Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng tại di tích núi Bân
Sau hơn 1 tháng khai quật khảo cổ tại Di tích lịch sử cấp quốc gia núi Bân ở phường An Tây, TP Huế (Thừa Thiên-Huế), đoàn chuyên gia đã bước đầu xác định được những dấu tích nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn ở Huế.
Ngày 30/7, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, kết quả khai quật tại di tích núi Bân vừa được đơn vị phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia báo cáo sơ bộ. Theo lịch sử, vào cuối năm 1788, tại núi Bân, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, sau đó kéo quân ra Bắc đánh tan đội quân xâm lược của triều Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu. Năm Khải Định thứ 10 (1925), triều Nguyễn đã đưa ngọn núi này vào danh mục "An Nam cổ tích" cần được bảo tồn.
Năm 1988, di tích núi Bân được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2008 đã có một dự án chỉnh trang, tôn tạo di tích này cùng với việc xây dựng quảng trường và tượng đài của Hoàng đế Quang Trung với tổng diện tích hơn 25.000m2…
Việc triển khai công tác khai quật khảo cổ học di tích núi Bân nhằm xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn nhằm bổ sung các căn cứ khoa học đáng tin cậy để xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đây là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Trong hơn 1 tháng (từ tháng 6/2022 đến cuối tháng 7/2022), đoàn chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành khai mở 9 hố đào ở các phía: Tây, Nam, Đông, Bắc của đàn tế hiện tại. Các chuyên gia cho biết, quá trình khai quật khảo cổ đã xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng về công trình di tích này.
Cụ thể, khu vực phía Tây mở 5 hố đào (ký hiệu từ H1 đến H5) ở các vị trí mặt sườn và mặt nền tầng 1 đàn tế hiện nay, giáp với vị trí mà các nhà nghiên cứu trước đây gọi là tầng phụ của đàn Nam Giao. Tại các hố này đã xuất lộ vết tích nguyên gốc gồm: bờ kè, mặt sườn (ta-luy), mặt nền tầng 1 và một phần vết tích chân mặt sườn tầng 2 của đàn Nam Giao thời Tây Sơn. Trong đó, bờ kè xuất lộ ở độ sâu 0,1-0,4m (trong các hố H1, H2, H3 và H5) phía dưới lớp đất bồi tự nhiên; trong đất lẫn nhiều mảnh vỡ của các loại gạch bìa mỏng, màu đỏ tươi, niên đại thế kỷ 18. Mặt sườn (ta-luy) rộng khoảng 9m, xuất lộ ở độ sâu 0,2-0,4m trong các hố từ H1 đến H5, thoải dốc theo độc dốc của sườn núi và chạy bao quanh đàn tế…
Ở khu vực phía Nam núi Bân, đoàn khảo cổ cũng khai quật hố H6 mở chạy dài theo hướng Bắc - Nam, trên mặt nền của tầng phụ góc Tây Nam và mặt nền tầng 1 của đàn tế hiện tại. Kết quả cho thấy vết tích đàn tế nguyên gốc chỉ còn lại một khoảng mặt nền tầng 1 khá bằng phẳng, rộng khoảng 2m, xuất lộ ở độ sâu 0,5m… Phía Đông của đàn tế hiện tại, đoàn chuyên gia đã tiến hành khai quật mở hố H7 và H8, thẳng hàng theo chiều Đông - Tây, cắt ngang các tầng của đàn tế; cho thấy toàn bộ tầng 1 và ta-luy tầng 2 nguyên gốc của đàn tế thời Tây Sơn đã bị san ủi do việc xây dựng mồ mả của người dân trước đây.
Trong hố H8, xuất lộ mặt nền nguyên gốc tầng 2; xuất lộ mặt nền và ta-luy tầng 3… Hố H9 được mở khai quật ở khu vực phía Bắc đàn tế hiện tại cũng đã xuất lộ các vết tích nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn ở độ sâu 0,1-0,4m.
Theo thống kê từ đoàn chuyên gia, kết quả đợt khảo cổ đã phát hiện có 268 mảnh gạch ở cả 9 hố đào; trong đó có 192 hiện vật gạch có các thông số, 76 hiện vật gạch không xác định. Tuy chỉ mới dừng lại ở diện tích khai quật nhỏ (hơn 100m2 với 9 hố đào) nhưng đã tìm thấy các vết tích như: bó móng kè đá, kè gạch, những mặt nền san phẳng cùng các đường ta-luy, phản ảnh rõ quy mô, tính chất của di tích.
Bước đầu, đoàn khảo cổ nhận định, đàn Nam Giao thời Tây Sơn được xây dựng ở núi Bân có chân đế hình vuông; phía trên có 3 tầng đất được tạo kiểu hình nón cụt bằng cách ban xẻ triền núi trên cơ sở các đường đồng mức hình quả trứng, tạo thành 3 vòng nền có chiều cao và chiều rộng không đều nhau, chu vi các vòng nền giảm dần theo chiều cao của ngọn núi.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế đề xuất, sau khi khảo cổ, chính quyền địa phương và ngành Văn hóa cần có kế hoạch chỉnh trang khu di tích núi Bân để phát huy giá trị của di tích này. Ngoài việc chỉnh trang để thu hút du khách, phát huy giá trị di tích, theo ông Hoa có thể xây đền thờ các vị tướng sĩ Tây Sơn ở khu di tích này, kết nối với đàn Nam Giao thời Tây Sơn và công viên tượng đài Quang Trung đã được xây dựng năm 2008.
Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đàn Nam Giao ở núi Bân là di tích quý trong hệ thống di tích về triều Tây Sơn. Do đó, việc đề xuất cần có thêm cuộc khai quật khảo cổ mở rộng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu là rất hợp lý. Đây cũng là cơ sở để bổ sung hồ sơ khoa học và đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời, là cơ sở quan trọng và cần thiết để có kế hoạch phát huy giá trị di tích độc đáo này.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế cho rằng, sau lần khai quật này, Sở sẽ có tờ trình gửi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đề xuất mở rộng khai quật khảo cổ ở khu di tích núi Bân.