Chuyện đời kỳ lạ của bà nội

Thứ Sáu, 11/11/2016, 14:28
Những tò mò về bà nội với hai ông nội đã giúp tôi lần tìm ngược về với quá khứ để tường tận lại câu chuyện đời của bà từ bác cả khi đó cũng đã gần trăm tuổi...

Bà nội tôi mất lâu lắm rồi, mất khi cha tôi vừa lọt lòng bà. Cha tôi là con thứ 11 của bà, lọt lòng mẹ khi bà đã gần 50 tuổi. Bà nội tôi trở dạ non khi nghe tin bác Quýnh hy sinh ở chiến trường. 

Bác Quýnh là con trai thứ hai của bà nội, đang chiến đấu ở chiến trường B. Hai ông nội tôi đưa bà ra trạm xá, bà sinh xong cha tôi lúc đó mới 7 tháng trong bụng mẹ, lọt lòng mẹ còn chưa biết khóc. Bà nội bị băng huyết, mất ngay trên bàn đẻ ở trạm xá xã, mất trên tay ông Nội lớn mà chưa kịp nhìn mặt con. 

Cha tôi lúc đó bé như một con chuột, chưa biết mở mắt. Bác Hòa, là chị gái thứ 6 của cha, lấy chồng ở xóm bên, nghe tin mẹ trở dạ sinh non em, chạy vội ra trạm xã xã, vừa gạt nước mắt khóc mẹ, vừa đùm cha trong vạt áo nâu bà nội đã chuẩn bị để bọc cha khi sinh nở. Nước mắt lã chã hai hàng, nỗi đau quặn hết gan ruột khi vừa hay tin anh trai hy sinh ở chiến trường, giờ lại khóc mẹ thiệt mạng trong cơn vượt cạn. 

Cha tôi như con cua bấy, chào đời trong gia đình nỗi đau chồng chất nỗi đau. Các bác gái là chị gái của cha thay nhau đùm bọc nuôi cha trong vạt áo nâu sồng nhiều mụn vá của gia đình đông con nghèo khó mồ côi mẹ. Cha lớn lên từ bầu sữa của các chị, và sự nuôi nấng dạy dỗ của hai người đàn ông mà cha đều gọi bằng cha, đều coi là cha đẻ của mình.

Bà nội tôi có hai ông nội để làm chồng. Tất nhiên, tất cả những chuyện này tôi chỉ được biết khi tôi lớn lên thấy trên bàn thờ nhà các bác và nhà cha tôi đều thờ ảnh bà nội với hai ông nội hai bên.

Đem thắc mắc đó nhiều lần hỏi người lớn, tôi mới được biết bà nội tôi có hai ông nội, cả hai ông đều thương yêu bà và mỗi ông đều đẻ con với bà để làm nên quân số xấp xỉ một đội bóng. 

Vì sao bà nội tôi lại có thể cùng lúc cưới hai người chồng, và cùng lúc sống với cả hai người chồng mà giữ được gia đình bình yên, hạnh phúc, lần lượt đẻ ra một lũ con và các con đều một mực gọi hai người là cha mà không cần đến việc phân biệt cha đẻ hay cha nuôi. 

Vì sao cả hai người chồng của bà nội tôi đều không phân bì, bình thản đùm bọc nhau, đều coi đàn con là máu mủ của mình, và nuôi nấng đàn con lẫn lộn dòng máu của họ mà không quá xét nét con ông con tôi, con ai để cả đàn con đều là của mình, để chúng được sống và lớn lên trong bầu khí quyển của tình yêu thương máu mủ, và nuôi nấng chúng nên người.

Cha tôi cũng không biết gì nhiều để kể về bà nội cho tôi nghe, vì khi cha sinh ra cũng là lúc bà nội mất. Những tò mò về bà nội với hai ông nội đã giúp tôi lần tìm ngược về với quá khứ để tường tận lại câu chuyện đời của bà từ bác cả khi đó cũng đã gần trăm tuổi. 

Bác cả kể rằng, bà nội tôi lấy chồng năm 17 tuổi. Ông bà ở với nhau được trọn vẹn 1 năm, khi bà có thai được ba tháng thì ông lên đường nhập ngũ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông đi biền biệt 5 năm, có ghé về thăm bà và con gái được đúng có một lần. Ở với con được 1 tuần, đủ để bác cả bện hơi, quấn quýt với cha thì ông đi. Lần chia tay này, ông để lại cho bà thêm một giọt máu nữa. 

Gần đến ngày sinh con, (chính là bác Quýnh bị hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ lúc bà nội đang trở dạ sinh cha tôi) thì bà nội nhận được giấy báo tử của chồng từ đơn vị gửi về. Bà nội tôi chết điêu chết đứng và sinh non bác Quýnh lúc cái thai mới tròn 7 tháng, hệt như lúc sinh non cha tôi khi hay tin bác Quýnh hi sinh ở chiến trường. 

Bà nội góa chồng năm 23 tuổi, trên tay hai đứa con thơ. Ba năm sau, bà tái giá với bạn của ông nội người cùng làng, vừa là bạn từ thuở chăn trâu cắt cỏ,  cũng là bạn chiến đấu với ông nội. 

Bạn thân của ông nội tên Quyền, bị thương cụt mất ba ngón tay, không còn cầm súng chiến đấu được nữa, thế nên mới được phục viên về làng. Thương cảnh góa bụa của vợ bạn, ông Quyền sớm tối qua lại đỡ đần bà. Lúc thì giọi lại mái nhà tranh, lúc thì sửa cho bà nội cái cày, cái cuốc, lúc thì cấy hộ bà sào ruộng, đến ngày mùa thì gánh đỡ cho bà nội mấy gánh lúa. 

Đêm đến, sang kéo trục để trục lúa cho bà nội. Ngày xưa người nông dân thường đúc những cái khối đá hình vuông,  nặng trịch, rải lúa mới gặt về, dùng sức người kéo trục lăn đi lăn lại trên thảm lúa để cho hạt lúa rơi ra, vất vả và khó nhọc mồ hôi chan nước mắt mới ra được hạt lúa, cơ cực vô cùng chứ không có máy tuốt lúa, tuốt ngay tại ruộng như bây giờ. 

Ngày xưa làm ruộng bằng sức người nên rất mệt nhọc và vất vả. Thế nên mới có câu ca: "Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần". Trục lúa xong, ông đánh cho bà nội đụn rơm để mùa rét còn có thứ rải ổ nằm, đun bếp hay làm thức ăn cho trâu ăn mùa giáp hạt. Những chia sẻ của ông đã giúp bà vơi bớt nỗi đau mất chồng, giúp bà vui sống trở lại sau những ngày tháng lạnh giá vì mất mát.

Bà nội còn quá trẻ, mới có hai mươi mấy cái xuân xanh, thế nên lửa gần rơm lâu ngày rồi cũng bén. Bà thương ông không được lành lặn bằng bạn bằng bè để đi chiến đấu ở chiến trường. 

Thời của ông bà, được cầm súng đi chiến đấu, được hi sinh cho Tổ quốc để dành lại độc lập tự do cho dân tộc là niềm hạnh phúc vĩ đại nhất, kiêu hãnh nhất. Cả khi được chiến đấu với hơi thở cuối cùng, thậm chí có hy sinh ở chiến trường thì cũng hạnh phúc hơn là bị tàn phế không còn phục vụ được cho cuộc chiến và phải trở về nhà. 

Nỗi buồn của ông là nỗi buồn của những người lính đã không thể làm tròn sứ mạng của mình với Tổ quốc, đã không thể dâng hiến trọn vẹn lí tưởng của mình cho đất nước. Nỗi buồn ấy lớn lao đến nỗi nó khiến cho cả cuộc đời của ông day dứt không nguôi. Vì thế mà bà hiểu ông, chia sẻ cùng ông, thương cái mặc cảm vô dụng của ông với làng nước, xóm giềng nên bà xót xa ông nhiều lắm. 

Cứ như chồng bà, hy sinh đau đớn để lại vợ góa và hai đứa con thơ, nhưng cha mẹ chồng của bà vẫn một mực tự hào kiêu hãnh trong đau thương, tự hào cả khi máu chảy ruột mềm... Bà nội biết chứ. 

Ngày đó cả dân tộc đều một lòng một dạ đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để đánh giặc ngoại xâm. Nếu một ai đó, thanh niên trai trẻ mà vì bất cứ một lí do gì từ chủ quan đến khách quan mà không được lên đường cầm súng đánh giặc, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc thì thật là buồn, cứ như người thừa thãi vô dụng. 

Chẳng thế mà chồng bà năm xưa dù mới cưới vợ mặn nồng, dù biết vợ đang hoài thai giọt máu của mình nhưng chồng bà vẫn viết đơn nhập ngũ bằng máu để được đi đánh giặc. Thế nên tình cảnh của ông Quyền bây giờ, bà nội hiểu cái nỗi buồn lặng thầm của ông và thương ông nhiều lắm. Còn về phía ông, ông thương bà vì còn trẻ đã góa bụa, một nách hai đứa con thơ. 

Nhìn cái cảnh bà lam lũ ngoài đồng nước da trắng hồng ửng đỏ vì rám nắng. Mái tóc dài đen thẫm xổ tung dưới ánh trăng trong mùa gặt chưa kịp gội, ông thương.... Ông dành hết phần việc nặng để bà có chút thời gian rảnh mà chăm sóc bản thân. Ông giục bà đi tắm, tấm thân mơn mởn của người đàn bà đang độ xuân chín đã lâu không có ai chăm sóc và bản thân bà cũng không còn tâm trí thời gian để chăm mình. Ông dành việc để giục bà nấu lấy nồi lá hương nhu để gội mái tóc dày của bà hong gió cho khô kẻo đêm ngủ tóc ướt đau đầu, mà ngày thì bận việc không có thời gian gội. 

Ông thương người bạn thân của mình thiệt mạng sớm, không chăm sóc được cho vợ trẻ con thơ. Cái tình thương quấn quýt sâu sắc của những người đã từng trải, đã đi qua niềm đau, nỗi mất mát nó như bếp ủ than ngún đêm đông phía ngoài thì màu xám liu hiu mà phía trong thì ngún lửa cháy đỏ. 

Cái tình thương của hai người từng trải, đậm tình làng nghĩa xóm, đậm nỗi sẻ chia cay đắng của đời người đã đưa ông bà xích lại gần nhau, gần nhau từng chút một để đến một lúc nào đó cái tình cảm bùng cháy vượt thoát qua mọi rào cản để đến với nhau. Và trong trường hợp của ông bà, tình cảm đó sẽ vững chãi bền chắc hơn hết thảy mọi thứ tình hào nhoáng khác.

Bà nội đi bước nữa, bước qua mọi rào cản vì đã có hai đứa con rồi mà không ở vậy thủ tiết thờ chồng. Bước qua mọi dèm pha của người đời, khi ông còn trai tân mà chấp nhận lấy vợ góa của bạn đã có hai con riêng với người chồng trước. Ông bà yêu nhau lắm, cũng như ngày xưa bà đã yêu người chồng đầu tiên của mình. Nhưng lần này, tình yêu còn có cả tình thương. Mà tình thương của hai người từng trải, đến với nhau nó bền hơn mọi thứ tình khác.

Bà nội như trẻ lại, yêu đời hơn. Bà như một cái cây khô héo được hồi sinh, càng vạm vỡ và mạnh mẽ. Cha mẹ chồng bà hiền lành sống nhân hậu nên hết sức ủng hộ cho tình cảm của bà. Hơn nữa họ biết ông Quyền là bạn của con trai họ nên càng yên tâm hơn khi gửi gắm hai đứa cháu nội của họ cho ông.

Bà nội sống với ông Quyền, mà sau này các chú các bác và cha tôi hay gọi tắt là ông nội thứ hai thêm được 10 năm nữa, có thêm 5 mặt con với ông Quyền. Khi bà nội đã ở tuổi 36 thì đột nhiên ông nội thứ nhất trở về. 

Ông trở về sau 15 năm lưu lạc, trở về từ cõi chết, trở về sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng khắp năm châu bốn biển. Ông nội thứ nhất của bà nội tôi trở về trong căn nhà của mình, chết lặng trân trối nhìn ảnh mình trên bàn thờ và người vợ đã có nét chân chim nơi khóe mắt cùng với đàn con của vợ một lô một lốc như trứng gà trứng vịt với thằng bạn Quyền thân thiết năm xưa...

(Còn nữa)
Thùy Liên

Lời Ban biên tập

Bạn đọc yêu quý! Một câu chuyện cảm động thời hậu chiến của một đại gia đình trong một làng quê nghèo ở xứ Nghệ. Người phụ nữ vì cuộc phân ly của chiến tranh khốc liệt 9 năm chống Pháp mà đã trở thành vợ hợp pháp của hai người đàn ông khi họ là bạn bè của nhau. Nước mắt trộn niềm đau, nụ cười hạnh phúc xen lẫn nỗi xót xa không thể tả là những gì chúng tôi cảm nhận được ở người trong cuộc trong câu chuyện đặc biệt này.

Một người là chồng trước, một người là chồng sau, họ đều là những người chồng hợp pháp. Họ được pháp luật thừa nhận trong cuộc hôn nhân của họ. Người chồng trước trở về đã thấy người đàn ông khác trong căn nhà của mình với 5 đứa con cùng mẹ khác cha. Họ sẽ ứng xử ra sao để có thể sống tiếp quãng đời còn lại. Họ sẽ đối diện với tất cả những điều trớ trêu không ngờ tới trong cuộc đời mình như thế nào. Họ, những người lính sẽ ứng xử với nhau ra sao.

 Đó là một câu chuyện quá đẹp nhưng buồn. Một câu chuyện dẫu kết thúc là có hậu, là tốt đẹp, là nhân văn nhân ái đấy nhưng sao vẫn làm đau tất cả những ai khi đọc hết những dòng cuối trong câu chuyện ấy.

Kính mời quý độc giả đón đọc phần còn lại của câu chuyện "Chuyện đời kỳ lạ của bà nội"  ở số báo An ninh Thế giới Cuối tháng tiếp theo.

Trân trọng!

ANTG GT số 106
.
.
.