Bắt quả tang nhiều nhóm đối tượng mua bán thiết bị nghe lén

Thứ Tư, 04/11/2015, 08:00
Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, vào lúc 9h sáng 30/10/2015, các trinh sát Đội 4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP. Hồ Chí Minh bất ngờ ập vào một quán cà phê trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú bắt quả tang đối tượng Đinh Thế Hùng, sinh năm 1984 tại tỉnh An Giang, là Giám đốc Công ty Việt Star có trụ sở tại huyện Hóc Môn.

Cùng bị bắt với Hùng là La Hồng Tài, sinh năm 1983; Đinh Ngọc Toàn, sinh năm 1990, đang bán phần mềm định vị và thiết bị nghe lén. Chiều cùng ngày, một mũi  trinh sát khác bắt thêm các đối tượng Đỗ Hoàng Anh Khoa, sinh năm 1982, Giám đốc Công ty Sao Viễn Đông ở phường 9, quận 5 và VL., sinh năm 1982, Giám đốc Công ty Hoàng Gia Việt Nam có trụ sở tại quận 10. Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, lực lượng Công an thu giữ nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

1.Mặc dù các manh mối của sự việc đã được các trinh sát phát hiện ngay từ đầu tháng 9-2015, tuy nhiên tại thời điểm ấy không biết vì lý do gì mà nhóm đối tượng mua bán, cài đặt và cho thuê các phần mềm nghe lén cùng thiết bị định vị điện thoại di động bỗng dưng đồng loạt ngừng hoạt động. Các trang mạng quảng cáo mà nhóm đối tượng này lập ra trước đó cũng được xóa sạch không để lại dấu vết gì.

Đối tượng La Hồng Tài tại cơ quan điều tra.

Không để cho các đối tượng phạm tội có thời gian lẩn trốn hoặc chuyển hình thức giao dịch, lãnh đạo Phòng PC46 đã trực tiếp chỉ đạo cho các trinh sát tăng cường thêm lực lượng ngày đêm bám sát các điểm nóng là nơi có thể các đối tượng sẽ tìm đến giao dịch, đồng thời phải liên tục rà soát trên mạng để tìm kiếm những loại giao dịch có nghi ngờ liên quan đến việc cho thuê, mua bán trái phép thiết bị nghe lén và định vị.

Đúng dự đoán ban đầu của cơ quan Công an, sau khi bất ngờ dừng các cuộc giao dịch thì đến những ngày cuối tháng 10/2015, các đối tượng đã sử dụng hình thức giao dịch trực tiếp, tức là tung các tay chân của mình đến những tụ điểm tập trung đông người, những quán cà phê để nghe ngóng tình hình và nếu phát hiện có ai đó than thở với bạn bè về vợ, chồng, người thân hoặc đối tác làm ăn thì lập tức tiếp cận để quảng bá, giới thiệu các hình thức nghe lén, định vị.

Khi những người này có ý định muốn mua hoặc thuê có thời hạn các thiết bị, các đối tượng này sẽ trực tiếp cài đặt và hướng dẫn cách sử dụng cho người muốn theo dõi và đến 9h sáng 30/10 thì bắt quả tang các đối tượng Đinh Thế Hùng, La Hồng Tài, Đinh Ngọc Toàn khi đang tiến hành giao dịch mua bán trái phép và cài đặt các thiết bị nghe lén cho người có yêu cầu.

Tiếp tục truy xét, đến chiều cùng ngày, các trinh sát bắt thêm các đối tượng bao gồm Đỗ Hoàng Anh Khoa, là Giám đốc điều hành kinh doanh Công ty TNHH Sao Viễn Đông có trụ sở tại phường 9, quận 5, TP Hồ Chí Minh và VL., sinh năm 1982, Giám đốc Công ty Hoàng Gia Việt Nam có trụ sở tại quận 10. Ngoài ra còn mời hai nhóm người có liên quan đến các đối tượng Hùng, Tài, Toàn về trụ sở để lấy lời khai, làm rõ hành vi mua bán, sử dụng trái phép phần mềm nghe lén và các thiết bị định vị thông tin di động và tiến hành khám xét nơi ở đối với các đối tượng trên theo trình tự của pháp luật. Tại thời điểm khám xét, lực lượng Công an thu giữ nhiều tang vật là các thiết bị và ổ cứng máy tính có chứa phần mềm nghe lén điện thoại di động.

Tại cơ quan Công an, lúc đầu các đối tượng đều nhất mực kêu oan khi cho rằng mình chỉ giúp đỡ những người không hiểu biết về công nghệ thông tin để cài đặt giúp họ những phần mềm ứng dụng hữu ích. Chỉ đến khi các trinh sát kỹ thuật mổ CPU máy tính thu được và xác định trong đó có sẵn các phầm mềm nghe lén điện thoại di động cùng hàng loạt thiết bị định vị thu được, các đối tượng này mới chịu khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình nhưng vẫn cố cãi rằng do không biết đó là hàng hóa thuộc diện cấm và chỉ mới bước vào nghề này được mấy tháng nay…

Theo lời khai của Đinh Thế Hùng, nhận thấy gần đây nhu cầu về đánh cắp thông tin cá nhân của người thân hoặc các đối tác làm ăn đang được rất nhiều người muốn có nên Hùng cùng một số đối tượng khác đã lên mạng liên hệ với một số đối tác người Trung Quốc liên hệ đặt mua chip nghe lén rồi mang bán lại hoặc cho người cần sử dụng thuê tháng với giá từ 6-8 triệu đồng. Sau đó nhận thấy có nhiều người ngoài việc nghe lén còn muốn định vị được xem người cần theo dõi đang ở đâu nên Hùng tiếp tục đặt mua các loại phần mềm  Spyphone, Savemy… và khi được yêu cầu, Hùng sẽ cho các tay chân mang cài vào các thiết bị như máy tính, điện thoại các loại hoặc trong cốp xe gắn máy, xe ôtô, dưới gầm bàn làm việc, dưới ghế, dưới gầm giường… và tất cả những chỗ nào có thể mà thiết bị nghe lén được giấu kín không để cho người bị nghe lén phát hiện được.

Sau khi các loại thiết bị này được gắn, toàn bộ các cuộc đàm thoại bằng điện thoại, tin nhắn, mail, chat và gọi điện thoại qua mạng của người bị nghe lén đều bị người nghe kiểm soát toàn bộ mọi lúc, mọi nơi, thậm chí người nghe lén còn định vị chính xác được người kia đang ở chỗ nào.

Một đối tượng đang cài đặt thiết bị nghe lén cho khách.

2. Còn nhớ vào giữa tháng 6/2015, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hà Nội đã phát hiện trên 14.000 thuê bao di động bị cài đặt phần mềm nghe lén hiệu Ptracker, thiết bị này được cung cấp bởi Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng và một số đơn vị khác. Khi vụ việc được phanh phui đã gây hoang mang lo lắng cho hàng triệu người sử dụng dịch vụ thông tin di động, nhiều người không dám liên lạc làm ăn với các đối tác thông qua điện thoại mà chỉ gọi và hẹn gặp nhau để bàn thảo. Có khi phải bay đi bay lại hàng ngàn cây số để trao đổi một lượng thông tin mà trước đó chỉ cần nhấc điện thoại đàm thoại chưa đến một phút hoặc gần trăm chữ thông qua mail.

Một số doanh nghiệp hoặc đơn vị hành chính còn cẩn thận ngắt đường truyền internet nhiều ngày liền rồi thuê các kỹ thuật viên đến dò tìm để bóc gỡ những phần mềm hoặc chip nghe lén. Sự việc này đã gây tổn hại rất nhiều thời gian và tiền bạc của các tổ chức, cá nhân, làm gián đoạn công việc giao dịch, kinh doanh…

Để làm giảm bớt những hoang mang lo lắng của đông đảo người dân lúc đó, Đại tá Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hà Nội đã chia sẻ một số kinh nghiệm: Đối với mọi cá nhân hoặc đơn vị khi sử dụng các thiết bị di động, không nên truy cập vào các trang web lạ, các trò chơi trôi nổi trên mạng và các trang mạng với lời quảng cáo hấp dẫn bởi các đối tượng xấu luôn tìm cách cài đặt mã độc nghe lén hoặc chụp lén thông qua các loại trò chơi hoặc quảng cáo hấp dẫn đó nhằm đánh cắp thông tin cá nhân để trục lợi. Nếu mua điện thoại hoặc máy tính, nên mua ở các cửa hàng của các hãng uy tín hoặc nếu có thể thì nhờ người có trình độ cao về công nghệ thông tin kiểm tra thật kỹ trước khi đưa vào sử dụng.

Những người sử dụng điện thoại Smatphone Android, Ios, Windows phone thì chỉ nên tải các ứng dụng trong hệ thống ứng dụng của chính hãng sản xuất, đồng thời không cho người lạ mượn điện thoại di động hoặc máy tính cá nhân. Một điều cần lưu ý là nếu thấy điện thoại hoặc máy tính cá nhân có biểu hiện sụt pin bất thường, cước phí tăng đột biến thì phải đưa đến các trung tâm có kỹ thuật viên về công nghệ thông tin kiểm tra gấp.

Trung tá Nguyễn Văn Trung - Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Qua công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, hiện nay nổi lên một số đối tượng có hành vi kinh doanh, sử dụng phần mềm, thiết bị được cài đặt trái phép trên điện thoại di động hoặc máy tính.

Các loại phần mềm, thiết bị này có tính năng nghe lén cuộc gọi, đọc nội dung tin nhắn, xâm nhập lấy dữ liệu trong máy tính và hộp thư điện tử, ghi âm môi trường xung quanh, xem hình ảnh, định vị điện thoại của người bị cài đặt khi đang hoạt động xem họ đang ở khu vực, địa chỉ nào… và sao lưu, cập nhật tất cả các nội dung đó vào hộp mail của người muốn thực hiện hành vi lấy cắp những thông tin cá nhân của người bị cài đặt. Các phần mềm này được lập trình sẵn từ nước ngoài như Spyphone, Savemy, Ownspy… được một số đối tượng tìm cách nhập về theo đường buôn lậu rồi cập nhật vào máy tính của chúng. Sau đó theo yêu cầu của khách hàng, bọn tội phạm này thực hiện việc cài đặt từ máy tính dữ liệu của chúng sang điện thoại di động hoặc máy tính cá nhân của khách hàng và từ đó khách hàng thoải mái theo dõi thông tin cá nhân của người bị cài đặt bất cứ lúc nào miễn là thiết bị đó đang hoạt động.

Loại tội phạm này hiện nay đang rất phổ biến và hết sức nguy hiểm bởi nó xâm hại đến quyền tự do cá nhân của người bị cài đặt. Đối tượng thực hiện việc kinh doanh thiết bị và cài đặt phần mềm này chủ yếu là giới trẻ.

Một loại thiết bị nghe lén trôi nổi ngoài thị trường.

Qua xác minh, lực lượng Công an phát hiện một số trường hợp là cán bộ có chức, có quyền bị kẻ xấu lén cài đặt thiết bị đánh cắp thông tin về bản thân, thông tin trong công việc và các mối quan hệ làm ăn của đơn vị còn đang trong vòng bí mật, gây hậu quả rất khó lường. Phổ biến nhất hiện này là việc vợ chồng nghe lén lẫn nhau, cha nghe lén thông tin của con hoặc đánh cắp thông tin của các đối tác và cũng không loại trừ nội bộ lấy cắp thông tin của nhau để sử dụng vào các mục đích không minh bạch.

Pháp luật Việt Nam quy định, sử dụng phần mềm nghe lén là hành vi trái pháp luật. Do đó cơ quan Cảnh sát điều tra khuyến cáo người dân, đặc biệt là công chức Nhà nước phải hết sức thận trọng để tránh các đối tượng xấu lợi dụng cài đặt phần mềm này lên thiết bị điện tử của mình nhằm trục lợi bất chính hoặc sử dụng vào các mục đích xấu khác. Nếu ai phát hiện hành vi này hãy thông báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đức Cương
.
.
.