Những tín đồ của ác quỷ
Khoảng 5 năm trước, khi tôi đang đi dạo trên bờ hồ Hoàn Kiếm thì có hai bạn sinh viên trẻ tới bắt chuyện với tôi. Được một hồi, họ hỏi tôi rằng có biết ngày Lễ Vượt Qua không, và rằng tôi có biết rằng ngày tận thế sắp tới không. Một câu chuyện như vậy lại xảy ra với tôi cách đây chỉ vài tháng, lúc này tôi đang ở đầu bên kia thế giới, quảng trường Thời đại của thành phố New York.
Buổi tối tháng 10 se sắt, tôi đang tìm đường đến một nhà hát kịch trên đường Broadway thì hai cô gái da trắng bỗng tiến tới chỗ tôi và khen tôi có một chiếc mũ len rất đẹp. Tôi cảm ơn và định đi tiếp thì họ lại hỏi tôi về việc tôi có biết ngày Lễ Vượt qua không. Họ nói với tôi rằng họ đến từ Hội Thánh Đức Chúa trời.
Điều mà tôi vẫn mãi thắc mắc là tại sao những người trẻ tuổi như thế, những người mà nhìn gương mặt, tôi có thể đoán là những sinh viên có học vấn, được sinh ra trong một thời đại của khai minh, lại dễ dàng tầm gửi vào những giáo điều phi lý, những vị giáo chủ bịa đặt trắng trợn, những lời tiên đoán phản khoa học về thế giới đến như vậy. Tôi tự hỏi, chẳng nhẽ họ không bao giờ mảy may ngờ vực, dù chỉ là một chút hay sao?
Tháng 3 vừa qua, khi Netflix phát hành loạt phim tài liệu “In the name of God: A holy betrayer” (Nhân danh thần linh: sự phản bội thiêng liêng) của đạo diễn Cho Sung Hyun về 4 tay giáo chủ tà đạo khét tiếng tại Hàn Quốc, tạo nên làn sóng phẫn nộ trên khắp châu Á, tôi đã ngồi xem lần lượt đủ 8 tập phim chỉ trong vỏn vẹn một ngày. Và một cảm xúc trách móc, có phần đổ lỗi cho nạn nhân đáng lẽ không nên có nhưng vẫn nổi lên trong tôi: rõ ràng những tay giáo chủ là hiện thân hoàn hảo của ác quỷ Satan mạo danh Thánh Linh, nhưng dường như cả những nạn nhân bị tẩy não và dần trở thành đồng phạm của chúng cũng tàn nhẫn không kém. Nếu như tội ác của những tay giáo chủ đầu têu là cái ác có tính toán trước, thì tội ác của những người này đến từ sự vô tri và mù quáng, từ việc họ không bao giờ biết ngờ vực. Thi sĩ Mary Angelou đã đúng khi nói: "Chỉ có từ vô tri mà người ta mới thành ra ác độc".
Một trong những tập gây phẫn nộ nhất của loạt phim này là về vụ án tà đạo Khu vườn trẻ em cùng giáo chủ Kim Ki Soon, người đã thoát vòng vây luật pháp để giờ đây ngang nhiên trở thành chủ tịch một trong những hãng phân phối album nhạc lớn của Hàn Quốc, và trên facebook, ta sẽ bắt gặp không ít những khán giả quốc tế, cả khán giả Việt Nam, từng vô tình mua sản phẩm từ hãng này.
Kim Ki Soon, một người đàn bà đen nhẻm, gương mặt xấu xí, tầm thường, tự nhận rằng mình là một đứa trẻ ba tuổi vô nhiễm, là hiện thân của thần thánh linh thiêng.
Chân dung giáo chủ Kim Ki Soon của giáo phái tà đạo Khu vườn trẻ em
Những thước phim trong đó Kim Ki Soon mặc chiếc đầm dạ hội, được công kênh trên chiếc kiệu trắng lộng lẫy trong khu vườn rộng mênh mông mua được từ số tiền mà những tín đồ phải lao khổ mới kiếm ra, với các giáo dân múa may điên cuồng tỏ lòng kính ngưỡng, có gì đó thật quả là phi lý. Làm sao lại có những kẻ tin được rằng bà ta là Chúa? Làm sao có thể răm rắp tuân lệnh một kẻ dạy bạn rằng, phải từ bỏ lòng trắc ẩn, dù là lòng trắc ẩn với cha mẹ, con cái mình - có tôn giáo nào lại dạy con người điều đó ư? Làm sao có thể không bao giờ băn khoăn về một ả đàn bà bắt bạn phải đánh đập những người thân yêu nhất của mình, trừng phạt họ, thậm chí đánh đến chết mới thôi?
Một trong những vụ án động trời nhất của giáo phái Khu vườn trẻ em là khi Kim Ki Soon nhốt một đứa bé năm tuổi vào chuồng lợn, bắt nó ăn phân và hành hạ tới khi tắt thở, chỉ vì đứa trẻ với những giác quan tỏ tường chưa bị cùn mòn đã sớm cảm thấy ghét bỏ Kim Ki Soon. Và người đã hành hạ đứa bé đầu tiên chính là gia đình nó. Người nhét phân vào miệng nó là dì nó. Người che giấu tội ác cho Kim Ki Soon, ra tòa làm chứng rằng con mình đã chết vì đau tim, chính là mẹ nó. Làm sao tất cả những người này lại có thể quyết tâm phục tùng, tôn thờ một ác quỷ đã lộ mặt như vậy?
Có lẽ những kẻ bịp hẳn đã lợi dụng những dụ ngôn trong Kinh Thánh, rằng Abraham đã không ngờ vực, đau khổ hay phản kháng khi được Thượng Đế ra lệnh đem hiến tế đứa con trai duy nhất để thử thách lòng tin, hay Job đã không hề tự hỏi vì sao mình luôn sống đức độ tới vậy mà vẫn chịu những đau khổ tột cùng về thân xác. Dường như không một giây khắc nào những bậc thánh nhân ấy tỏ ý nghi ngờ lòng khoan hồng của Thượng đế. Nhưng chẳng phải, Chúa Jesus đã trải qua giây phút ngờ vực Chúa Cha trước khi thực sự đạt đạo ư? Có lẽ, tri thức đích thực chỉ có thể đến khi ta đã từng cảm nghiệm cảm giác nghi ngờ, hay nói như nhà thần học Paul Tillich: "Ngờ vực không đối lập với đức tin, nó là một yếu tố của đức tin".
Khi In the name of God được thực hiện, những cựu tín đồ tà giáo đều không thể giải thích vì sao họ lại tin những lời bịp bợm đó trong suốt bao năm. Họ chỉ có thể bảo rằng mình đã bị tẩy não. Thậm chí đến tận hôm nay, vẫn còn những tín đồ của nhà thờ Manmin tin rằng giáo chủ của họ có thể chữa được tứ chứng nan y, chỉ bằng cách đặt tay lên đầu người bệnh, và rằng bộ phim của Cho Sung Hyun là dối trá. Đến tận hôm nay, vẫn còn vô vàn tín đồ của nhà thờ Jesus Morning Star (JMS) của tay giáo chủ biến thái Jung Myung Seok tự nhận mình là Đức Jesus tái lâm vẫn một mực tin tưởng rằng việc gã phải xộ khám là bị phản bội, bị vu oan, và đơn thuần là sự lặp lại của sự kiện Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự, rằng việc gã cưỡng hiếp hàng ngàn cô gái trẻ là chuyện quá đỗi bình thường, bởi gã là Adam Hoàn Hảo, mà Adam Hoàn Hảo thì có quyền quan hệ tình dục với những Eva, và đây là hành động vì tình yêu!
Giáo chủ tà giáo Jung Myung Seok có thể đã hiếp dâm hàng ngàn phụ nữ trong vài chục năm qua
Dù sự thật đã phơi bày hiển hiện, có những kẻ vẫn lảng tránh cố né đi sự thật. Trong khi rất nhiều trong số đó đều tốt nghiệp từ những trường đại học danh giá, được giáo dục đàng hoàng và tử tế, được lớn lên trong một xã hội văn minh. Tại sao?
Ngay kể cả khi ta biện minh rằng sự bùng nổ của những tà đạo ở Hàn Quốc diễn ra vào khoảng thập niên 80, khi phong trào dân chủ Gwangju bị đàn áp thô bạo khiến cho những người trẻ tuổi không còn biết tìm nơi nào để bấu víu niềm tin, thì cũng thật khó mà chấp nhận rằng họ đã ngoan cố đồng lõa với những tội ác lâu đến mức ấy. Trong số những nhân chứng mà Cho Sung Hyun mời phỏng vấn, có cả những người từng là cánh tay đắc lực của các giáo chủ tà giáo, từng là luật sư của chúng hay tiếp tay cho chúng hiếp dâm phụ nữ, và giờ đây, họ có thể kể lại câu chuyện xưa kia như thể nó chỉ còn là một lỗi lầm không đáng có của quá khứ, như thể tội của họ chỉ là đã quá tin vào một kẻ lọc lừa.
Tôi nhớ đến Haruki Murakami, nhà văn từng công phu đi phỏng vấn những tín đồ theo tà đạo Aum, một tà đạo từng gây nên vụ khủng bố kinh hoàng ở hệ thống tàu điện ngầm Tokyo, Nhật Bản, và ở lời bạt của cuốn sách “Ngầm”, ông nhận ra rằng ngay cả với những cựu tín đồ nay đã thoát ly giáo phái, đã hối hận về những gì mình gián tiếp gây ra và hối hận vì sự lầm lạc nhất thời, nhưng họ đều chung quan điểm rằng kẻ cần lên án là tay giáo chủ đã lừa dối họ, chứ không phải sự nhẹ dạ cả tin của họ. Nhưng chẳng phải tội ác được bình thường hóa, sau rốt, là bởi vì ta đã cho phép nó được sinh sôi, ta đã không bao giờ đặt ra câu hỏi, không băn khoăn, và ta đã không cự tuyệt tội ác?
Những ham muốn được cứu rỗi, được am tường về hành trình sau cái chết, được có một thần tượng để gửi gắm niềm tin, được hình dung về thiên đường là nhu cầu cơ bản của tất cả mọi người, và bất cứ ai cũng có thể trở thành tay sai của cái ác, chỉ cần một phút lơ là cho phép bản thân bị thôi miên. Phải, cho phép bản thân bị thôi miên, chứ không phải vô tình bị thôi miên. Bởi với một tội ác đột khởi, con người có thể không có quyền lựa chọn, nhưng với những tội ác đã kéo lê qua bao thời gian như thế, con người luôn có quyền lựa chọn, luôn có quyền ngưng lại, nghi ngờ và suy xét.
Trong lá thư gửi Chúa mà Flannery O'Connor viết khi mới chỉ là một sinh viên văn chương chứ chưa phải một nhà văn vĩ đại của thế kỷ 20, bà đã nói rất nhiều về tình yêu sâu sắc, nhưng đồng thời, là nỗi khổ sở vì không ngừng hoài nghi Thượng đế. Và có một câu bà viết đã vang vọng mãi với tôi: "Ác quỷ chính là kẻ tín ngưỡng vĩ đại nhất và y có lý do của riêng mình".