Xây dựng Bảo tàng CAND hiện đại, xứng tầm

Thứ Ba, 06/08/2024, 16:18

Xây dựng Bảo tàng CAND mới, hiện đại, mang bản sắc riêng của lực lượng CAND, có chất lượng, quy mô quốc gia, hướng tới tiệm cận với khu vực. Đây là quan điểm chung của nhiều đại biểu tại tọa đàm khoa học “Định hướng cấu trúc trưng bày Bảo tàng CAND”.

Toạ đàm do Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội vào chiều 6/8. Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị chủ trì toạ đàm.

Xây dựng Bảo tàng CAND mới, hiện đại hơn

Phát biểu đề dẫn toạ đàm, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn cho biết, Bảo tàng CAND được thành lập năm 1967. Được sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Bảo tàng CAND đã từng bước được củng cố, nâng cấp và có nhiều đóng góp, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, chính trị tư tưởng, xây dựng lực lượng CAND. Năm 2011, Bảo tàng CAND được xếp hạng I theo phân cấp hệ thống các bảo tàng Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đất nước đã bước vào thời kỳ mới với nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có đóng góp xứng đáng của lực lượng CAND. Mặt khác, trước xu thế hội nhập, phát triển của hệ thống bảo tàng cùng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng và sự phát triển, chính quy, hiện đại của CAND, Bảo tàng CAND đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, cả về nội dung, giải pháp trưng bày cũng như các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật đều không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cần xây dựng Bảo tàng CAND hiện đại, xứng tầm -0
Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục công tác đảng và công tác chính trị phát biểu đề dẫn toạ đàm.

Từ thực tế đó, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng mới Bảo tàng CAND. Bảo tàng CAND mới có quy mô và công năng hiện đại, lâu dài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa CAND đến với công chúng trong nước và quốc tế. Đồng thời, Bảo tàng CAND sẽ trở thành một địa chỉ hấp du khách, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và đất nước.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn cũng cho biết, Bộ Công an đã phê duyệt Đề cương chính trị Bảo tàng CAND mới. Cụ thể, Bảo tàng CAND có quỹ đất khoảng 6,5 ha, dự kiến xây dựng trong khu quy hoạch xây dựng trụ sở các bộ, ngành tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.  Cục Công tác đảng và công tác chính trị đã triển khai nghiên cứu, khảo sát xây dựng nội dung trưng bày, với định hướng cấu trúc trưng bày Bảo tàng CAND.  

Cần xây dựng Bảo tàng CAND hiện đại, xứng tầm -0
PGS.TS Nguyễn Văn Huy đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho việc xây dựng Bảo tàng CAND mới.

Cấu trúc trưng bày dự kiến của Bảo tàng CAND

Dự kiến, trưng bày của Bảo tàng CAND mới sẽ bao gồm trưng bày thường xuyên (trong nhà - tòa nhà chính) và trưng bày ngoài trời. Trong đó, phần mở đầu giới thiệu chung về an ninh, trật tự trong lịch sử.  Phần 1 “Dấu ấn lịch sử” giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của CAND Việt Nam, với 4 chủ đề. Chủ đề 1 “Theo dòng thời gian” (những dấu mốc lịch sử) giới thiệu sự hình thành, phát triển của CAND đi cùng sự phát triển của lịch sử cách mạng và đất nước. Chủ đề 2 “Các lực lượng CAND” giới thiệu khái quát về sự hình thành và phát triển là 5 lực lượng của CAND  gồm: Xây dựng lực lượng CAND; An ninh nhân dân; Cảnh sát nhân dân; Tham mưu CAND; Hậu cần - Kỹ thuật CAND. Chủ đề 3 “Phương tiện và thiết bị” giới thiệu tổng quát về sự thay đổi về vũ khí, phương tiện và trang thiết bị của CAND theo từng giai đoạn lịch sử. Chủ đề 4 “Những địa điểm và con người làm nên lịch sử” thể hiện những câu chuyện về những địa điểm lịch sử và những nhân vật tiêu biểu đã góp phần viết lên những trang sử vẻ vang của CAND.

Cần xây dựng Bảo tàng CAND hiện đại, xứng tầm -0
Bảo tàng CAND hiện tại là điểm tham quan thường xuyên của đông đảo cán bộ, chiến sĩ.

 Phần 2 “Những chiến công”  là phần trưng bày trọng tâm của Bảo tàng. Nội dung trưng bày chọn lọc giới thiệu các chuyên án, vụ án trọng điểm, những thành tựu quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử của CAND. Nội dung phần 2 gồm 2 chủ đề trưng bày: Các chuyên án, vụ án tiêu biểu của lực lượng CAND trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia; Các vụ án lớn, đấu tranh với các loại tội phạm và những thành tựu tiêu biểu góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển đất nước.

Phần 3 “Bản sắc nghề nghiệp” là phần trưng bày mang đến cho công chúng những trải nghiệm đặc biệt ấn tượng. Nội dung trưng bày giúp công chúng hiểu rõ hơn và có cơ hội tiếp cận một số lĩnh vực kỹ thuật chuyên ngành của CAND phạm vi cho phép công chúng tiếp cận cùng với quá trình đào tạo để trở thành một sĩ quan Cảnh sát chuyên nghiệp; đồng thời “trang bị” cho công chúng một số kỹ năng phòng chống tội phạm.

Cần xây dựng Bảo tàng CAND hiện đại, xứng tầm -0
TS Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá trao đổi tại toạ đàm.

Phần 4 “Trưng bày chuyên đề” là không gian trưng bày mở với nội dung trưng bày có thể tiếp tục cập nhật và bổ sung theo năm tháng. Không gian này hướng tới việc kết hợp giữa trưng bày nội dung và tổ chức các chương trình nghệ thuật, giao lưu, sự kiện…

Trưng bày ngoài trời (ngoài tòa nhà chính) dự kiến có các nội dung: Không gian tái hiện dấu ấn lịch sử; Không gian trải nghiệm, thực hành nâng cao kỹ năng; Không gian tri ân và tôn vinh.

Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho công trình Bảo tàng CAND mới

Cần xây dựng Bảo tàng CAND hiện đại, xứng tầm -0
Toạ đàm có sự tham gia của nhiều đại biểu trong và ngoài lực lượng vũ trang.

Tại toạ đàm, các đại biểu đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành… về lĩnh vực lịch sử, văn hóa, bảo tàng đã bày tỏ sự đồng thuận về kết cấu tổng thể của định hướng cấu trúc trưng bày. Dịp này, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về việc triển khai xây dựng và phát huy giá trị Bảo tàng CAND mới. Cụ thể, theo TS Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Ban tổ chức cần lưu tâm một số vấn đề như: Dự án chỉ được triển khai khi đề cương trưng bày được các cấp thẩm quyền phê duyệt; thiết kế công trình hợp lý, có công năng phù hợp; thiết kế công trình phải song song với thiết kế nội dung trưng bày; nên quan tâm đến sự tiếp cận của công chúng, để công chúng tham gia vào hoạt động của bảo tàng.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khuyến nghị, việc xây dựng bảo tàng phải tuân thủ nghiêm túc lộ trình xây dựng bảo tàng. 

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam cũng cho rằng, xây dựng Bảo tàng CAND mới là việc rất hệ trọng, phải làm sao để Bảo tàng CAND là bảo tàng chuyên ngành nhưng phải có quy mô quốc gia, có nội dung trưng bày mới với tư duy, cách làm mới, hiệu quả hơn.

Cần xây dựng Bảo tàng CAND hiện đại, xứng tầm -0
Toạ đàm khoa học “Định hướng cấu trúc trưng bày Bảo tàng CAND”.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu CAND đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Trong đó, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương cho rằng cần đặc biệt quan tâm cả về hình thức và nội dung trưng bày để Bảo tàng CAND mới mang bản sắc riêng của lực lượng CAND….

Thay mặt ban tổ chức tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định: Các tham luận và ý kiến của các đại biểu có ý nghĩa rất quan trọng. Cơ quan chủ trì sẽ tiếp thu, tập hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo quyết định đối với định hướng cấu trúc trưng bày của Bảo tàng CAND, phục vụ việc triển khai các bước xây dựng nội dung, thiết kế trưng bày Bảo tàng CAND đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ.

Hoa Nguyễn
.
.
.