Khủng long bạo chúa săn mồi "như chó sói"?
Mới đây, các nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Arkansas (Mỹ) đã phát triển một học thuyết mới về loài khủng long bạo chúa, trong khi nghiên cứu một địa điểm có rất nhiều hóa thạch của loài này ở miền nam Utah.
Theo đó, học thuyết cho rằng, khủng long bạo chúa có thể không phải là những kẻ săn mồi đơn độc như khoa học hình dung bấy lâu nay. Ngược lại, chúng săn mồi theo bầy như loài chó sói.
Học thuyết nêu trên được công bố hôm 19/4 bởi các nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Arkansas, khi những người này đang nghiên cứu một địa điểm có rất nhiều hóa thạch khủng long được tìm thấy cách đây 7 năm, ở khu vực Đài tưởng niệm Quốc gia Grand Staircase-Escalante, miền nam Utah (Mỹ).
Bộ xương khủng long bạo chúa tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Utah. Ảnh: Getty. |
Cụ thể, bằng phương pháp phân tích địa hóa xương và đá, nhóm nghiên cứu xác định, những con khủng long này đã chết cùng một chỗ và không liên quan đến việc rửa trôi hóa thạch từ nhiều khu vực khác nhau.
Theo giáo sư sinh học Kristi Curry Rogers thuộc Đại học Macalester (bang Minnesota), học thuyết này là một khởi đầu tốt, nhưng sẽ cần thêm bằng chứng trước khi khẳng định khủng long bạo chúa sống theo quần thể xã hội.
Giáo sư Rogers cũng đặt ra một giả thiết rằng, có thể những con khủng long này sống trong một vùng lân cận và chỉ tụ tập lại để chia sẻ con mồi khi nguồn tài nguyên ngày càng trở nên cạn kiệt theo thời gian. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học đánh giá, khủng long không có đủ năng lực để tham gia vào các tương tác xã hội phức tạp.
Được biết khu vực Đài tưởng niệm Quốc gia Grand Staircase-Escalante là địa điểm tìm thấy hóa thạch khủng long hàng loạt thứ 3 tại Bắc Mỹ. Hai địa điểm còn lại được tìm thấy trước đó là Alberta (Canada) và Montana (Mỹ), cách đây khoảng 20 năm.
Hiện tại, giáo sư Alan Titus thuộc Cục Quản lý đất đai (Mỹ) cho biết, họ đang bảo tồn những hóa thạch khủng long này như bảo vật quốc gia, bởi chúng là một phần của câu chuyện về việc Bắc Mỹ được hình thành như thế nào.