lai tươi sáng, những người phụ nữ ấy thường bị thất vọng, chán chường và thậm chí bị lạm dụng khi sang xứ người.

Những mảnh đời xa xứ

Ngay từ đầu năm 2013, một cậu bé 3 tuổi có bố là người Hàn Quốc, mẹ là người Việt Nam đã trở thành trẻ mồ côi bởi mẹ cậu đã tự tử vì trầm cảm, ngay sau đó người bố cũng tự tử theo. Cô dâu này còn quá trẻ, mới chỉ 23 tuổi khi dùng chiếc thắt lưng để treo cổ tự tử. Cậu con trai 3 tuổi mắc bệnh lý và lên 3 vẫn chưa nói được. Áp lực cuộc sống trên vai người mẹ trẻ. Cô muốn tập trung kinh tế và sức lực để nuôi dưỡng, chữa trị cho con. Trong khi đó mẹ chồng cô luôn bắt hai vợ chồng phải sinh thêm con nữa. Cô bị rơi vào trạng thái trầm cảm, để lại một bức thư và tự vẫn. Một vài ngày sau, quá đau buồn, người chồng cũng uống thuốc ngủ tự tử theo.

Trước đó một vài năm, hàng loạt tin tức về các cô dâu bị giết hại tại Hàn Quốc được báo về Việt Nam với nhiều đau đớn và thương tiếc. Hầu hết nguyên nhân khiến cho người chồng không thể kiểm soát được cơn giận dữ của mình là do những bất đồng về lối sống, về ngôn ngữ, những điều nếu người phụ nữ Việt Nam được chuẩn bị đầy đủ hơn, ý thức hơn và có trách nhiệm hơn với hạnh phúc của chính bản thân mình, có lẽ những chuyện đau lòng sẽ giảm đi rất nhiều.

Nói như vậy cũng không có nghĩa rằng tất cả những cô gái Việt làm dâu xa xứ đều không tìm được hạnh phúc của mình. Một cô gái 24 tuổi kết hôn với một người đàn ông 40 tuổi qua một lần anh tới Việt Nam du lịch và cũng mong muốn tìm được ý trung nhân đã chia sẻ: “Tôi bước chân xuống sân bay trên đất Hàn vào một ngày tuyết phủ dày đặc và rét tê tái. Chưa bao giờ tôi cảm nhận cái lạnh nào như thế. Tôi nhớ nhà da diết. Đón tôi là cả gia đình chồng với cái áo bông to sụ mang cho tôi khoác. Tôi cảm giác được an ủi rất nhiều.

Chồng tôi có một xưởng kinh doanh phế liệu nho nhỏ ở Seoul. Vợ chồng tôi ở riêng, anh em nhà chồng cũng ở riêng. Còn một mình mẹ chồng tôi ở một nhà cách đó 30 phút đi xe. Thỉnh thoảng ngày cuối tuần hoặc lễ, Tết thì gia đình cũng tụ tập thăm hỏi nhau.

Nói về chồng tôi, đến bây giờ tôi vẫn không tin rằng mình gặp được một người chồng tốt như thế. Chồng tôi không giàu nhưng là một người đàn ông giỏi kiếm tiền và có khả năng lo đầy đủ cho vợ con. Đối nội, đối ngoại của anh đều được mọi người khen ngợi. Dù đi làm về rất mệt nhưng chồng tôi chưa bao giờ nói một câu to tiếng với vợ.

Dù công việc của anh ở xưởng vất vả, nhưng không bao giờ anh ỷ lại việc nhà cho tôi. Về nhà, bao giờ anh cũng giúp vợ dọn nhà, rửa bát, nấu cơm, không bao giờ kén chọn ăn uống. Vợ nấu thứ gì dù món Hàn hay Việt chồng cũng đều khen ngon (mặc dù tôi nội trợ quá tệ).

Và mới đây, chúng tôi đã có một bé gái 5 tháng tuổi dễ thương. Có lẽ vì lớn tuổi mới có con nên anh càng yêu chiều vợ con hơn. Anh dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.

Gia đình chồng thì luôn thông cảm với sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa của 2 nước. Họ luôn bảo tôi dần thích nghi và học tập.

Mẹ chồng tôi thỉnh thoảng đến chơi cũng nói rằng đừng nghĩ bà là mẹ chồng mà hãy cứ coi như mẹ ruột của mình. Bà biết tôi tính trẻ con nên không bao giờ khắt khe như các bà mẹ chồng khác. 

Còn nữa, chồng tôi biết tôi nhớ nhà nên khi tôi sang Hàn được mấy tháng đã đón bố mẹ tôi sang chơi. Đến giờ mẹ đẻ của tôi – một người khó tính là vậy mà cũng hết lời ca ngợi cách sống của con rể. Chồng tôi còn tự nhận với mẹ sẽ có trách nhiệm lo cho em gái tôi học hành và có công việc tốt, bởi anh biết tôi là con gái lớn trong nhà.

Có lẽ vì có người chồng tốt như thế nên tôi cũng dần thay đổi bản thân mình. Tôi không nhớ về những cuộc tụ tập bạn bè nữa mà chăm học hành và đảm đang việc nhà, cùng chăm sóc con cái. Sắp tới đây, con gái đã cứng cáp và tiếng Hàn tạm thành thạo, tôi có ý định đi làm để giúp bố mẹ và gia đình mình. Tôi cũng không muốn làm gánh nặng cho anh.

Không thể phủ nhận làm dâu xa xứ có những khó khăn nhất định về ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng khi có một người bạn đời hiểu mình và biết chia sẻ thì mọi khó khăn đều không là vấn đề lớn. Tôi thấy câu các cụ ngày xưa nói đúng: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Anh đã dành cho tôi một tình yêu tuyệt đối. Tôi cũng sẵn lòng từ bỏ thú vui, thay đổi bản thân mình để vun đắp cho tổ ấm này”.

Có lẽ đây là một cuộc sống mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mơ ước tới nhưng phải biết để có được hạnh phúc trong tầm tay, cô gái trẻ 24 tuổi này đã rất chăm chỉ học tiếng cũng như thường xuyên giữ liên lạc, tìm hiểu về người bạn đời của mình trước khi gật đầu đồng ý làm vợ của anh. Khi sang tới Hàn Quốc, được sự thông cảm và hậu thuẫn của gia đình chồng, nhưng cô cũng không ngừng phấn đấu và ý thức được những may mắn của mình. Điều mà không phải người con gái nào mong ước về một viễn cảnh “lấy chồng Hàn Quốc” đều có thể làm và đạt được

Phan Mai
.
.
.