Xây dựng Nghị định mới để khắc phục bất cập trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT
Bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay, Bộ đã hoàn thiện hồ sơ đầy đủ của các nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đợt 10 để Ban Thi đua khen thưởng Trung ương xem xét, tiến hành các thủ tục, đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ.
Có 136 NSƯT được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND và 347 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSƯT trong đợt này. Dự kiến, lễ phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 sẽ được tổ chức vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Như vậy, sau 4 năm kể từ đợt trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9, đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 cũng đã chuẩn bị “cán đích”. Có lẽ, đây cũng là đợt có số lượng nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhiều nhất trong một số đợt xét tặng các danh hiệu này gần đây.
Được tổ chức nhằm tôn vinh các nghệ sĩ tài năng có, nhiều cống hiến và được nhân dân mến mộ nhưng nhiều năm trở lại đây, gần như mỗi đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đều có những tranh cãi, ý kiến trái chiều về công tác tổ chức xét tặng, cho rằng tiêu chí xét tặng còn những bất cập. Đợt xét tặng lần thứ 10 là lần đầu tiên áp dụng Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Theo Nghị định 40, ngoài việc xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ theo đủ các tiêu chí về số năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, đủ giải thưởng – huy chương…, Hội đồng các cấp còn thảo luận, đánh giá các trường hợp đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đây là các nghệ sĩ chưa đáp ứng tiêu chuẩn về giải thưởng nhưng cócống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, bao gồm: Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương vàđất nước; nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế. Vận dụng tiêu chí mở nói trên nên số lượng hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đợt 10 vượt trội. Trong khi đó, những vấn đề tồn tại tương tự các đợt xét tặng trước vẫn tồn tại như tranh cãi về tiêu chí, nghệ sĩ được xét tặng…
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, Luật Thi đua khen thưởng mới được ban hành tiếp tục có những điều chỉnh về quy định trong xem xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Cụ thể là danh hiệu NSND, NSƯT được xem xét phong tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật bao gồm cả người sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật. Đây là điểm hoàn toàn mới.
Chính phủ sẽ xem xét tổ chức hội nghị đánh giá tác động khi Luật Thi đua khen thưởng mới được triển khai. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật trung ương về nội dung này. Hiện nay, Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan xây dựng Nghị định mới về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Bộ vừa tổ chức xin ý kiến các hội chuyên ngành về văn học nghệ thuật trung ương về đối tượng, tiêu chuẩn được xem xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo Nghị định số 40/2021/NĐ-CP và Nghị định số 89/2014/NĐ-CP còn những gì chưa phù hợp, cần bổ sung. Trên cơ sở ý kiến của các hội chuyên ngành, Ban Thường trực soạn thảo Nghị định mới về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ xem xét, đưa vào nội dung Nghị định và sẽ trình Chính phủ vào tháng 10/2023.