Chủ hụi "biến mất", hàng trăm tiểu thương lao đao

Thứ Bảy, 21/03/2020, 13:35
Nghi ngờ chủ hụi đã ôm tiền bỏ trốn, hàng trăm người ở chợ đầu mối Bình Điền, quận 8, TP HCM đã làm đơn tố cáo chủ hụi về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ước tính số tiền bị chiếm đoạt trong vụ vỡ hụi lên tới cả trăm tỷ đồng…


"Bể hụi" trăm tỷ của tiểu thương chợ đầu mối

Cầm tờ đơn tố cáo với gương mặt đau khổ, chị Nguyễn Thị Mỹ Huệ (SN 1985, thường trú xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh) chị cho biết, chị quen bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1967, thường trú xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) vì cùng là những tiểu thương kinh doanh, làm việc ở chợ đầu mối Bình Điền, quận 8. Biết bà Mai có tổ chức chơi hụi nên chị Huệ tham gia góp 4 dây hụi cho bà Mai với số tiền tổng cộng 469,3 triệu đồng.

Chủ hụi Bùi Thị Kim Dung bị Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố, bắt tạm giam.

Theo thỏa thuận thì mỗi dây hụi góp trong vòng 12 tháng, tương đương 12 kỳ, người chơi sẽ được hốt hụi. Nhưng đến lượt chị Huệ hốt thì bà Mai hứa hết lần này đến lần khác, và rồi còn dụ chị Huệ tiếp tục tham gia thêm các dây hụi khác với hứa hẹn sau này sẽ được ưu tiên hốt hụi.

Không những vậy, ngày 15/6/2019, vì tin tưởng bà Mai,  chị Huệ còn cho bà này vay thêm 200 triệu đồng nữa. Tuy nhiên, ngày 15-10-2019, chị Huệ đến nhà bà Mai để yêu cầu trả tiền hụi và tiền vay thì được người ở đây thông báo là căn nhà của bà Mai đã sang tên cho một người khác. Lo sợ mất tài sản, chị Huệ đã liên tục gọi điện cho bà Mai nhưng không liên lạc được.

"Nhiều tháng qua và tận cho đến hôm nay (16/3/2020), tôi và nhiều tiểu thương khác tham gia vào các dây hụi của bà Mai đều không thể liên lạc được. Hiện nay không ai biết bà ấy đi đâu và ở đâu", chị Huệ buồn bã cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có đến hàng trăm tiểu thương rơi vào cảnh tương tự chị Huệ. Ngoài chị Huệ, hiện còn nhiều người tham gia chơi hụi đã làm đơn tố cáo bà Mai có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo đơn tố cáo, nhiều tiểu thương cho biết do quen biết bà Mai có chơi hụi từ nhiều năm nay nên tin tưởng để bà Mai lập hụi, mở nhiều dây hụi cho các hụi viên tham gia. Trong hơn 10 năm đứng hụi tại chợ đầu mối Bình Điền, bà Mai vẫn thu tiền và giao lại tiền hốt hụi cho các hụi viên đàng hoàng, đúng hẹn nên càng ngày số lượng hụi viên tham gia càng đông.

Có số tiền tham gia hụi lớn hơn chị Huệ khá nhiều là trường hợp của anh Nguyễn T.Ph (ngụ phường 2, quận 4) khi anh đã góp cho chủ hụi Mai hơn 1,3 tỷ đồng. Anh Ph. góp 3 dây hụi, mỗi dây là 15 tháng và đã đóng hụi được hơn 1 năm. Theo lịch hẹn thì ngày 20 đến 21-10-2019 anh được hốt hụi, nhưng cho đến nay anh vẫn không lấy được đồng nào.

Nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối Bình Điền lao đao vì chủ hụi "biến mất".

Tương tự là chị Nguyễn Thị N. (ngụ phường 5, quận 8). cho biết, dây hụi chị đóng là từ ngày 24/9/2018, mỗi tháng phải đóng hơn 100 triệu đồng. Tổng số tiền chị đóng vào các dây hụi của bà Mai cũng lên tới khoảng 1,4 tỷ đồng và khi sắp tới lượt chị được hốt hụi thì nghe thông tin bà Mai bỏ trốn, khiến chị gần như suy sụp hoàn toàn.

Với số tiền đóng tiền hụi ít hơn, khoảng hơn 1 tỷ đồng, chị Trần M.T (SN 1976, thường trú phường 10, quận 8) cũng "sống dở, chết dở" khi tham gia vào các dây hụi của bà Mai…

Đau khổ nhất là trường hợp của chị Nguyễn Thị T.L (SN 1980, quê Tiền Giang). Chị L. cho biết, ngoài việc kinh doanh tại chợ Bình Điền, chị còn tham gia một dây hụi khác ở quê với vai trò là người đứng ra thu tiền hụi của một số tiểu thương bán thịt lợn khác. Nhưng cũng vì muốn có thêm thu nhập, chị L. đánh liều gom hết số tiền đó dồn vào dây hụi của bà Mai.

Theo chị L., tổng số tiền chị đã góp vào dây hụi của bà Mai lên tới gần 1 tỷ đồng, nhưng số tiền bị vướng nợ cũng đã lên tới 1,2 tỷ đồng. Trước khi bà Mai còn thu hụi, mỗi tháng chị phải đóng lên tới hơn 100 triệu đồng cho các dây hụi mình góp… Đến khi biết tin bà Mai bỏ trốn, chị như muốn ngã quỵ. Những người góp tiền cũng bắt đầu quay sang đòi nợ chị, biến chị từ chủ hụi trở thành con nợ…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, danh sách kê khai của các hụi viên cho thấy, số tiền góp hụi mà các bị hại đã đóng cho bà Mai dao động từ 40 triệu đồng cho đến 1,5 tỷ đồng/người. Ước tính số tiền bị bà Mai chiếm đoạt có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Nhiều người cho rằng, để thực hiện hành vi này, bà Mai đã có những toan tính từ trước, cố tình gom hụi lần cuối để sau đó "cao chạy xa bay". Và đáng nói là bà Mai đã sang nhượng lại căn nhà đang ở cho người khác, nhằm tẩu tán tài sản.

Là người đứng ra đại diện cho các tiểu thương gửi đơn tố cáo lên cơ quan Công an và Viện Kiểm sát nhân dân quận 8 (nơi tọa lạc chợ Bình Điền) và huyện Bình Chánh (nơi cư ngụ của bà Mai), chị Huệ cho biết, Công an quận 8 và Công an huyện Bình Chánh cũng đã mời chị lên làm việc liên quan đến nội dung chị trình báo.

Tuy nhiên, sau khi xem xét, cả Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh và Công an quận 8 đều cho rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết nên hướng dẫn chị Huệ gửi đơn đến Tòa án để phân xử.

Nhưng khác với quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, Viện Kiểm sát nhân dân quận 8 lại báo tin cho chị Huệ việc  chuyển đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh để giải quyết theo thẩm quyền.

Tiếp đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã chuyển đơn tố cáo đến Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh và hiện cơ quan này đang xem xét, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Việc tuân thủ pháp luật về hụi chưa thực hiện nghiêm minh

Ngoài vụ việc kể trên, gần đây ở nhiều tỉnh, thành phía Nam cũng có không ít những vụ việc tương tự. Và cũng đã có không ít vụ việc cơ quan Công an vào cuộc và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đơn cử như tại Bến Tre, ngày 18/2/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở của Trần Thị Thúy Oanh (42 tuổi, ngụ xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo Công an tỉnh Bến Tre, từ năm 2006, Oanh làm chủ 33 dây hụi để người dân tham gia.

Vào cuối tháng 9/2018, Oanh bất ngờ tuyên bố vỡ hụi, không tổ chức khui hụi, thu tiền hụi, không giao tiền hốt hụi cho các hụi viên. Sau đó, các hụi viên không thể nào liên lạc được với Oanh nên làm đơn tố giác. Kết quả điều tra, tổng số tiền mà Oanh đã chiếm đoạt là hơn 3 tỷ đồng…

Mới đây nhất, ngày 11/3/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh cũng đã khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam đối với Bùi Thị Kim Dung (39 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, TP Trà Vinh) để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo kết quả điều tra, Dung đứng ra tổ chức làm chủ hụi có giá trị từ 500 ngàn đồng đến 5 triệu đồng tại địa phương để hưởng tiền "huê hồng". Đến tháng 7/2019, Dung mất khả năng cân đối, không có tiền giao hụi nên tuyên bố vỡ hụi. Tại thời điểm vỡ hụi còn 41 dây hụi chưa kết thúc được mở trong thời gian từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2019.

Đơn tố cáo của chị Huệ gửi cơ quan chức năng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã chứng minh được 28 dây hụi mà Dung có hành vi gian dối bỏ thăm hốt 191 phần, chiếm đoạt số tiền hơn 6,2 tỷ đồng. Số tiền này Dung khai nhận đã dùng để tiêu xài cá nhân, trả nợ ngân hàng và mua đất 1,2 tỷ đồng, cho con du học hết 2 tỷ đồng...

Theo thống kê của Công an tỉnh Trà Vinh, đơn vị này đã tiếp nhận hàng chục vụ vỡ hụi, với số tiền bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Thực tế cho thấy, việc chơi hụi nếu tuân thủ theo quy định của pháp luật thì sẽ tạo được sức lan tỏa, hiệu ứng tích cực trong cộng đồng xã hội, là một trong những hình thức giao dịch thuận lợi, hiệu quả để các thành viên trong xã hội tương trợ lẫn nhau về nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Ngược lại, sẽ mang đến những hậu quả nặng nề, chủ hụi (đầu thảo) nếu có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, hụi viên thì sẽ mất tài sản, nhiều gia đình rơi vào tình cảnh khốn đốn, nợ nần, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Để giảm thiểu rủi ro cũng như thể hiện vai trò quản lý Nhà nước trước hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán, năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi hụi. Tuy nhiên, văn bản pháp lý này vẫn chưa đủ hiệu quả để bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người chơi trong trường hợp xảy ra giật hụi, vỡ hụi.

Nhằm khắc phục tình trạng này, ngày 19/2/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP có những quy định cụ thể hơn từ nguyên tắc tổ chức hụi, điều kiện chơi đến văn bản thỏa thuận cũng như lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên… Trong đó, nêu rõ các ràng buộc pháp lý và sự tham gia giám sát của chính quyền.

Tuy nhiên, vì hoạt động tín dụng tự phát, tự nguyện và tự thỏa thuận và do ý thức chủ quan, ham lợi của người dân nên công tác phòng ngừa, ngăn chặn triệt để đối với hành vi vi phạm pháp luật từ chơi hụi là rất khó khăn, đa số các vụ việc khi đã xảy ra giật hụi, người dân tố cáo thì lực lượng chức năng mới vào cuộc.

Trong thực tế, để không trở thành nạn nhân của nạn "giật hụi", "vỡ hụi", mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác bảo vệ tiền và tài sản của chính mình; nên xem xét kỹ khi quyết định tham gia vào các dây hụi, tránh tâm lý ham lợi trước mắt bởi những thủ đoạn lừa đảo của chủ hụi dẫn đến tình trạng "tiền mất, tật mang".

Ánh Xuân
.
.
.