Bẫy tình lừa tiền tỷ trên facebook
Thật choáng váng khi có phụ nữ lại sẵn sàng đem hơn 2 tỷ đồng để gửi cho đối tượng chưa từng biết mặt quen qua facebook như con thiêu thân. Đây không chỉ là nạn nhân hy hữu của trò lừa tình qua fecebook mà câu chuyện hoang đường này lại diễn ra với nhiều nạn nhân trải dài trên khắp đất nước.
Mất 2,2 tỷ đồng cho "người ảo" làm việc trong "quân đội Mỹ"
Một ngày cuối tháng 5, cái nắng gay gắt trải dài ở vùng mỏ, chúng tôi tới Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh để gặp đối tượng Trần Thị Bích Tuyền, trú tại ấp Bình Ninh, xã Bình Phú, Gò Công Tây, Tiền Giang bị bắt về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - một trong những "mắt xích" quan trọng trong đường dây tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia vừa bị Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Quảng Ninh) bắt giữ.
Tuy 35 tuổi nhưng dáng vẻ và nội tâm của cô ta đã vượt xa so với tuổi tác, vô cùng lọc lõi và từng trải chuyện đời. Không chút hối hận với âm mưu và quỷ kế khi cùng đồng phạm bầy ra "bẫy tình" ngọt ngào trên mạng, cô ta nói chuyện một cách dứt khoát, gương mặt toát lên vẻ chai sạn. Khi nói về thủ đoan giăng bầy lừa "con mồi" với số tiền trên 2 tỷ đồng, cô ta tỏ ra không chút hối hận.
Nhắc tới nạn nhân này, ngay cả những cán bộ thụ lý điều tra vụ án cũng không khỏi "choáng" với sự nhẹ dạ đến mức khó tin của bị hại. Khi tìm hiểu vụ việc, chúng tôi cũng ngỡ ngàng và đặt câu hỏi: tại sao một phụ nữ xấp xỉ tuổi 50 lại có thể tin người một cách mù quáng, không có căn cứ đến vậy.
Thậm chí có người còn cho rằng, thủ đoạn lừa đảo này đến trẻ con còn không tin được, vậy tại sao lại có thể gạt được nhiều người phụ nữ ở độ tuổi không còn bồng bột nữa, họ lại sẵn sàng quăng cho đối tượng một khoản tiền khổng lồ đến nằm mơ cũng khó tưởng tượng ra…
Theo Phòng Cảnh sát Kinh tế thì họ nhận được trình báo của chị Đặng Thị M, SN 1968, trú tại TP Hạ Long thông tin rằng, vào tháng 4-2017, một người đàn ông sử dụng tài khoản facebook là "Patrick Paul" kết bạn với chị. Đoán biết là người nước ngoài, vốn dĩ hay lướt facebook nên chị M đã chấp nhận lời mời.
Chị M cũng ngạc nhiên khi người này lại "chát" với chị bằng tiếng Việt, nhưng sau đó chị cũng không thắc mắc nữa. Người này cho chị biết hiện đang làm trong "quân đội Mỹ" đóng tại Afghanistan.
Đối tượng Trần Thị Bích Tuyền khai nhận tại cơ quan điều tra. |
Trò chuyện qua lại, thấy anh ta nói chuyện khá nhẹ nhàng và chu đáo, quan tâm hỏi han mình, chị M dần cảm thấy thân thiết hơn. Sau một thời gian, Patrick Paul có tiết lộ với chị M là được cơ quan an ninh Mỹ cho 1,2 triệu USD và nhờ chị nhận hộ tại Việt Nam để trốn thuế, đồng thời mong muốn sử dụng số tiền này để hỗ trợ cho chị M trang trải trong cuộc sống.
Với lời nói ngon ngọt như ru ngủ, chị M cảm động đồng ý nhận. Sau khi đã tạo được niềm tin với chị M, đối tượng đã lấy được thông tin như số điện thoại, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số tài khoản của chị M, đồng thời Patrick Paul nói với chị rằng đã chuyển quà qua một công ty chuyển tiền, hẹn khoảng 3 ngày sau sẽ có người liên lạc mang đến tận nhà cho chị.
Với lời lẽ tán tỉnh ngọt ngào, chị M như rơi vào "cõi mê". Mọi chuyện Patrick Paul nói chị đều tin là thật, ngay cả khoản tiền "trên trời" đổ xuống đầu mình chị cũng tưởng thật nốt. Chị răm rắp làm theo lời hắn nói mà chẳng dành chút thời gian suy xét đến sự phi lý của nó.
Ngày 3-5, một phụ nữ nói giọng miền nam gọi cho chị M tự giới thiệu tên Hiền Thu, nhưng đó chính là Trần Thị Bích Tuyền. Tuyền đã giả tên là Hiền Thu nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất thông báo có quà gửi từ nước ngoài về cho chị và yêu cầu chị nộp tiền để nhận quà. Do tin tưởng Paul và không nghi ngờ gì nên chị M đã chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Ninh mang tên Ngô Thị Anh Thư với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Nhưng vài ngày sau, vẫn giọng nữ này gọi điện cho chị, nói hàng gặp một trục trặc nhỏ, chưa ra được sân bay, để đóng phí hải quan, chị phải nộp thêm 300 triệu nữa. Lúc này lại được sự động viên của Paul, chị M tin lý do này là thật, lại ra ngân hàng chuyển tiền.
Như một cô gái mới lớn tin tưởng vào Paul, chị M vui vẻ chuyển khoản. Nhưng mọi chuyện đâu chỉ dừng lại đó, với lời dụ ngon ngọt, chị M đã chuyển tiếp 3 lần tiền nữa cho Hiền Thu. Như vậy, tổng số tiền chị đã chuyển qua tài khoản cho Hiền Thu 5 lần với tổng số tiền là 2.219.727.700 đồng.
Mỗi lần chuyển tiền các đối tượng đều đưa ra lý do khác nhau như: nộp phí chuyển hàng, phí hải quan sân bay, phí thuê luật sư để làm giấy tờ chứng minh là tiền sạch do số lượng tiền gửi trong gói quà rất lớn. Nhưng nửa tháng trôi qua mà quà không nhận được, tiền 1,2 triệu đô cũng không thấy, lên mạng tìm Paul thì thấy hắn mất hút, chị M mới biết mình bị mắc bẫy lừa.
Bẫy tình nhắm vào phụ nữ có tiền
Xác định đây là đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng người nước ngoài và một số đối tượng sinh sống tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam với phương thức thủ đoạn là sử dụng mạng xã hội Facebook và phần mềm nhắn tin gọi điện Whats app, Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác lập chuyên án, cử một tổ công tác phối hợp với các Cục nghiệp vụ phía Nam Bộ Công an và Công an một số địa phương áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, rà soát sàng lọc đối tượng để khẩn trương điều tra làm rõ hành vi lừa đảo của các đối tượng trong đường dây này.
Trong thời gian ngắn, các trinh sát thấy nổi lên đối tượng Trần Thị Bích Tuyền - một người sống lang thang mới về trọ tại khu vực ấp Chí Đồ, xã Bình Đông, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang có nhiều biểu hiện bất minh.
Đối tượng Micheal IkeChukwu Leonard và Huỳnh Hạ Bình. |
Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát xác định Tuyền chính là đối tượng chuyên giả danh các nhân viên giao nhận hàng, nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất và là một trong những đối tượng quan trọng trong đường dây nên đã lên kế hoạch bắt giữ.
Bước đầu Tuyền khai nhận, năm 2015 đối tượng chơi hụi và cho người khác vay nặng lãi dẫn đến vỡ nợ nên đã bỏ trốn khỏi địa phương, sau đó xuất cảnh sang Malaysia. Trong thời gian tại đây, Tuyền đã quen một số đối tượng người Việt Nam đang sống tại Malaysia.
Chúng đã cho Tuyền những thông tin về chị M và Tuyền về Việt Nam đóng giả là nhân viên giao nhận hàng, nhân viên sân bay gọi điện và nhắn tin yêu cầu chị M chuyển tiền. Khi Tuyền đang thực hiện hành vi phạm tội thì bị Cơ quan Công an phát hiện bắt giữ.
Tuyền còn khai nhận đã nhiều lần với thủ đoạn tương tự nêu trên, từ đầu năm 2017 đến nay cô ta đã lừa đảo tiền, tài sản của nhiều bị hại khác trên cả nước và được các đối tượng chi cho số tiền là 40.000.000 đồng.
Theo Phòng Cảnh sát kinh tế thì trước chị M, đơn vị đã nhận được đơn trình báo của 3 nạn nhân khác trú tại Hạ Long, Cẩm Phả và Ba Chẽ bị một số đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn tương tự với tổng số tiền bị chiếm đoạt là 1.242.200.000 đồng. Cơ quan điều tra đã thu giữ của Tuyền 2 điện thoại di động dùng để liên lạc với các nạn nhân. Số tiền mà người bị hại gửi vào các ngân hàng do đối tượng cung cấp là những tài khoản chúng thuê người khác lập sau khi lập xong thì đối tượng sử dụng và chuyển qua các tài khoản khác.
Chúng chủ yếu rút tiền ở nước ngoài và các tỉnh biên giới ở khu vực biên giới Tây Nam nên trong quá trình điều tra xác minh gặp nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần vì nhân dân phục vụ, mặc dù quá trình điều tra xác minh phải đi nhiều nơi, đối tượng sống lang thang nhưng với sự nỗ lực tận tụy trong công việc, các cán bộ chiến sĩ của Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tạo được niềm tin trong nhân dân.
Theo phân tích, đối tượng lừa đảo qua facebook lên mạng tìm những phụ nữ trung tuổi, có tài sản, hôn nhân trục trặc, sau đó giả làm người nước ngoài, dùng "bẫy tình" dụ dỗ nhằm lừa gạt số tiền lớn.
Nhiều nạn nhân là người dân ở tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương khác đã bị lợi dụng qua mạng xã hội đưa tiền cho đối tượng lừa đảo hàng tỷ đồng. Trước đó, năm 2016 Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã khám phá chuyên án lừa đảo qua facebook với thủ đoạn tương tự như trên.
Đối tượng cầm đầu là người da đen, quốc tịch Nigieria. Từ tháng 9-2015 đến tháng 2-2016 chị Phan Thị H, trú tại thành phố Hạ Long bị chúng lừa số tiền 701.694.900 đồng; chị Bùi Ái X, trú tại huyện Tiên Yên, bị lừa 185.800.000 đồng và chị Cao Phương L, trú thành phố Cẩm Phả bị lừa 183.700.000 đồng.
Sau khi lập chuyên án và phối hợp với nhiều đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã bắt giữ một đường dây tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia, cầm đầu là Micheal IkeChukwu Leonard 44 tuổi, quốc tịch Nigieria cùng 3 đồng phạm người Việt Nam là Huỳnh Hạ Bình, Huỳnh Hạ Uyển, Nguyễn Trần Quỳnh Nhi, trú tại thành phố Hồ Chí Minh vì đã có hành vi "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Intenet thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Mặc dù đã được cảnh báo và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nhiều phụ nữ vẫn sập bẫy. Theo Công an tỉnh Quảng Ninh thì thủ đoạn lừa đảo này đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, vì vậy người dân phải hết sức cảnh giác, tuyệt đối không tin và nghe theo đối tượng. Khi thấy nghi ngờ phải báo ngay cho Công an nơi gần nhất.