Bóc gỡ đường dây lừa đảo 65 tỷ đồng xuyên quốc gia

Thứ Sáu, 19/06/2020, 10:04
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Cảnh sát Hoàng Gia Campuchia đã bóc gỡ thành công đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, bắt giữ 4 bị can, trong đó có hai đối tượng người nước ngoài.


Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai xác định 9 tài khoản đối tượng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có số tiền giao dịch lên tới 65 tỷ đồng, trong đó có trên 40 tỷ đồng là của người bị hại, với khoảng 1.300 thông tin về người bị hại ở 53 tỉnh, thành trong cả nước. Vụ án có sự khác biệt với các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác là toàn bộ quá trình hoạt động phạm tội và nơi sinh sống của đối tượng đều ở nước ngoài.

Kết cục buồn của những người đàn bà lấy chồng ngoại quốc

Giữa năm 2018, Otujieme Frank Ikenna gọi tắt là Frank (SN 1989, trú tại thị trấn Overri, huyện New Owerri, bang Imo, Nigeria) nhập cảnh vào Việt Nam rồi sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Khoảng tháng 5-2019, Frank quá cảnh sang thủ đô Phnompenh, Campuchia. Trong thời gian này, Frank gặp Osuchukwu Bede Okwudiri gọi tắt là Bede (SN 1988, trú tại Setatin in snu L.G.H, bang Imo, Nigeria), là anh, em liên gia của Frank.

Đối tượng Ngô Thị An.

Khi được Frank rủ cùng tham gia vào việc lừa tiền của phụ nữ Việt Nam, bằng hình thức giả gửi các món quà từ nước ngoài về... Bede đồng ý, hai bên thống nhất tỷ lệ ăn chia như sau: Người nào có thông tin của người bị hại (trực tiếp Chat kết bạn với bị hại) được hưởng 73%/ tổng số tiền chiếm đoạt được. Người trực tiếp gọi điện (giả danh nhân viên công ty vận chuyển hàng, Hải quan...) liên lạc với bị hại để nhận tiền thì được hưởng 27%.

Cuối tháng 5-2019, Frank quen Ngô Thị An. Vào thời điểm đó, An đang có chuyện buồn về tình cảm nên đã nhanh chóng sa vào lưới tình của gã đàn ông người ngoại quốc."Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", sau khi được Frank rủ rê, An đã đồng ý tham gia vào việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của phụ nữ Việt Nam.

Theo sự phân công, An có nhiệm vụ liên lạc với các bị hại là người Việt Nam (theo danh sách Frank cung cấp hàng ngày) giả danh là nhân viên công ty vận chuyển hàng, nhân viên Hải quan... thông báo cho người bị hại biết họ có gói quà được gửi từ nước ngoài về và yêu cầu họ nộp tiền phí vận chuyển, tiền thuế (theo số tiền Frank cung cấp).

Khi người bị hại đồng ý nộp tiền, An sẽ gửi số tài khoản để các nạn nhân chuyển tiền. Frank thống nhất cho An 5% tổng số tiền chiếm đoạt được. Thực hiện kế hoạch, An nhập cảnh về Việt Nam tìm kiếm thông tin thuê người mở tài khoản ngân hàng. Từ ngày 4-6-2019 đến tháng 31-12-2017, An đã thuê Vũ Đình Hữu (SN 1997, ở tỉnh Kiên Giang) mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau...

Sau khi có số điện thoại và tài khoản ngân hàng, trong thời gian từ ngày 20-6 đến ngày 14-10-2019, An cùng đồng bọn đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng trăm phụ nữ là người Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành phố và chủ yếu thực hiện việc rút tiền USD tại các cây ATM ở thủ đô Phnompenh, Campuchia (có 1 số lần An về Việt Nam rút tiền ở các cây ATM tại Kiên Giang và Bình Dương).

Tuy nhiên, do các cây ATM khống chế hạn mức, mỗi ngày chỉ rút được 1.200USD nên An đã vào mạng xã hội Facebook “Cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia kết nối”, thuê vợ chồng Nguyễn Ngọc Huệ, Trần Nam Phong (trú tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) đổi tiền từ Việt Nam đồng sang USD với mức phí là 0,2%.

Đối tượng Bede Okwudiri.

Sau đó, từ ngày 15-10-2019 đến 27-2-2020, toàn bộ số tiền chiếm đoạt được của các bị hại thông qua tài khoản của Vũ Đình Hữu, An đều chuyển vào tài khoản của Huệ. Cuối mỗi ngày, Huệ chốt tổng số tiền nhận được và quy đổi ra USD (theo tỷ giá biến động hàng ngày), sau khi trừ 0,2% tiền phí thỏa thuận rồi thông báo cho Phong biết tổng số tiền USD phải thanh toán cho An để Phong giao tiền USD tại Campuchia.

 Tháng 6-2019 qua mạng xã hội Whats app, Bede kết nối làm quen với một người đàn ông tên là C Kay, quốc tịch Nigeria. C Kay rủ Bede cùng tham gia vào việc lừa tiền của các phụ nữ Việt Nam qua mạng xã hội Facebook để lấy tiền chia nhau.

Trong đó, C Kay là người cung cấp cho Bede thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại, số tiền sẽ lừa của người bị hại. Còn Bede có nhiệm vụ liên lạc và tạo ra các lý do để người bị hại chuyển tiền theo yêu cầu. tỷ lệ ăn chia: C Kay hưởng 60%, Bede hưởng 40%/ tổng số tiền chiếm đoạt được.

Ngày 11-2, C Kay nhắn tin cung cấp cho Bede thông tin tên, địa chỉ, số điện thoại của chị Đại Thị Th (trú tại Lào Cai). Với phương thức, thủ đoạn là có một kiện hàng gửi từ nước Đức về cho Th, lần đầu các đối tượng chiếm đoạt của chị Th là 700 USD. Sáng 12-2, sau khi nhận được thông tin của Frank, An đã gọi điện cho chị Th giả danh là nhân viên công ty vận chuyển hàng của Cảng hàng không quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất, thông báo cho nạn nhân có một gói hàng được gửi về từ Đức và yêu cầu chị Th phải nộp phí vận chuyển là 17 triệu đồng.

Do trước đó thông qua mạng xã hội Facebook, chị Th có quen một người đàn ông có tài khoản Facebook là “Loveth John”, người đàn ông này nói sẽ gửi từ Đức về cho chị Th số tiền 700.000 USD nên chị Th đã tin tưởng và chuyển số tiền trên vào tài khoản mang tên Vũ Đình Hữu. Sau khi chiếm đoạt được số tiền này, C Kay tiếp tục nhắn tin thông báo cho Bede biết số tiền sẽ lừa chị Th trong những lần tiếp theo với tổng số tiền lên tới 538 triệu đồng.

Sang nước ngoài bắt tội phạm

Nạn nhân Th sau đó đã trình báo sự việc đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai. Xác định đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền rất lớn; vụ án không chỉ dừng lại ở một nạn nhân, Đại tá Lưu Hồng Quảng, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án đấu tranh. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã có công văn đề nghị Cục Cảnh sát hình sự phối hợp; chỉ đạo đấu tranh triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia.

Kể lại những khó khăn trong quá trình điều tra vụ án, Đại tá Trần Quốc Huy, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai chia sẻ: Trong vụ án này, đối tượng sử dụng tài khoản của nhiều ngân hàng khác nhau để nhận tiền (trong đó các tài khoản này đều được các đối tượng thuê chủ tài khoản mở để sử dụng). Sau khi nhận tiền của bị hại, nhóm đối tượng chuyển tiền vòng qua nhiều tài khoản khác nhau, sau đó mới chuyển vào tài khoản của người đổi tiền nên việc xác minh mất nhiều thời gian...

Đối tượng Frank Ikenna.

Quá trình rà soát bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Lào Cai phối hợp Cục Cảnh hình sự, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Cảnh sát Campuchia đã xác định được các đối tượng liên quan đến vụ án gồm Frank Ikennia; Ngô Thị An, Nguyễn Thị Phương Trúc và Trần Nam Phong... Xác định đối tượng đã khó, bắt giữ còn khó khăn hơn nhiều.

Giữa những ngày đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một tổ công tác dưới sự chỉ đạo của Thượng tá Nguyễn Minh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai đã vào TP Hồ Chí Minh. Ban đầu, họ triệu tập Huệ là vợ của Trần Nam Phong nhưng quá trình đấu tranh không thu được nhiều thông tin. Ban chuyên án xác định Nguyễn Ngọc Huệ cùng chồng là Trần Nam Phong chỉ là người đổi tiền, không biết gì về hành vi phạm tội của các đối tượng.

Tổ công tác tiếp tục sang Campuchia phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ xác định và triệu tập được Frank Ikennia; đồng thời làm rõ được vai trò của Bede Osuchukwu trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia đối với các bị hai người Việt Nam thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Ngày 3-3, Công an Việt Nam phối hợp với Cảnh sát Campuchia đã xác định, triệu tập được đối tượng Bede Osuchukwu...

Quá trình đấu tranh đã làm rõ hành vi phạm tội của Frank, Bede và An; đồng thời bắt giữ đối tượng. Tại cơ quan Công an, An và các đối tượng đã khai nhận hành vi cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt 538 triệu đồng của chị Th và nhiều bị hại khác ở Việt Nam. Qua xác minh các thiết bị điện tử thu được của đối tượng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai xác định ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị Th với phương thức, thủ đoạn như trên, An còn cùng đồng bọn còn chiếm đoạt của nhiều bị hại khác ở 52 tỉnh, thành của cả nước.

Mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai đã bắt giữ Nguyễn Thị Phương Trúc (SN 1992, trú tại Tiền Giang). Quá trình đấu tranh, Trúc đã khai nhận hành vi cùng đồng bọn là Jhonson lừa đảo chiếm đoạt 78 triệu đồng của chị Nguyễn Thị H (trú tại  tỉnh Lai Châu) và nhiều bị hại khác ở Việt Nam). Tháng 10-2018, Trúc sang thủ đô Phnompenh - Campuchia làm thuê tại quán Bar Hujeru. Trong thời gian này, Trúc quen biết và sống cùng một người đàn ông quốc tịch Negeria tên là Jonhson.

Đến khoảng tháng 1-2020, Jonhson rủ Trúc tham gia vào việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam, Trúc có nhiệm vụ giả danh nhân viên công ty vận chuyển hàng, sử dụng điện thoại do Jonhson cung cấp gọi điện thông báo cho các bị hại là người Việt Nam (theo danh sách Jonhson cung cấp hàng ngày) có hàng được chuyển nước ngoài về và yêu cầu bị hại đóng các khoản phí theo chỉ dẫn của Jonh Son. Sau khi người bị hại tin tưởng, Trúc yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản khoản do Jonhson cung cấp).

 Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 9-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Frank, Bede, An và Trúc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Xuân Mai
.
.
.