YouTuber Ukraine bị AI “biến” thành người Nga để…bán hàng online

Chủ Nhật, 23/06/2024, 09:01

Một YouTuber người Ukraine bất ngờ phát hiện gương mặt và hình ảnh của mình bị AI chỉnh sửa, biến thành một cô gái Nga chuyên bán hàng online.

Mới ra mắt kênh YouTube cá nhân từ tháng 11/2023, Olga Loiek, nữ sinh viên 21 tuổi người Ukraine tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), gần đây bất ngờ được bạn bè chia sẻ nhiều đoạn video có cảnh cô nói tiếng Trung, tự xưng là một thiếu nữ gốc Nga, và bán hàng nhập khẩu từ Nga ở Trung Quốc.

YouTuber bị AI “biến” thành người Nga để…bán hàng online -0
Loiek (ảnh trên) và hình ảnh từ các đoạn video giả mạo cô được đăng tải. Ảnh: SCMP

Loiek khá sốc khi được chia sẻ các đoạn video. “Đó thực sự là khuôn mặt của tôi, nói tiếng Quan Thoại về việc Nga và Trung Quốc tuyệt vời thế nào. Đây là điều thật sự đáng lo vì tôi chưa từng nói những điều ấy”, Loeik nói với Reuters.

Nữ sinh Ukraine nhận định, hình ảnh của cô bị những người giấu mặt sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các nhân vật giả trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Toàn bộ số tài khoản giả này đều có hàng trăm ngàn người theo dõi, cao hơn rất nhiều so với kênh YouTube của Loiek.

Các chuyên gia cảnh báo, những trường hợp như của Loiek ngày càng gia tăng, với nhiều tài khoản giả trên mạng xã hội Trung Quốc, tự nhận là phụ nữ Nga và bán sản phẩm nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, không ai trong số họ tồn tại thực sự, họ được tạo ra bởi AI bằng cách sử dụng các đoạn clip thật tìm thấy trên mạng mà không có sự đồng ý của “chính chủ”.

Sự việc của Loiek dấy lên lo ngại về việc AI có thể bị lạm dụng để tạo ra thông tin sai lệch và vi phạm bản quyền. Tháng 1/2024, Trung Quốc đã ban hành các hướng dẫn dự thảo để tiêu chuẩn hóa ngành AI, dự kiến xây dựng khoảng 50 tiêu chuẩn quốc gia và toàn ngành vào năm 2026.

Trong tháng này, luật AI của Liên minh châu Âu, đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt về tính minh bạch với các hệ thống AI có rủi ro cao, đã có hiệu lực, kì vọng có thể góp phần tạo ra một tiêu chuẩn toàn cầu với công AI.

Ông Xin Dai, Phó giáo sư tại Trường Luật Đại học Bắc Kinh, cho biết, các nước đều đang cố gắng ban hành luật pháp làm sao để bắt kịp tốc độ phát triển của AI. "Chúng ta chỉ có thể dự đoán rằng với các công cụ ngày càng mạnh mẽ để tạo ra thông tin, tạo nội dung và phát tán nội dung", ông Dai nói. "Khối lượng thông tin quá lớn không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên internet nói chung”.

Huy Tuấn
.
.
.