Một vệ tinh khổng lồ của NASA sắp rơi xuống trái đất

Thứ Tư, 19/04/2023, 13:28

Một vệ tinh khổng lồ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) có tên RHESSI, vốn được đưa vào không gian từ năm 2002, dự kiến sẽ rơi xuống trái đất trong vài giờ tới. Các chuyên gia theo dõi tàu vũ trụ của NASA đã đưa ra đánh giá về khả năng gây nguy hiểm của vật thể. 

Một vệ tinh khổng lồ của NASA sắp rơi xuống trái đất -0
Vệ tinh RHESSI- viết tắt của Reuven Ramaty High Energy Solar Spectroscopic Imager, được phóng lên quỹ đạo năm 2002 để nghiên cứu mặt trời. Ảnh: AP.

Theo NASA, RHESSI- vệ tinh khoa học vốn được phóng lên quỹ đạo năm 2002 để nghiên cứu mặt trời, dự kiến lao xuống trái đất vào tối 19/4. Được biết, trước khi ngừng hoạt động năm 2018 vì sự cố liên lạc, vệ tinh nặng 300 kg này đã ghi lại hơn 100.000 sự kiện mô tả các vết lóa mặt trời cũng như bão mặt trời.

Hiện NASA hay Bộ Quốc phòng Mỹ chưa công bố chính xác khu vực mà vệ tinh này sẽ rơi xuống trái đất. Nhưng RHESSI được cho là sẽ bốc cháy trước khi đi vào bầu khí quyển và chỉ một số bộ phận của RHESSI sẽ còn sót lại. Thông báo của NASA có đoạn: "Nguy cơ gây hại cho bất kỳ ai trên trái đất là thấp - xấp xỉ 1/2.467".

Theo các nhà khoa học, quỹ đạo của trái đất chứa đầy rác vũ trụ. Ước tính, khoảng 30.000 mảnh vụn có nguy cơ đang được theo dõi sát sao bởi các mạng giám sát toàn cầu. Trước đó, thế giới từng chứng kiến nhiều vụ vệ tinh rơi không xác định, bao gồm vụ rơi các mảnh vỡ nặng hơn 100 tấn của tàu con thoi Columbia.

Cụ thể, vào ngày 1/2/2003, tàu con thoi Columbia - tàu đầu tiên trong phi đội tàu con thoi của NASA có khả năng bay lên vũ trụ và được phóng lần đầu vào năm 1981, nổ tung trong chuyến bay thứ 28 làm 7 thành viên phi hành đoàn tử nạn.

Kết quả điều tra cho thấy lá chắn nhiệt bên cánh trái tàu Columbia bị hỏng chính là nguyên nhân gây ra tai nạn thương tâm. Mảnh xốp cách nhiệt từ bình nhiêu liệu rơi ra trong quá trình cất cánh gây thủng một lỗ lớn bên cánh trái con tàu, làm khí nóng tràn vào bên trong. Những mảnh vỡ của phi thuyền nặng hơn 100 tấn rơi rải rác ở miền Đông Bắc bang Texas, Mỹ.

Kim Ngọc

.
.