Chân dung cặp vợ chồng chuyên buôn bán tiền giả
Đội mác làm kinh tế mới để buôn bán tiền giả
Cùng sinh ra ở Hải Hậu, Nam Định, cách đây hơn 10 năm, trong một chuyến đi vào huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai thăm những người thân của mình, Vũ Văn Nhân gặp một người quen từ thuở thiếu thời đã có nhiều của ăn của để, và còn nay đi đây mai đi đó để du lịch. Nhân liền lân la làm quen người bạn này và muốn học hỏi cách làm giàu nhanh chóng ấy. Vì người bạn này chuẩn bị chuyển đi nước ngoài sinh sống nên Vũ Văn Nhân càng thiết tha muốn được bạn chỉ giáo cho cách làm giàu hơn. Người bạn này tuy đã giải nghệ nhiều năm nhưng vẫn mách nước cho Nhân biết, muốn giàu nên nhanh chóng chỉ còn cách chế tạo và buôn bán tiền giả. Tiền mệnh giá 200 ngàn đồng là dễ làm nhất đồng thời cũng dễ tiêu thụ nhất nên có thể bắt tay vào với loại tiền mệnh giá này.
Ban đầu cũng thấy mơ hồ nhưng do quá khao khát với con đường này nên Nhân đã kỳ công học và nghiên cứu cho bằng được. Sau khi được bạn mách nước, Nhân rời Tây Nguyên về quê bàn với vợ của mình là Nguyễn Thị Chiều rằng, sau khi khảo sát ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên thấy trình độ dân trí ở khu vực này còn chưa đồng đều và dễ tin người nên nếu luyện thành công chiêu chế biến và buôn bán tiền giả thì nhất định sẽ lừa được nhiều người một cách trót lọt. Thấy chồng vẽ ra bao nhiêu thứ lợi lộc và một viễn tưởng đầy sung túc nên Chiều đồng ý ngay. Sau đó cả hai vợ chồng Nhân chuyển vào huyện Ia Grai với lý do đi khai hoang làm kinh tế mới.
Sau khi vào Tây Nguyên, cùng với những chiêu trò được người bạn truyền cho thì vợ chồng Vũ Văn Nhân lục lọi khắp nơi tìm kiếm các cách làm tiền giả và tiêu thụ nó. Khi đã có nhiều “kỹ năng”, cả hai vợ chồng Nhân lê la qua khắp các khu vực chợ huyện ở miền Trung và Tây Nguyên để khảo sát tình hình.
Đối tượng Nguyễn Thị Chiều, đối tượng Nguyễn Văn Nhân. |
Nhận thấy rằng có thể dùng giấy cứng scan hình đồng tiền 200 ngàn đồng sau đó ép một lớp nilon siêu mỏng bên ngoài thì dễ dàng qua mặt được những người dân trong các chợ huyện, thậm chí các tiểu thương ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thế nên hai vợ chồng Nhân vừa mua lại của người khác vừa sản xuất ra khối lượng lớn tiền giả mệnh giá 200 ngàn đồng. Sau đó cả hai cùng “miệt mài” đến các chợ ở vùng nông thôn mua hàng giá vài chục ngàn để được trả lại tiền thật.
Cứ trung bình mỗi ngày chúng đi mua khoảng 300 ngàn tiền hàng thì được trả lại gần 3 triệu đồng tiền thật. Có những món hàng chỉ giá trị 10 ngàn đồng nhưng Nhân vẫn đưa 200 ngàn đồng tiền giả để được trả lại 190 ngàn đồng tiền thật. Bằng chiêu này, chúng đã lừa đảo được khắp các chợ ở khu vực Tây Nguyên và nhanh chóng trở nên khá giả có thể vi vu này đây mai đó.
Nhiều người dân ở huyện Ia Grai lấy làm bất ngờ khi cả hai vợ chồng Nhân vào làm kinh tế mới chưa được bao lâu mà nhanh chóng trở nên giàu có đến thế. Thậm chí còn được chính quyền địa phương khen vì có thành tích làm kinh tế, trong khi đó chúng chỉ nhận có vài sào cà phê.
Huấn luyện người ruột thịt cùng tham gia
Sau nhiều tháng dấn sâu vào con đường làm ăn phi pháp này, Nguyễn Thị Chiều sực nhớ ra mình còn có người em gái ruột là Nguyễn Thị Đạt (ở phường Vĩnh Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa) còn nhiều khó khăn và hằng ngày phải lao động chân tay khá chật vật nên Chiều đã bàn với chồng của mình hãy cùng về Nha Trang để huấn luyện cho vợ chồng Đạt cách “làm ăn” như vợ chồng Nhân đã áp dụng và thực hiện suốt thời gian qua.
Ban đầu Nhân không đồng ý vì nghĩ địa bàn Nha Trang sẽ khó hoạt động bởi các tư thương khá sành sỏi, không như những vùng nông thôn ở Tây Nguyên. Thế nhưng được vợ thuyết phục mãi nên Nhân đồng ý cùng vợ về Nha Trang bày cách cho vợ chồng Nguyễn Thị Đạt và Nguyễn Văn Lượng cùng buôn bán và tiêu thụ tiền giả.
Do chỉ quen đi làm thợ mộc nên vợ chồng Lượng khá ngỡ ngàng với cách làm ăn nhẹ nhàng nhưng lại nhanh kiếm lời này. Sau khi nghe chị gái phân tích thì dần cũng thấm hiểu và hứng thú ngay. Vẫn các chiêu cũ, vợ chồng Nhân hướng dẫn cách tẩu thoát khi bị phát hiện lẫn cách tiêu thụ tiền giả ở các khu vực chợ nông thôn ở Khánh Hòa. Nhân dặn, phải dùng tiền giả mua hàng với mệnh giá rất thấp lúc đông người để chủ quán không kiểm soát hay quan sát kỹ. Hơn nữa, nếu bị phát hiện thì lúc đông người vẫn có thể “lặn” được ngay.
Cứ mỗi tờ tiền mệnh giá 200 ngàn đồng giả, vợ chồng Lượng phải trả cho vợ chồng Nhân 60 ngàn đồng tiền công sản xuất. Nếu vợ chồng Nhân phải đi mua tiền giả thì vợ chồng Lượng phải trả giá cao hơn. Muốn bao nhiêu là có bấy nhiêu. Ban đầu vợ chồng Lượng “tập sự” bằng cách dùng một số tờ tiền giả đến chợ Vĩnh Hải (Nha Trang) mua hàng hóa giá trị thấp và thu được gần 1 triệu đồng tiền thật.
Cứ như vậy, các ngày sau đó vợ chồng Lượng tung hoành khắp các chợ ở vùng ven Nha Trang. Sau đó chúng bắt đầu tiến dần đến các chợ huyện. Khi nào tiêu thị hết tiền giả thì Lượng lại báo cho vợ chồng Nhân gửi xe ôtô dưới dạng hàng hóa xuống cho mình. Có khi cần số lượng lớn thì đích thân vợ chồng Nhân – Chiều sẽ mang xuống bán cho em mình. Có những ngày hàng trăm tờ tiền giả đều được vợ chồng Lượng tiêu thụ hết và thu về khoản lớn tiền thật.
Có tiền nhiều trong tay, vợ chồng Lượng nhanh chóng từ giã nghề làm thợ mộc và còn “đào tạo” thêm một người bạn của Lượng là Nguyễn Văn Huân cùng tham gia đường dây với mình. Lúc này, vợ chồng Nhân-Chiều chỉ ngồi một chỗ để sản xuất kiếm lời.
Sa lưới sau hơn 2.000 ngày lẩn trốn
Sau một thời gian dài hoạt động, quá nhiều tiểu thương trong các chợ ở Khánh Hòa phát hiện ra mình bị mua hàng bằng rất nhiều tiền giả nhưng vợ chồng Lượng lại thoắt ẩn thoắt hiện, nay chợ này, mai chợ khác nên không xác định được chính xác.
Tuy nhiên, do tiêu thụ số tiền giả quá lớn nên trong một lần tiêu thụ ở TP Cam Ranh, vợ chồng Lượng đã bị các tiểu thương nghi vấn và báo với cơ quan chức năng. Các trinh sát đã theo dõi sát sao hành động của cặp vợ chồng này trong nhiều ngôi chợ và nhanh chóng lột được chiếc mặt nạ của chúng khi bắt quả tang chúng đang tiêu thụ số tiền giả rất lớn ở Diên Tân (Diên Khánh, Khánh Hòa). Sau nhiều lần quanh co chối tội, cuối cùng vợ chồng Lượng cũng phải khai ra Nhân và Chiều.
Các trinh sát tức tốc lên huyện Ia Grai để tiến hành truy bắt, tuy nhiên cặp vợ chồng ranh mãnh này đã thám thính được sự việc và tẩu thoát đi trước đó chỉ mấy tiếng đồng hồ. Chúng không để lại bất cứ dấu vết gì, những người dân quanh nơi chúng ở cũng không hề biết vợ chồng Nhân đi đâu, mọi số điện thoại chúng đều thay đổi. Xác định đây là các đối tượng sản xuất, tiêu thụ tiền giả tinh vi nên các trinh sát về quê Nhân vẫn không có manh mối gì.
Lệnh truy nã được phát đi nhưng chúng vẫn lẩn trốn rất khôn khéo ở khu vực TP Hồ Chí Minh. Để cho mọi việc lắng xuống, chúng cải trang làm người nghèo khổ, phụ bán trong các quán cơm ở TP Hồ Chí Minh.
Sau 7 năm lẩn trổn, nhiều lần cải trang nhưng đến cuối năm 2014, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Khánh Hòa nhận được nguồn tin báo vợ chồng Nhân đang thuê một căn nhà ở bên hông chợ Tâm Bình (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), các trinh sát lập tức có mặt và mật phục ở quán cơm nơi vợ chồng Nhân cải trang làm việc để bắt quả tang.
Đến ngày 8/12/2014, cơ bản chúng đã thú nhận mọi hành vi của mình sau nhiều năm trốn truy nã. Bài học cho các tiểu thương ở vùng nông thôn là hãy cẩn trọng với tiền giả.