Xây dựng bảo tàng ảo để thu hút khách: Vì sao “cũ người nhưng vẫn mới ta”?
Ứng dụng công nghệ để số hoá hiện vật, không gian bảo tàng, xây dựng bảo tàng ảo nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, du khách tìm hiểu, qua đó phát huy tốt hơn giá trị của bảo tàng. Đây là câu chuyện không mới với nhiều quốc gia, nhưng tại Việt Nam, bảo tàng ảo vẫn còn là “lãnh địa” mà không phải đơn vị nào đã “chạm” đến.
Hấp dẫn công chúng hơn với Bảo tàng 3D
Thời gian qua, công chúng quan tâm Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có dịp tiếp cận khá nhiều trưng bày ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam và Linh vật Việt Nam,Việt Nam thời Tiền sử, Văn hóa Đông Sơn, Triều Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần, Óc Eo - Phù Nam, Bảo vật quốc gia. Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng ra mắt khá nhiều chuyên đề: Mỗi kỷ vật một câu chuyện; Người đi tìm hình của nước; V.I Lê Nin và thời đại…
Đây là những chuyên đề nằm trong không gian Bảo tàng 3D, từ kết quả bước đầu trong dự án “Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM”. Đây là dự án nhằm mục tiêu xây dựng một Bảo tàng ảo bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như máy scan 3D, máy scan hồng ngoại và công nghệ Photogrammetry để thu thập dữ liệu từ hiện vật và công trình thực tế, từ đó chuyển thành mô hình 3D trong không gian máy tính.
Việc xây dựng các Bảo tàng ảo giúp vượt qua các hạn chế về địa lý và vận chuyển, cho phép người dùng từ khắp nơi trên thế giới truy cập mà không cần phải đến trực tiếp. Bảo tàng ảo còn cho phép công chúng được tham quan trải nghiệm chỉ với thiết bị di động, máy tính hoặc kính thực tế ảo chuyên dụng, được tương tác với các hiện vật trong không gian ba chiều, dễ dàng truy cập thông tin chi tiết của hiện vật. Hơn thế, việc kết hợp âm nhạc và lời bình giúp tăng cảm xúc cho người xem, cùng với hình ảnh sống động hơn, giúp bảo tàng tăng thêm sức hấp dẫn rất nhiều.
Các bảo tàng ảo không chỉ mở rộng đối tượng khán giả mà còn tạo cơ hội cho những người không thể hoặc gặp khó khăn khi tham quan bảo tàng truyền thống, góp phần giáo dục và truyền đạt văn hóa, lịch sử và nghệ thuật đến mọi người, cung cấp môi trường học tập tương tác về các tác phẩm nghệ thuật, di sản văn hóa và sự kiện lịch sử.
Nhưng còn nhiều vướng mắc, hạn chế
Bảo tàng ảo với nhiều ưu thế vượt trội là không thể phủ nhận nhưng đến nay, số lượng Bảo tàng ảo 3D thành công không hẳn bảo tàng nào thực hiện được. Một trong các nguyên nhân được chỉ ra là khó khăn về cơ sở hạ tầng công nghệ, số hoá dữ liệu. Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hiện nay, Bảo tàng đã triển khai Trưng bày bảo tàng ảo 3D, trưng bày 3D sưu tập Bảo vật quốc gia và đang phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị chuyên môn triển khai từng bước xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý hiện vật Bảo tàng. Tuy nhiên, về tổng thể, việc xây dựng kho dữ liệu số chuyên ngành của bảo tàng còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí còn hạn chế. Phần mềm Quản lý hiện vật cũ, phần mềm Quản lý thư viện và Quản lý phim ảnh chỉ sử dụng để quản lý và tra cứu tại chỗ, chưa kết nối với các đường link hoặc trang thông tin…
Trong khi đó, việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tài liệu, hiện vật là một xu thế tất yếu. Khi cơ sở dữ liệu quản lý tài liệu, hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia đi vào hoạt động sẽ tạo ra nhiều thuận lợi, không chỉ trong trưng bày, phát huy giá trị hiện vật mà còn hỗ trợ trong công tác quản lý, hỗ trợ bảo tàng các chức năng quản lý sưu tập như bổ sung thông tin cho tài liệu hiện vật, phát triển trưng bày, kiểm soát vị trí và quản lý bảo quản, mượn và cho mượn hiện vật, an ninh của hiện vật…
Thạc sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng cho hay, hiện Bảo tàng có gần 20 nghìn hiện vật. Đây là khối tài sản quý của quốc gia. Để quản lý và khai thác tốt số lượng hiện vật trên, công tác tư liệu hóa và số hóa hiện vật bảo tàng là yêu cầu cấp thiết của Bảo tàng nhằm từng bước giải quyết những tồn tại, bắt kịp với xu hướng của các bảo tàng tiên tiến, đồng thời thực hiện Chương trình số hóa Di sản Văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, trong tổng số gần 20 nghìn hiện vật đang được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ cho đến năm 2022 vẫn được quản lý, khai thác một cách thủ công bằng hệ thống sổ đăng ký hiện vật, sổ phân loại hiện vật các loại.
Những hiện vật này một phần đã có đủ thông tin cơ bản khi đăng ký, nhưng vẫn còn hiện vật đang thiếu thông tin hoặc thông tin chưa chính xác, chưa thống nhất giữa sổ đăng ký và thông tin giới thiệu trên trưng bày khiến cho công tác quản lý, khai thác gặp nhiều khó khăn. Cơ sở dữ liệu về hiện vật Bảo tàng chưa được tổng kiểm kê khoa học dẫn đến tình trạng còn thiếu thông tin, thiếu chính xác hay nói cách khác là dữ liệu chưa được “làm sạch” một cách tổng thể.
Để góp phần làm sạch cơ sở dữ liệu, Bảo tàng đã tiến hành tổng kiểm kê khoa học toàn bộ hiện vật bảo tàng. Kết quả khi quản lý hiện vật bằng phần mềm và cơ sở dữ liệu đi vào hoạt động đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đáp ứng tốt yêu cầu trong công tác quản lý hiện vật cũng như khai thác và phát huy cơ sở dữ liệu về hiện vật.
Từ kinh nghiệm của đơn vị, Thạc sĩ Nguyễn Đức Kiên khuyến nghị, để thực hiện tốt chuyển đổi số một cách đúng hướng, hiệu quả cần rất nhiều yếu tố, điều kiện, trong đó công tác xây dựng kế hoạch cần bám sát các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý và các cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Việc thu thập thông tin, làm sạch cơ sở dữ liệu phải được ưu tiên, tiến hành sớm và kỹ để đảm bảo tính chính xác.
Đối với các bảo tàng, việc tổng kiểm kê khoa học là một trong những khâu quan trọng để có được cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác bên cạnh việc thu thập, xác minh thông tin từ các nguồn ngoài bảo tàng. Tiến hành nghiên cứu kỹ, tham khảo các đơn vị đi trước để xây dựng phần mềm phù hợp với nhu cầu của đơn vị, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý. Đầu tư nhân lực, đào tạo nâng cao về công nghệ thông tin đồng thời với trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và triển khai quyết liệt để đem lại kết quả, sản phẩm cụ thể…